Huy động nguồn lực xã hội trong bảo tồn các giá trị di sản văn hóa
Đây là ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2022, trong đó Chính phủ xem xét, thảo luận, cho ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa sửa đổi.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng, các trưởng ngành rà soát, xem lại có gì vướng mắc trong Luật, cái gì luật pháp chưa quy định nhưng thực tiễn đòi hỏi để bổ sung, tháo gỡ.
Chính phủ giao Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, nỗ lực bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác, nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do luật pháp, thực tiễn diễn ra mà chưa có luật, quy định, cần khẩn trương hoàn thiện, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, cho người dân, doanh nghiệp, cho việc tăng cường quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.
Cần bổ sung các nội dung quy định về hồi hương cổ vật
Theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng, sau hơn 20 năm có hiệu lực thi hành, Luật Di sản văn hóa đã bộc lộ một số bất cập cần sớm khắc phục, hoàn thiện.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cần bổ sung những quy định mới tại Luật Di sản văn hóa điều chỉnh (như loại hình di sản tư liệu).
Bộ VHTT&DL cho biết, dự kiến Luật sửa đổi sẽ bổ sung các quy định bảo đảm cho hoạt động kiểm kê, ghi danh, xếp hạng, công nhận; lập, triển khai quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Hoàn thiện quy định về hoạt động bảo tàng; bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, có chính sách khuyến khích hồi hương di sản…Quy định rõ hơn về nội dung, phân định rõ quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước về di sản.
Rà soát kỹ các vấn đề trong quá trình xây dựng Luật
Về đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu chọn lọc, bảo đảm tính tổng thể, toàn diện.
"Tổng kết phải kỹ lưỡng hơn, xem cái gì được, chưa được, nguyên nhân chủ quan, khách quan để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, vừa tháo gỡ vướng mắc, vừa phủ kín vấn đề thực tiễn mới xuất hiện chưa được quy định trong Luật", Thủ tướng nêu.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương; huy động tối đa các nguồn lực xã hội trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy hợp tác công tư, nhưng có cách quản lý hiệu quả.
Đồng thời, lưu ý xem xét một số vấn đề như đưa vào giáo dục phổ thông, chuyển đổi số trong quản lý bảo tàng, xây dựng bảo tàng số. Giữ gìn, phát huy, tôn tạo di sản gắn với phát triển du lịch.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ tác động của các chính sách mới; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.