Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Là tỉnh miền núi, Sơn La cũng như các tỉnh trong khu vực khi bắt tay triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay diện mạo nông thôn ở 188 xã trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống người dân ngày một nâng cao. Con số 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới là kết quả vượt ngoài mong đợi. Chìa khóa tạo nên sự thành công này chính là huy động được các nguồn lực của địa phương và cộng đồng dân cư.

Một góc bản Nà Bai, xã Chiềng Yên (Vân Hồ).

Một góc bản Nà Bai, xã Chiềng Yên (Vân Hồ).

Huy động sức dân

Chiềng Ban là một trong những xã về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Mai Sơn năm 2015, đến năm 2020 tiếp tục được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng chí Bùi Trọng Lượng, Bí thư Đảng ủy xã, thông tin: Công tác tuyên truyền là giải pháp có ý nghĩa quyết định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân cùng góp công, góp sức, góp của xây dựng nông thôn mới. Tính từ năm 2018 đến nay, Chiềng Ban đã huy động 16,6 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới; trong đó, nhân dân đã đóng góp hơn 11 tỷ đồng, hiến trên 10.000 m² đất và hàng nghìn ngày công lao động.

Mô hình trồng cam mang lại thu nhập cao của người dân xã Chiềng Ban (Mai Sơn).

Mô hình trồng cam mang lại thu nhập cao của người dân xã Chiềng Ban (Mai Sơn).

Tại xã Hát Lót, thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã đã lựa chọn thế mạnh của địa phương, vận động các HTX nông nghiệp liên kết với các hộ dân tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tất cả các công việc của bản, xã đều được đưa ra bàn bạc, xin ý kiến công khai. Khi người dân được trực tiếp tham gia bàn bạc, thực hiện và thụ hưởng, người dân đồng thuận rất nhanh. Tính riêng năm 2020, xã đã huy động xây mới, sửa chữa 10 công trình nhà văn hóa, tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng; bê tông hóa gần 14 km đường giao thông nội bản với tổng kinh phí trên 14,5 tỷ đồng; vận động các HTX bê tông hóa 7,3 km đường nội đồng, kinh phí gần 6 tỷ đồng; trong đó, các HTX đóng góp gần 2,6 tỷ đồng. Anh Nguyễn Bá Tuân, Giám đốc HTX Thiên Tân, chia sẻ: Các thành viên HTX đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, sau thành công vụ tiêu thụ xoài, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, 9 thành viên của HTX đã góp trên 540 triệu đồng bê tông hóa gần 1,3 km đường giao thông nội đồng, giúp người dân trong bản đi lại và vận chuyển hàng hóa của HTX được thuận tiện hơn.

Còn tại huyện vùng biên Sông Mã, với quyết tâm cao nhất và sự vào cuộc quyết liệt, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch chỉ đạo về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đổi thay rõ nét nhất ở các xã của huyện biên giới là hạ tầng cơ sở được đầu tư, nâng cấp; hệ thống điện, đường, trường, trạm được củng cố, tu bổ, làm mới khang trang. Trong năm 2020, huyện đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây mới 74 công trình hạ tầng thiết yếu; xây dựng 5 mô hình sản xuất, tổng nguồn vốn huy động nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2020 là 225,3 tỷ đồng; trong đó, vốn lồng ghép trên 104 tỷ đồng và trên 11 tỷ đồng vốn huy động từ nhân dân.

Phát huy các nguồn lực

Theo thống kê năm 2020, toàn tỉnh đã huy động, lồng ghép được gần 19.200 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 829,6 tỷ đồng; ngân sách địa phương và vốn lồng ghép khác hơn 2.630 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 15.000 tỷ đồng; huy động từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân để thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu 720 tỷ đồng...

Tuyến đường nội đồng được các thành viên HTX Thiên Tân, xã Hát Lót (Mai Sơn) đổ bê tông.

Tuyến đường nội đồng được các thành viên HTX Thiên Tân, xã Hát Lót (Mai Sơn) đổ bê tông.

Chia sẻ kinh nghiệm huy động nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết: Huyện Sông Mã đã huy động lồng ghép các nguồn vốn như: Vốn chương trình MTQG giảm nghèo, nguồn thu cấp quyền sử dụng đất, nguồn bổ sung cân đối ngân sách huyện... Trong năm 2020, huyện đã trích trên 17 tỷ đồng từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất của huyện bổ sung vào ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu. Huyện còn huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư vào các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp, thực hiện xã hội hóa đầu tư các công trình cấp nước sạch, chợ nông thôn, công trình thu gom, xử lý rác thải và một số công trình công ích khác...

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, thông tin: Với quan điểm “Huy động nội lực là chủ yếu, hỗ trợ của doanh nghiệp là quan trọng, đầu tư của Nhà nước là cần thiết”, từ tháng 10/2017 đến nay, vào thứ 7 hằng tuần, cán bộ các phòng, ban, cơ quan huyện Mai Sơn tham gia “Ngày về sơ sở xây dựng nông thôn mới”, thực hiện việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu gom rác thải, xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp tại các xã. Trong năm 2020, toàn huyện đã huy động trên 80.000 ngày công tham gia, xóa 151 nhà dột nát, chỉnh trang 5.147 nhà ở dân cư, đào 5.199 hố rác, giúp 4.418 hộ gia đình đưa gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn, làm 3.501 nhà tắm, nhà vệ sinh, giúp 3.510 hộ gia đình cải tạo vườn tạp... Thông qua phong trào đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí và nâng cao nhận thức của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Chính sách đi vào thực tiễn

Cùng với công tác tuyên truyền, động lực để nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới là các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh như: Nghị quyết 115/2015/NQ-HĐND; Nghị quyết số 77/2018/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ cụ thể từ ngân sách nhà nước cho một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ban hành chính sách đầu tư vào nông nghiệp nông thôn... Từ đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã có cách làm sáng tạo, phù hợp với tiềm năng, lợi thế trong huy động vốn cho nông thôn mới.

Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, khẳng định: Các cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời và có tính thực tiễn cao đã tạo điều kiện cho các địa phương trong toàn tỉnh khai thác tốt các nguồn lực tại chỗ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Nhờ đó, đến hết năm 2020, bình quân các xã đạt 13,2 tiêu chí nông thôn mới; 100% số xã trong tỉnh đã có đường đến trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống của người dân khu vực nông thôn cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 36 triệu đồng/năm (tăng 23 triệu đồng/người/năm so với thu nhập bình quân đầu người ở các xã năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm từ 34,4% (năm 2015) xuống còn 18,6% (năm 2020), bình quân giảm trên 3%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIV đề ra...

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của HTX Toàn Phát (Sông Mã) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của HTX Toàn Phát (Sông Mã) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Việc huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới đã góp phần lớn tạo động lực giúp các địa phương trong tỉnh thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, lựa chọn những nội dung phù hợp, thiết thực để vận động, khơi dậy tinh thần chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án để phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với việc hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/huy-dong-nguon-luc-xay-dung-nong-thon-moi-38212