Huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Bình Thuận dự kiến thu hút tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 129.800 tỷ đồng, qua đó tập trung cho đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh.

Đây cũng là kết quả đạt được sau hơn 1,5 năm thực hiện Nghị quyết số 08 - ngày 28/12/2021 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025. Trong đó có bao gồm vốn ngân sách Trung ương bổ sung Cảng hàng không Phan Thiết (hạng mục quốc phòng) và đầu tư 3 đoạn cao tốc qua địa bàn tỉnh: Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Còn với chi đầu tư phát triển (bao gồm vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và các nhiệm vụ Trung ương giao) là 13.570 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,65% so tổng chi ngân sách địa phương…

Thời gian qua, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được quan tâm đẩy mạnh đầu tư (Ảnh minh họa).

Thời gian qua, địa phương luôn quan tâm ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý và nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư trên địa bàn để đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông. Đến nay đã có nhiều công trình, dự án quy mô lớn được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả, nhất là với 2 đoạn cao tốc đường bộ Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây… Trong khi đó, hạ tầng giao thông nông thôn tại Bình Thuận vẫn được đẩy mạnh đầu tư theo phương châm “Nhân dân làm - Nhà nước hỗ trợ”. Cụ thể ở giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh thực hiện gần 150 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí hơn 298 tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 210 tỷ đồng, vốn huyện hỗ trợ 26,41 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 62,19 tỷ đồng.

Đối với khu - cụm công nghiệp, tính từ năm 2021 đến giữa năm nay có 7/9 khu công nghiệp đã và đang đầu tư hạ tầng với diện tích là 2.163,43/3.003,43 ha, chiếm trên 72% đất khu công nghiệp tại Bình Thuận. Về cụm công nghiệp, hiện địa phương thành lập được 27/36 cụm theo quy hoạch, trong đó 14 cụm đã có nhà đầu tư hạ tầng và từ năm 2021 đến nay chi đầu tư hạ tầng cho 7 cụm đạt giá trị thực hiện khoảng 460 tỷ đồng (bao gồm vốn đầu tư thứ cấp vào các cụm)… Đặc biệt với hạ tầng điện - năng lượng, cùng thời gian toàn tỉnh có thêm 5 nhà máy điện gió với tổng mức đầu tư khoảng 8.766 tỷ đồng. Ngoài ra hệ thống lưới điện (500 kV, 220 kV, 110 kV, trung thế và hạ thế) trên địa bàn tỉnh cũng được đầu tư, cải tạo, nâng cấp thường xuyên với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, Bình Thuận còn tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng ở một số ngành, lĩnh vực chủ yếu: Thủy lợi và ứng phó biến đổi khí hậu; Thương mại - dịch vụ; Thông tin, chuyển đổi số và khoa học công nghệ; Văn hóa, thể thao và du lịch; Đầu tư hạ tầng thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Riêng lĩnh vực y tế nhờ huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn xổ số kiến thiết và xã hội hóa nên ở giai đoạn 2021 - 2023 được đẩy mạnh đầu tư hạ tầng với khoảng 470 tỷ đồng. Còn đầu tư hạ tầng cho lĩnh vực giáo dục đào tạo trong giai đoạn này là gần 1.600 tỷ đồng, nhờ đó cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư cơ bản đầy đủ, đồng bộ cũng như đáp ứng nhu cầu dạy và học…

Được biết, Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025 đặt mục tiêu đạt 250.000 tỷ đồng. Với kết quả sau hơn 1,5 năm thực hiện đã đạt xấp xỉ 52% so mục tiêu đề ra, điều này cũng ghi nhận nỗ lực huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn Bình Thuận… Gần đây, địa phương tiếp tục đón nhận tin vui khi thu hút các dự án ngoài ngân sách có vốn đăng ký lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư: Kho cảng LNG Sơn Mỹ (31.434 tỷ đồng), Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II (hơn 49.500 tỷ đồng), Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ I (47.464 tỷ đồng). Hay như nhiều dự án thuộc lĩnh vực giao thông được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, hoặc kiến nghị xem xét hỗ trợ bố trí vốn ngân sách Trung ương đầu tư sẽ hướng đến kết nối vùng, tạo động lực phát triển cho địa phương.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy (khóa XIV), tới đây Bình Thuận sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và thông thoáng về thủ tục đầu tư, chính sách đất đai, chính sách thuế, bồi thường giải phóng mặt bằng, ưu đãi đầu tư để thu hút nhà đầu tư, các thành phần kinh tế trong, ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh nhà…

Ở lĩnh vực hạ tầng năng lượng, đến nay toàn tỉnh có 47 nhà máy điện (có tổng công suất 6.523,21 MW) đang hoạt động phát điện với sản lượng điện thiết kế của các nhà máy là trên 31 tỷ kWh/năm. Qua đó không những đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương mà còn góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/huy-dong-toi-da-nguon-luc-cho-dau-tu-ket-cau-ha-tang-114178.html