Huyền ảo sơn son
Từ xa xưa Hạ Thái (xã Duyên Thái - Thường Tín - Hà Nội) đã nổi tiếng làm đồ sơn son thếp vàng. Hầu như những hoành phi câu đối, án thư, bàn trà khay nước ở quanh vùng hà thành đều do thợ người làng Hạ Thái làm. Những người thợ sơn của làng đều tài hoa. Họ đi khắp nơi để làm đồ cho mọi nhà. Nhất là những gia đình giàu có đều mời gọi thợ làng Hạ Thái đến làm sơn son thếp vàng cho bàn thờ thật sang trọng.
Thiếu nữ bên hồ sen
Về làng Hạ Thái chúng tôi có dịp gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi. Bà là một trong những người theo đuổi nghề hơn 40 năm qua. Bà kể chừng hơn 250 năm trước làng chuyên chỉ làm sơn son thếp vàng cho những mặt hàng thuần túy trong sinh hoạt đời sống (gọi là đồ Nét). Nhưng từ năm 1930 các họa sĩ của Mỹ thuật Đông Dương đầu tiên đã về đây học nghề sơn. Trong đó có họa sĩ Nguyễn Gia Trí tỏ ra chăm chú tìm hiểu cặn kẽ cách luyện sơn pha màu.
Ngay trong những đêm đầu tiên về nhà họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã mày mò phủ các lớp sơn và mài nhẵn bằng mớ rơm tơ. Dần dần càng mài thì những sắc màu hiện ra mỏng tang và có độ lung linh kỳ ảo. Màu sắc hòa tan trong ánh sáng gây bất ngờ cho mọi người. Những thí nghiệm ấy đã tạo nên những bức tranh sơn mài sau này mà họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã theo đuổi cả cuộc đời. Trong làng ngày ấy có ông Đinh Văn Thành người đã tham gia giảng dậy nghề làm sơn cũng bị cảm hóa những sáng tạo bất ngờ của họa sĩ trẻ Nguyễn Gia Trí. Ông học lại cách làm tranh sơn mài rồi về truyền nghề cho làng.
Cổng làng Hạ Thái.
Tôi đoán chắc bức tranh “Thiếu nữ bên hồ sen” của danh họa Nguyễn Gia Trí bắt nguồn từ đây. Bởi làng Hạ Thái có hồ sen lớn gần đình. Đó là cảm xúc bâng khuâng với những cô gái dịu dàng bên cánh đồng sen thơm ngát. Dọc đường làng kéo dài tới đình xưa là những vườn hoa tràn đầy hương sắc. Những cánh sơn then, sơn son hiện lên trong tưởng tượng cùng với vỏ trứng nướng được đập vụn rắc trên những cánh hoa. Chúng được mài suốt ngày đêm để tạo nên bức tranh hoàn chỉnh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Sau đó họa sĩ còn để lại cho thế gian này bức tranh sơn mài tuyệt bích: “Thiếu nữ bên hồ Gươm”. Bộ tranh nổi tiếng và đắt giá của họa sĩ Nguyễn Gia Trí còn được bổ sung những tác phẩm như “Hoa dọc mùng”, “Chùa Thiên Mụ”, “Ai mua rươi ra mua” và đặc biệt là “Vườn xuân Trung-Nam-Bắc”… Tất cả thành công vang dội của họa sĩ đều bắt đầu từ ngôi làng làm sơn này. Ông đã biến hóa chúng trở thành một báu vật mới lạ qua nghệ thuật sơn mài. Sau này người ta truyền lại với ý nghĩa cội nguồn của nó là “Tranh sơn ta”.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi bồi hồi với bao ký ức một thời thịnh vượng của làng nhờ làm tranh sơn mài (vào thập niên 90). Không ít các nghệ nhân xưa của làng đã vẽ nên những bức tranh tứ bình lớn hoặc có người còn thạo làm tranh sơn mài cho những tủ chè rất công phu. Còn dân làng sống chủ yếu bằng vẽ tranh hoa sen hoa cúc, cảnh chăn trâu và chợ quê. Nghệ nhân nhớ có thời hai vợ chồng bà đã đạp xe vào phố Hàng Khay để giao hàng. Hàng bán chạy không kịp làm. Cứ thế làng nhộn nhịp ngày đêm. Nhà nhà làm tranh. Người người trở thành họa sĩ. Có đêm cả nhà bà phải thức suốt mài sơn và ủ tranh cho kịp khô để giao hàng. Có người còn về làng đặt tranh khổ lớn mươi mét vuông bày ở sảnh nhà. Khi đó cả mấy nhà thức đêm cùng làm. Bức tranh làm kéo dài mấy tháng trời. Nào sơn, nào mài, nào ủ. Vất vả trong rét buốt mưa gió nhưng ai cũng hồ hởi say mê công việc. Làng Hạ Thái ngày ấy khấm khá hẳn lên. Một số gia đình còn cho con đi học trường Mỹ thuật để nâng cao tay nghề sau này.
Người làm tranh sơn khắc kỳ dị
Thật tình cờ khi có người dẫn tôi vào gia đình nghệ nhân Tiến Đạt, ở xóm ngoài làng Hạ Thái. Ông cũng là người kế tục ba đời làm nghề. Gia đình nghệ nhân có nét khá đặc biệt. Hiện cả bốn con cả trai lẫn gái và dâu rể đều được học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Đến cả cháu nội ông hiện cũng bắt đầu cầm bút tô sơn. Nghệ nhân Tiến Đạt người thấp bé ít nói và chỉ cặm cụi làm suốt ngày. Ông đã giao cho các con làm tranh sơn mài để bán cho khách du lịch. Riêng cô con gái làm đồ chơi sơn mài cho trẻ em cũng rất đắt hàng. Cô làm búp bê, hộp đựng đồ kim chỉ, lọ hoa, ống bút với những họa tiết cách điệu khá hiện đại. Nghệ nhân đã nhường thị phần bán tranh sơn mài cho vợ chồng con trai. Còn ông lao vào công cuộc chơi mới đó là vẽ tranh sơn khắc. Ông kể nói đây cũng là một nghề của làng xưa khi làm sập gụ tủ chè cũng đã điểm tô tranh sơn khắc. Công việc làm tranh khác sơn mài là khắc nét nổi, hình chìm rồi mới tô màu sơn (sơn ta). Cứ thế ông Tiến Đạt chơi một kiểu.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi bên tác phẩm “Hoa sen và bình hoa”.
Nghệ thuật tranh sơn khắc là một trong những giáo trình sau này đã dậy trong trường. Nhưng trước đó ông Tiến Đạt đã đi học nghề một ông thầy trên phố cách đây vài chục năm. Nghệ nhân nhớ lại khi lên Hàng Khay giao hàng sơn mài thì bất ngờ thấy ở cửa hàng có một bức tranh sơn khắc. Bức tranh trẻ chăn trâu đọc sách với cánh diều bay khắc trên vóc sơn then gây ấn tượng lạ cho ông. Mãi sau đó ông mới hỏi dò cho được tác giả của những bức tranh sơn khắc đó và tìm học nghề. Làm tranh sơn khắc đòi hỏi người làm nghề khéo tay khi tạo hình. Tranh phải sinh động gợi cảm với những đề tài thân quen như lễ hội, trò chơi dân gian, chợ quê, chăn trâu, cấy hái... Khi tô sơn cũng phải có kiến thức về sự hòa sắc và phù hợp với nhịp điệu trong tranh như làm sơn mài vậy. Khi đó tranh sơn khắc mới có hồn và gây ấn tượng với người xem. Ngày ngày ông cặm cụi chạm khắc với bức tranh của riêng mình. Không ngờ tranh bày bán được vì sự mới lạ và độc đáo của nó. Dần dần có người đặt hàng. Từ đó nghề tranh sơn khắc trở thành nghiệp của ông.
Nghệ nhân Tiến Đạt lầm lũi kiên trì dựng nghiệp từ nghề cổ của làng mà không mấy người để ý. Thị trường tranh sơn mài của Hạ Thái rất sôi nổi kiếm được nhiều tiền nhưng không lung lạc được ông. Nghệ nhân thường làm việc cặm cụi cả ngày không nói năng chi. Hình ảnh thâm trầm của ông như bức tượng cô đơn bên ván gỗ. Ông có phòng vẽ riêng biệt của mình. Có lần được đặt làm một bức tranh lớn ông đã cho gọi một người cháu phụ giúp việc. Dần dần ông có thợ học việc từ đó. Điều bất ngờ hơn con trai ông đã bắt đầu đồng hành với ông. Anh đã nhanh chóng học được nghề làm sơn khắc. Anh nghiên cứu thêm sách vở và bắt đầu khắc tranh cho bố. Mới đây nhất trong mấy tháng Hà Nội bị phong tỏa anh đã cùng bố hoàn thành một bức tranh theo đơn đặt hàng. Tác phẩm bình phong “Lục bình” (1,8mx2,5m) với sáu cánh gập. Đây là đơn hàng với giá 100 triệu đồng được khắc hai mặt với hàng trăm hình trên bức bình phong lớn.
Còn mãi đó “Tranh sơn ta” làng Hạ Thái
Nay làng nghề Hạ Thái có mươi công ty và 300 hộ gia đình theo nghiệp tranh sơn mài. Từ mấy chục năm nay gia đình nào cũng làm tranh bằng nguyên liệu sơn ta. Họ đều thấu hiểu nét kỳ ảo và đằm sâu của những tác phẩm mà họ làm ra. Nhưng hiện nay công nghệ làm sơn đã biến đổi theo thị trường. Sơn nước ngoài ồ ạt nhập vào nước ta. Sơn ngoại có ưu điểm hơn hẳn sơn ta về độ bóng và đặc biệt nhanh khô theo mọi thời tiết. Gần đây nhiều nhà đã bỏ sơn ta chạy theo làm “hàng bóng”. Công việc làm “Tranh sơn ta” đã bị buông lỏng.
Nhưng thực tế cũng đang chuyển động và đổi mới theo chiều hướng tốt. Xã đã có những nghệ nhân được giao nhiệm vụ bảo tồn vốn ông cha về “Tranh sơn ta”. Những lớp học đã được mở lại đào tạo cơ bản. Hơn nữa ở Hà Nội đã hình thành đội ngũ họa sĩ vẽ “Tranh sơn ta”. Đó là lớp họa sĩ trẻ có tay nghề và tình yêu nghệ thuật sơn mài được coi là đặc sản mỹ thuật của Việt Nam. Những tài năng lớn chuyên vẽ sơn mài như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ, Hoàng Đình Tài… đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị trong nước và quốc tế. Họ là những tấm gương sáng chói cho lớp họa sĩ trẻ tiếp nối chặng đường sáng tạo mới trong tương lai.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/huyen-ao-son-son-i634695/