Huyện Bàu Bàng: Nỗ lực trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị

Công nghiệp phát triển đang góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện Bàu Bàng. Trong giai đoạn 2021- 2025, huyện Bàu Bàng huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị.

Hấp dẫn nhà đầu tư

Gắn với định hướng của tỉnh chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía bắc, huyện Bàu Bàng đã và đang tạo được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Bàu Bàng được cho là địa phương hưởng lợi nhất, bởi nằm ở vị trí gần như chính giữa và là cửa ngõ phía bắc của tỉnh. Đây cũng là địa phương được duyệt quy hoạch diện tích khu công nghiệp (KCN) tăng 6,2 lần so với diện tích đang hoạt động. Nhờ đó giúp diện mạo của huyện ngày càng phát triển, kinh tế của huyện ngày càng khởi sắc và chuyển biến nhanh theo hướng công nghiệp và dịch vụ.

Với vị trí thuận lợi, mặt bằng rộng, thông thoáng, cùng những cơ chế chính sách ưu đãi, các KCN tại huyện Bàu Bàng vẫn đang tạo được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư dây chuyền máy móc mới, hiện đại hơn, mở rộng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất, như: Công ty TNHH KyungBang Việt Nam, Tập đoàn Kolon, Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam), Công ty TNHH Giant Manufacturing Việt Nam…

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Kyungbang Việt Nam, KCN Bàu Bàng

Ông Yeh Ming Yuh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam), cho biết công ty đã đầu tư tại KCN Bàu Bàng từ năm 2015, hoạt động sản xuất xơ sợi tổng hợp, dệt nhuộm thành phẩm và may mặc. Công ty dự định tiếp tục rót thêm hơn 250 triệu đô la Mỹ vào Bình Dương, trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất tại tỉnh với hơn 1,37 tỷ đô la Mỹ.

Tính đến nay, huyện Bàu Bàng đã thu hút 1.463 dự án, trong đó, đầu tư trong nước 1.214 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 32.535 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài 249 dự án với tổng vốn đăng ký trên 4,53 tỷ đô la Mỹ. Hầu hết các dự án đều đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Các dự án này đã và đang mở ra nhiều cơ hội góp phần gia tăng năng lực sản xuất của lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

Theo ông Alexander Christopher Falter, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ecco Việt Nam, với 100% vốn đầu tư từ Đan Mạch, công ty chuyên ngành sản xuất giày da, túi xách… xuất khẩu. Công ty TNHH Ecco Việt Nam đã chọn Bàu Bàng để đặt nhà máy sản xuất được hơn 8 năm, hiện cóhơn 1.000 công nhân lao động. Ecco cũng đang cóchủtrương mởrộng xưởng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thịtrường của công ty trên toàn thếgiới.

Hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Trước nhu cầu tìm hiểu và muốn thuê đất của các nhà đầu tư vào các KCN của huyện Bàu Bàng, hiện nay một số dự án trọng điểm trên địa bàn đang được địa phương tập trung chỉ đạo gấp rút hoàn thành để sớm đưa vào sử dụng, tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư. Các ngành chức năng đang gấp rút đầu tư hạ tầng KCN Cây Trường, sẵn sàng đón các doanh nghiệp đến mở nhà máy.

KCN Cây Trường có quy mô lập quy hoạch khoảng 700 ha, với 35.000 lao động. Theo quy hoạch, Cây Trường là KCN đa ngành với các loại hình công nghiệp thu hút các dự án đầu tư theo định hướng phát triển của tỉnh. Được biết, KCN Cây Trường có tổng vốn đầu tư hơn 5.459 tỷ đồng do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư. Đơn vị đã thông qua kế hoạch đầu tư, thời gian xây dựng dự kiến từ năm 2022-2026 và cho thuê cơ sở hạ tầng giai đoạn 2022- 2030. KCN Cây Trường hứa hẹn tạo thêm động lực để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp tại huyện Bàu Bàng trong giai đoạn tới.

Bàu Bàng đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành một địa phương có nền kinh tế công nghiệp phát triển. Dấu ấn nổi bật nhất chính là xây dựng và phát huy vai trò của các KCN tập trung. KCN Bàu Bàng nói riêng và các KCN khác đang giúp địa phương phát triển công nghiệp, thúc đẩy phát triển về đô thị, thương mại - dịch vụ, đưa giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng bình quân hàng năm 21,31%.

Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết kinh tế của huyện khởi sắc và chuyển biến nhanh theo hướng công nghiệp và dịch vụ, thu hút các dự án đầu tư hiệu quả. Bàu Bàng đang triển khai nhiều giải pháp để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển, nhanh chóng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối đến các KCN của huyện. Huyện cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tận dụng mọi cơ hội để quảng bá môi trường kinh doanh đối với các nhà đầu tư mới. Phấn đấu đưa Bàu Bàng sớm trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị phía bắc của tỉnh.

Theo đồ án Quy hoạch tổng thể tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vùng lõi trung tâm (gồm các thành phố Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Bến Cát và huyện Bàu Bàng) sẽ có chức năng là đô thị thông minh, tập trung phát triển mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ thế hệ mới. Vùng lõi trung tâm sẽ là cực tăng trưởng, vùng động lực phát triển của tỉnh, với hạt nhân là các KCN khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin tập trung, để từng bước hình thành công viên khoa học - công nghệ của tỉnh và định hình phát triển cho các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, thương mại - dịch vụ chất lượng cao, thu hút các ngành nghề sản xuất điện, điện tử, chíp, công nghệ bán dẫn.

NGỌC THANH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/huyen-bau-bang-no-luc-tro-thanh-trung-tam-cong-nghiep-do-thi-a323955.html