Huyền bí bếp lửa của người Ê Ðê

Bếp lửa thiêng lễ hội của người Ê Ðê - Ảnh: LÊ KHA

Trong nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc mà người Ê Ðê ở Phú Yên còn lưu giữ, phải kể đến sự huyền bí, ý nghĩa sâu sắc của bếp lửa thiêng.

Người Ê Ðê theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, họ tin lửa cũng có thần cai quản. Ngoài việc nấu nướng, lửa giúp cho con người sưởi ấm mùa đông giá rét, lửa xua đuổi thú dữ và lửa bập bùng là tín hiệu báo tin vui. Vậy nên khi làm nhà, người Ê Ðê luôn chú trọng đến việc đặt bếp lửa.

Bếp lửa đặt ở gian sau gọi là bếp chủ, hay còn gọi là bếp ót, dùng chung cho cả gia đình. Ðây là gian chính để ông bà, cha mẹ ở, cất giữ tài sản, ché, chiêng. Và cũng là nơi sinh hoạt hàng ngày, bàn tính chuyện làm ăn, gia đình quây quần chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.

Gian trước có một bếp khách, đặt bên cửa sổ phía đông, dùng để nấu cơm, nấu nước đãi khách. Bên cạnh đó có một chiếc Kpan làm bằng gỗ đặt theo chiều dài của gian tiếp khách, dùng để ngồi uống rượu và đánh cồng chiêng. Khi khách ở lại đêm, chủ nhà cho thêm vài cây củi gộc để bếp cháy đến sáng. Bếp lửa này truyền hơi ấm, nhóm lên những câu chuyện vui và những tâm tình ơn nghĩa.

Bếp lửa của người Ê Ðê chứa đựng sự huyền bí.

Ngoài bếp ở nhà, trên rẫy chòi của người Ê Ðê cũng có một bếp lửa. Ra Giêng, bước vào mùa vụ mới, chủ nhà cúng ở rẫy con gà, ché rượu bên bếp lửa, rồi rước “hồn lửa” về nhà, nhóm lửa đỏ ba ngày đêm. “Tập tục này có từ lâu đời, cầu mong yàng (trời) và các đấng thần linh độ trì cho vụ mùa năm mới được mưa thuận gió hòa, cây trái tốt tươi, được mùa lúa bắp…”, ông Ma Thoan ở xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa nói.

Bếp lửa trên nhà sàn của người Ê Ðê - Ảnh: LÊ KHA

Theo ông A Ma Nhuôm ở xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, những ngày đầu năm mới, hay lễ mừng tuổi con cháu trưởng thành, lễ cưới, mừng nhà mới, lễ rước “hồn lúa”, bếp lửa chủ và bếp lửa khách luôn cháy suốt ngày đêm, cầu mong các vị thần linh, đất trời, sông núi che chở gia đình có sức khỏe, bình an, sống no đủ, mọi việc đều hanh thông, dòng họ thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Mỗi dịp làng buôn tổ chức lễ hội, ngoài cây nêu còn có một bếp lửa thiêng, các chàng trai, cô gái tấu cồng chiêng, múa trống đôi, múa xoang quanh bếp lửa. Bếp lửa thiêng tỏa sáng là lời mời gọi của dân làng đến các thần linh cùng về đây chứng kiến sự kết đoàn, chung tay xây dựng quê hương tươi sáng, không còn cái đói, cái nghèo. Bếp lửa thiêng này là nơi giao lưu, khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa.

Người Ê Ðê quan niệm rằng, khi tết đến xuân về, bếp lửa khách lúc nào cũng rực đỏ là để tỏ lòng hiếu khách, lửa nổ tí tách là tiếng nhạc, tiếng cười, tiếng mời gọi và còn giữ hơi ấm giữa khách và chủ. Lửa là vị thần may mắn, đầu năm mới, bếp luôn đỏ lửa, gia đình sẽ có cuộc sống no đủ, hạnh phúc.

Già Ma H’ Lin ở xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa chia sẻ: “Bếp lửa là vị thần linh may mắn, xua đuổi cái xấu, mang đến sự bình yên, hạnh phúc, ấm no cho mỗi người, cho làng buôn. Lửa cũng biết vui, biết buồn. Ðêm khuya cuối năm nghe con chim khách ngoài rừng gọi đàn là tín hiệu báo tin năm mới đến. Nhà nào cũng thức dậy nhóm lửa đỏ bừng để đón mừng tết đến, lửa cháy sáng đem đến kỳ vọng năm mới sẽ được mùa lúa bắp, sắn khoai, gia súc, gia cầm đầy đàn, mọi người mọi nhà có cuộc sống đủ đầy, an yên”.

TRẦN LÊ KHA

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/270449/huyen-bi-bep-lua-cua-nguoi-e-%C3%B0e.html