Huyền bí núi Ngọc Linh
Được mệnh danh là nóc nhà Tây Nguyên, núi Ngọc Linh mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, nơi giao thoa giữa đất và trời.
Từ nghìn năm qua, người dân bản địa đã lưu truyền những truyền thuyết huyền bí, và họ vẫn nương tựa vào ngọn núi thiêng để bảo tồn loài cây quốc bảo của Việt Nam.
Cột trụ trời
Núi Ngọc Linh là dãy núi cao, hùng vĩ trải dài trên địa bàn các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Gia Lai. Với độ cao hơn 2.600m so với mực nước biển và địa hình quanh năm mây phủ, núi Ngọc Linh được xem là nơi giao thoa giữa đất và trời, mang một vẻ đẹp vừa hoang sơ, thơ mộng lại vừa lung linh, huyền ảo.
Từ nghìn đời qua, ngọn núi này đã gắn bó, thân thuộc với người Xơ Đăng ở Kon Tum. Người xưa cũng lưu truyền nhiều câu chuyện huyền bí để giải thích cho sự ra đời của ngọn núi.
Chuyện kể rằng, thuở sơ khai, bầu trời và mặt đất còn gắn chặt với nhau. Lúc bấy giờ con người và muôn loài sống trong cảnh tăm tối nên Yàng (trời) sai hai vị thần là Linh và Long xuống trần để nâng bầu trời lên. Kể từ đó, bầu trời và mặt đất tách rời nhau, hai vị thần Linh và Long như hai cột trụ nâng đỡ bầu trời và trở thành hai ngọn núi Ngọc Linh và Ngọc Long cho đến tận ngày nay.
Dưới sự bảo hộ của hai vị thần, núi Ngọc Linh và Ngọc Long cùng với các vị thần khác, con người và muôn loài được sống trong cảnh thanh bình. Thời điểm ấy, các loài cây giúp con người có cái ăn hàng ngày, vỏ cây được se thành sợi để dệt vải. Còn muông thú giúp con người kéo gỗ dựng nhà và cày ruộng.
Buôn làng được hình thành, hội đồng già làng được bầu để phân công công việc cho các thành viên. Nhà rông được dựng để tổ chức lễ hội với vật tế và điệu dân ca, dân vũ cảm tạ công lao của các vị thần trong những sự kiện quan trọng của cộng đồng.
Lúc bấy giờ ở làng Ri dưới chân núi Ngọc Linh có hai vợ chồng lấy nhau đã lâu mà chưa có con. Họ ngày đêm cầu khấn hai vị thần núi Ngọc Linh và Ngọc Long giúp đỡ. Ba năm sau, người vợ mang bầu và hạ sinh được một bé trai. Mặc dù hai vợ chồng hết mực yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng đứa bé càng ngày càng ốm yếu, gầy còm nên người trong làng gọi là Rọm Con.
Sợ con mình không sống được nên hai vợ chồng gửi Rọm Con cho một thầy lang chăm sóc. Ngược với thân hình ốm yếu, Rọm Con rất thông minh. Ngày ngày Rọm Con theo thầy lang lên núi hái thuốc và đi chữa bệnh cho mọi người. Rọm Con học rất nhanh, cậu có thể nhớ hết các loại cây thuốc và công thức điều chế để chữa trị cho từng loại bệnh.
Trước khi chết, thầy lang đã truyền hết kinh nghiệm của mình cho Rọm Con. Thầy dặn Rọm Con trên núi Ngọc Linh có nhiều loài thảo dược quý khi kết hợp với nhau sẽ chữa được bách bệnh nhưng tìm kiếm nó sẽ rất khó khăn và nguy hiểm. Ghi nhớ lời thầy dạy, Rọm Con tuy ốm yếu nhưng không quản nắng mưa, ngày ngày vẫn lên rừng hái thuốc chữa bệnh giúp người.
52 loại thảo dược quý
Theo truyền thuyết, cách làng Ri 500 cái quăng dao có một cái hang sâu không thấy đáy. Không biết từ bao giờ, một con Ngạ quỷ đã tìm đến và biến nơi đây thành nơi trú ngụ. Hàng ngày, khi gà chưa cất tiếng gáy, nó xuống làng bắt trộm trâu, bò để ăn thịt nên dân làng rất ghét và sợ. Bực tức vì luôn bị dân làng xua đuổi, Ngạ Quỷ liền xuống đáy hang lấy một nắm đất đen lên trộn lẫn với 99 loài độc dược rồi đốt và thổi tro về phía làng Ri.
Vào một ngày trời mịt mù mây đen, cả làng Ri nhốn nháo như bầy ong vỡ tổ. Người già tự nhiên bị mù mắt, phụ nữ đau bụng dữ dội, còn thanh niên trai tráng thì lăn đùng ra ốm liệt giường. Cả làng hoảng sợ vì mắc phải những căn bệnh lạ mà không rõ nguyên nhân.
Rọm Con chạy từ nhà này sang nhà khác để thăm bệnh cho mọi người nhưng mãi chưa tìm ra phương thuốc hữu hiệu. Nhớ đến lời thầy lang dặn trước khi chết, Rọm Con không quản ngày đêm, băng rừng, lội suối đi tìm thảo dược quý để điều chế thuốc chữa bệnh cho dân làng.
Trải qua nhiều đêm ngày lặn lội trong rừng sâu, Rọm Con cũng tìm đủ 52 loại thảo dược quý. Tức tốc chạy về làng, nhưng sau nhiều ngày mệt nhọc Rọm Con gục xuống bên một gốc cây cổ thụ ở lưng chừng núi. Trời đổ mưa xối xả cho đến tận sáng hôm sau, ở nơi Rọm Con nằm xuống, một loài cây lạ mọc lên. Củ của nó xù xì ốm yếu nhưng lá của nó vươn lên như bàn tay, hoa như tia nắng mặt trời, quả chín đỏ như những viên hồng ngọc lấp lánh.
Chờ mãi nhưng không thấy Rọm Con trở về, dân làng liền lên núi tìm kiếm. Được muông thú dẫn đường, thần núi kể lại, người dân mới biết Rọm Con đã chết, thân thể hóa thành loại thuốc quý để cứu dân làng.
Sau khi dùng cây thuốc quý, lạ thay bệnh đều chữa khỏi nên dân làng đặt cho cây thuốc này là củ Ngải Rọm Con. Loại cây này chỉ mọc ở quanh núi Ngọc Linh nên còn có tên là sâm Ngọc Linh.
Những ngày sau đó dân làng dùng cây thuốc “giấu” này cho người thân bị bệnh nặng, cần bồi bổ sức khỏe. Từ những tên địa phương, như: Cây “thuốc giấu”, “ngải”, “sâm Khu Năm”, “củ ngải Rọm Con”… ngày nay sâm Ngọc Linh trở thành một loại thuốc quý hiếm của vùng núi Ngọc Linh và cả nước.
Cũng có truyền thuyết kể lại rằng, loài sâm trên đỉnh Ngọc Linh là hiện thân của một cô gái có cha bệnh nặng. Cô gái ấy ngày đêm thương nhớ, muốn giúp cha khỏi bệnh mà không biết làm sao. Một đêm, nàng nằm mơ thấy vị thần nhắn nếu muốn cứu cha hãy thoát xác vào một loài cây trên đỉnh núi, người nhà lấy cây này về cho cha ăn sẽ khỏe lại.
Nghe vậy, cô gái liền làm theo nhưng cây chưa kịp lớn thì cha đã mất. Sau đó, loài cây này bị nhiều người lên lấy, có nguy cơ tận diệt nên cô gái đã cầu xin thần linh bảo vệ. Chính vì thế, không ai có thể lên đỉnh Ngọc Linh. Hàng trăm năm nay, ngay đến người dân địa phương dù tìm mọi cách nhưng vẫn thất bại.
Cây “quốc bảo”
Không chỉ những truyền thuyết được lưu truyền qua các thế hệ, nhiều năm về trước, người Xơ Đăng nơi đây xem sâm Ngọc Linh như một phương thuốc để chữa bệnh dân gian, như rắn cắn, đau bụng… đồng thời thường đến lưng chừng các ngọn núi tìm sâm về đổi hàng hóa, lương thực. Có khi người dân dùng cả gùi sâm để đổi lấy một… chiếc áo mưa vì không biết sâm Ngọc Linh quý và hiếm.
Mãi đến những năm 1973, khi đoàn điều tra dược liệu của Ban Dân y khu V đến đưa mẫu về nghiên cứu. Lúc đó, mọi người mới biết phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 52 hợp chất saponin.
Trong đó 26 hợp chất saponin có cấu trúc mới chưa từng xuất hiện trong các loại sâm khác. Ngoài các loại saponin, sâm Ngọc Linh còn chứa các polyacetilen, axit béo, axit amin, gluxit, tinh dầu và cả các yếu tố vi lượng.
Từ những nghiên cứu về hàm lượng bổ dưỡng trong sâm Ngọc Linh, loại dược liệu này được ví như “quốc bảo” và có mức giá cao từ 130 - 250 triệu đồng/kg. Do đó, nhiều công ty, doanh nghiệp quyết định lên đỉnh Ngọc Linh để đầu tư trồng sâm. Cũng từ đó, nhiều bà con xin vào làm công nhân của các công ty trồng sâm trên địa bàn.
Hàng ngày, người dân thay phiên nhau kiểm tra từng gốc sâm, chăm sóc cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Người dân cũng được các công ty cấp cho hơn trăm gốc sâm/năm để cùng chăm sóc, trông coi và bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết, địa phương phát triển được khoảng 1.800 ha sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó Tu Mơ Rông cũng sở hữu đặc sản du lịch độc nhất vô nhị là tham quan vườn sâm Ngọc Linh. Với lợi thế quốc bảo sâm Ngọc Linh, Tu Mơ Rông mong muốn tạo sản phẩm du lịch đặc biệt để thu hút doanh nghiệp, du khách tới trải nghiệm.
Trong thời gian tới, Tu Mơ Rông xác định quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trồng dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng gắn với du lịch để xóa đói giảm nghèo bền vững. Bởi sâm Ngọc Linh giúp bà con vươn lên làm giàu, mua ô tô, xây nhà to, nhiều tỷ phú sâm cũng đã xuất hiện. Để có được vườn sâm to lớn trên, bao năm qua, đồng bào Xơ Đăng đã nỗ lực cùng doanh nghiệp chung tay bảo tồn, nhân rộng.
Tu Mơ Rông sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng nhiều thắng cảnh đẹp. Khi đến đây du khách được tham quan các thác nước, trải nghiệm ở vườn sâm Ngọc Linh, vườn dược liệu. Không những vậy, Tu Mơ Rông còn có kho tàng văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống của đồng bào Xơ Đăng được lưu giữ qua nhiều thế hệ… Ông Võ Trung Mạnh.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/huyen-bi-nui-ngoc-linh-post710371.html