Huyện Cai Lậy: Phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa

Thời gian qua, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Các di tích không chỉ là 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống mà còn là điểm đến của nhiều du khách khi tìm hiểu lịch sử, văn hóa của vùng đất Cai Lậy.

Huyện Cai Lậy hiện có 12 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng. Trong đó, đình Long Trung được công nhận Di tích cấp Quốc gia và Lễ hội Kỳ yên đình Long Trung đã được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh, 10 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

Thực hiện Luật Di sản văn hóa và quy định phân công quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, huyện Cai Lậy đẩy mạnh công tác tuyên truyền những văn bản quy định, hướng dẫn về công tác quản lý di tích, tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

Các xã, thị trấn có di tích thành lập Ban quản lý di tích, quản lý, điều hành việc tổ chức các lễ hội, giữ gìn vệ sinh, tài sản, quản lý đất đai, quản lý hồ sơ, lý lịch di tích. Đồng thời, theo dõi và kịp thời đề xuất, kiến nghị về UBND để có phương án trùng tu, tôn tạo các di tích bị xuống cấp, hư hỏng.

Lễ hội Kỳ yên đình Long Trung - Di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh.

Lễ hội Kỳ yên đình Long Trung - Di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh.

Thời gian qua, huyện Cai Lậy đã trùng tu, sửa chữa 9 di tích với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng từ ngân sách và nguồn xã hội hóa. Nhiều di tích duy trì các lễ hội truyền thống, là nơi sinh hoạt cộng đồng, điểm tham quan của du khách khi tìm hiểu lịch sử văn hóa của vùng đất Cai Lậy.

Huyện Cai Lậy cũng quan tâm rà soát, lập hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh công nhận thêm các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các di tích lịch sử - văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế. Số di tích có giá trị du lịch được trùng tu, tôn tạo còn ít, kinh phí trùng tu từ ngân sách rất hạn hẹp, chưa huy động được nguồn lực từ xã hội hóa để thực hiện tôn tạo, tu bổ di tích. Một số di tích chưa được khai thác, phát huy giá trị phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội...

Để thực hiện công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, huyện Cai Lậy sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguồn gốc, ý nghĩa, giá trị của di tích nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong cộng đồng, khảo sát hiện trạng các di tích để kịp thời tham mưu kế hoạch trùng tu, tôn tạo di tích hàng năm; huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức các chương trình về nguồn và thực hiện lồng ghép, kết nối các di tích, hoạt động lễ hội của địa phương để đưa du khách đến tham quan…

TRƯỜNG GIANG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202406/huyen-cai-lay-phat-huy-gia-tri-cac-di-tich-lich-su-van-hoa-1014032/