Huyện Cao Lãnh tập trung phát triển cây ăn trái chủ lực

ĐTO - Để phát huy những lợi thế sẵn có, trong định hướng thời gian tới, huyện Cao Lãnh tập trung phát triển những cây ăn trái có tiềm năng trở thành cây trồng chủ lực, đem lại nhiều giá trị kinh tế.

Nông dân trồng xoài huyện Cao Lãnh chú trọng phát triển sản phẩm theo hướng hữu cơ

Nông dân trồng xoài huyện Cao Lãnh chú trọng phát triển sản phẩm theo hướng hữu cơ

Thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu

Theo báo cáo của UBND huyện Cao Lãnh, định hướng đến năm 2025, toàn huyện có hơn 10.900ha cây ăn trái, sản lượng 142.000 tấn, trong đó, cây xoài 6.011ha, sản lượng trên 64.300 tấn; cây có múi 1.226ha, sản lượng gần 24.600 tấn; tập trung phát triển diện tích sản xuất cây ăn trái hữu cơ 27,3ha; tỷ lệ sản phẩm được tiêu thụ dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30 - 35%; tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao đạt 70 - 80%...

Đến năm 2030, toàn huyện phấn đấu có diện tích cây ăn trái đạt hơn 12.430ha, sản lượng hơn 146.000 tấn, trong đó, cây xoài 7.111ha, sản lượng 64.320,3 tấn; cây có múi 1.433ha, sản lượng 26.332 tấn; nhãn 159ha, sản lượng 2.527 tấn; phấn đấu diện tích sản xuất cây ăn trái hữu cơ đạt khoảng 65ha; tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 60 - 70%; tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao 80 - 90%...

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Cao Lãnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn trái chủ lực. Trong đó, xác định quy mô vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, gắn sản xuất, thu mua, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ; phát triển theo định hướng thị trường, vùng có điều kiện đất đai, sinh thái phù hợp; tránh phát triển tự phát, theo phong trào, thiếu kiểm soát gây ra tình trạng cung vượt cầu, dư thừa, giá bán không ổn định. Đồng thời đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn phù hợp với quy hoạch của từng địa phương; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống vận chuyển, kho chứa lạnh và hệ thống xử lý, sơ chế, đóng gói sản phẩm trên cơ sở đề xuất và phương án kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Để phát triển khoa học công nghệ và khuyến nông, huyện sẽ phối hợp viện, trường, trung tâm nghiên cứu, chọn tạo giống cây ăn trái năng suất, chất lượng cao, rải vụ thu hoạch, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu; triển khai, nhân rộng các mô hình về tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học theo nguyên tắc 4 đúng, xây dựng các mô hình xanh tuần hoàn, tận dụng các phế phẩm trong nông nghiệp làm phân hữu cơ cung cấp lại cho cây trồng; xây dựng và khai thác hiệu quả hệ thống sản xuất, cung ứng giống cây ăn trái chất lượng, sạch bệnh cho trồng mới, tái canh và ghép cải tạo. Đồng thời thực hiện truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin, phần mềm truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất...

Phát triển theo hướng an toàn, bền vững

Huyện tiếp tục triển khai, hướng dẫn nông dân thiết lập vùng trồng theo quy định; có thể nhận diện các đối tượng kiểm dịch thực vật; quản lý tốt sinh vật gây hại và ghi chép đầy đủ sổ nhật ký sản xuất phục vụ hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thiết lập mã số cho cơ sở đóng gói xuất khẩu trái tươi với nhà máy được trang bị đầy đủ thiết bị, máy móc cần thiết đáp ứng theo các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu; sử dụng đúng và đảm bảo chất lượng, danh tiếng đối với mã số vùng trồng, nhãn hiệu, thương hiệu.

Cùng với đó, tăng cường kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, thúc đẩy phát triển chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực của huyện; khuyến khích sản xuất theo hướng tuân thủ quy trình sản xuất an toàn để tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, liên kết cung cấp sản phẩm cho cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ sản lượng nông sản tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tại các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch. Các ngành liên quan, các cấp tạo điều kiện để các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân tham gia hội nghị xúc tiến liên kết tiêu thụ, các buổi giao lưu, gặp gỡ với doanh nghiệp nhằm tạo sự gắn kết giữa Nhà nước với doanh nghiệp và giúp nông dân, các cơ sở sản xuất có điều kiện tiếp cận với doanh nghiệp để trao đổi, cung cấp thông tin, nắm bắt được nhu cầu về sản phẩm của thị trường...

Ông Huỳnh Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh cho biết: “Thời gian tới, địa phương sẽ phát triển cây ăn trái chủ lực trên địa bàn theo hướng an toàn và bền vững, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp thị trường tiêu thụ và tăng thu nhập cho người sản xuất, tăng giá trị xuất khẩu, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Cùng với đó, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại, nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm cây ăn trái và chính quyền cấp xã tại các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung tiếp cận và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước; hỗ trợ cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thực chất, hiệu quả...”.

NHẬT NAM

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/phap-luat/huyen-cao-lanh-tap-trung-phat-trien-cay-an-trai-chu-luc-117553.aspx