Huyện Cao Phong: Đa dạng nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật
Sau khi thụ lý vụ tranh chấp đất sản xuất giữa gia đình ông Đinh Văn Chặng, xóm Trầm với gia đình ông Đinh Văn Dư có thửa đất liền kề, UBND xã Thạch Yên (Cao Phong) đã thành lập tổ công tác xác minh thực địa và xác minh nguồn gốc sử dụng đất của các hộ gia đình. Trên cơ sở kết quả xác minh nguồn gốc đất và tuyên truyền để các hộ dân nắm, hiểu quy định của pháp luật về đất đai, hai gia đình đã đồng thuận trong việc giải quyết tranh chấp, tự nguyện rút đơn khiếu nại...
Theo đồng chí Bùi Đức Chung, Chủ tịch UBND xã Thạch Yên, đây không phải là vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai đầu tiên trên địa bàn được tổ công tác của UBND xã giải quyết nhanh chóng, triệt để. Trước đó, xã đã tiếp nhận, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến tranh chấp đất đai, khiếu nại về việc thực hiện các chủ trương, chính sách an sinh xã hội. Để có được kết quả đó là do địa phương thường xuyên, chủ động phối hợp các cơ quan chức năng của huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, nhất là những xóm có đường giao thông để lại khó khăn để người dân được tiếp cận, tiếp thu kiến thức pháp luật.
Với tinh thần tạo điều kiện để mọi người dân được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, huyện Cao Phong đã triển khai chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Như ở xã Thung Nai là địa bàn vùng lòng hồ có điều kiện đặc thù, giao thông đi lại khó khăn, nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế. Đồng chí Bùi Thị Luyến, Chủ tịch UBND xã Thung Nai chia sẻ: Địa bàn xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống KT-XH khó khăn, việc tiếp cận, nắm bắt các chính sách, pháp luật hạn chế. Do vậy, để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân. Phối hợp các cơ quan chức năng của huyện tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đến 100% người dân có liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyên chở khách bằng phương tiện thủy trên vùng lòng hồ sông Đà, nhất là các văn bản, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân như: Luật Giao thông đường thủy nội địa, văn bản, quy định pháp luật về công tác đăng kiểm phương tiện thủy hoạt động chở khách. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn xã cơ bản không còn phương tiện thủy chuyên chở khách vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy, nhiều phương tiện đăng ký, đăng kiểm đúng quy định pháp luật...
Theo đồng chí Lưu Văn Trường, Trưởng phòng Tư pháp huyện Cao Phong, từ đầu năm đến tháng 8, huyện đã tổ chức được gần 20 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến hơn 2.000 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Cùng với đó, các xã, thị trấn tổ chức được gần 80 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho gần 6.000 lượt người dân ở thôn, xóm, khu dân cư. Qua đó kịp thời phổ biến các quy định của pháp luật để người dân nắm chắc, hiểu sâu, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Hiệu quả cao nhất là đã góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Điều này được thể hiện bằng việc giải quyết triệt để nhiều vụ việc phức tạp xảy ra tại cơ sở. Thống kê từ đầu năm đến nay, toàn huyện xảy ra 11 vụ việc khiếu kiện, tranh chấp. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã hòa giải thành 10/11 vụ. Hiện, 10/10 xã, thị trấn của huyện được đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.