Huyện Châu Thành: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đúng tiến độ, lộ trình

Trong thời gian qua, Châu Thành, tỉnh Tiền Giang xác định việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) là một trong những chủ trương lớn mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra, nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp. Các địa phương trên địa bàn huyện đã và đang tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đảm bảo theo đúng lộ trình đề ra.SẮP XẾP 9 ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

Theo phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện Châu Thành giai đoạn 2023 - 2030 có 9 ĐVHC cấp xã phải sắp xếp lại. Trong đó, giai đoạn 2023 - 2025 sẽ có 4 ĐVHC cấp xã sắp xếp gồm: Hữu Đạo, Dưỡng Điềm, Tân Lý Tây, thị trấn Tân Hiệp. Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ thực hiện sắp xếp đối với 5 đơn vị gồm các xã: Bình Đức, Đông Hòa, Long An, Tân Hội Đông, Thạnh Phú.

Thị trấn Tân Hiệp sáp nhập tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Trung Hậu.

Thị trấn Tân Hiệp sáp nhập tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Trung Hậu.

Có thể nói, việc xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đã và đang được huyện Châu Thành chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đặc biệt, việc xây dựng phương án được đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, bao trùm, thực hiện có lộ trình, có bước đi, có từng giai đoạn để bố trí nguồn lực cả về con người, vật chất, thời gian và có những cách làm, phương pháp phù hợp, chặt chẽ, thận trọng…; đảm bảo không gây xáo trộn lớn, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Điển hình như phương án sắp xếp xã Tân Lý Tây và thị trấn Tân Hiệp, 2 địa phương có vị trí liền kề nhau, thuộc trung tâm huyện Châu Thành, có tính tương đồng về lịch sử phát triển, kinh tế, văn hóa, xã hội nhiều nhất so với các ĐVHC liền kề khác nên có nhiều thuận lợi cho công tác sắp xếp, công tác quản lý hành chính.

Trưởng Phòng Nội vụ huyện Châu Thành Cao Văn Hiệp cho biết: “Hiện nay xã Tân Lý Tây đang có cơ sở hạ tầng đô thị khá tốt, có vị trí liền kề với Khu công nghiệp Tân Hương (quy mô hơn 70.000 công nhân hoạt động hằng ngày) nên có nhiều điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Sau khi sắp xếp xã Tân Lý Tây và thị trấn Tân Hiệp thành một ĐVHC mới, lấy tên là thị trấn Tân Hiệp (mới) có diện tích tự nhiên là 5,73 km2 (đạt 40,95% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số là 24.653 người (đạt 309,16% so với tiêu chuẩn).

Tương tự, xã Hữu Đạo và xã Dưỡng Điềm là 2 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, có vị trí liền kề nhau. Tuy nhiên, khi sắp xếp 2 xã này thành 1 xã, xã mới hình thành chưa đảm bảo tiêu chuẩn của ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp theo quy định; vì vậy phải sáp nhập thêm 1 ĐVHC liền kề là xã Bình Trưng. Đây là 3 ĐVHC cấp xã liền kề, có nhiều tương đồng về kinh tế, văn hóa, xã hội.

ĐVHC Bình Trưng (mới) hình thành do sáp nhập từ 3 ĐVHC cùng cấp nên không cần xét đến việc đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Chính vì vậy, việc sắp xếp 3 ĐVHC vào làm một sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cho công tác quản lý nhà nước cũng như góp phần phát huy nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đơn vị hành chính mới sau sáp nhập sẽ có diện tích tự nhiên là 17,37 km2 (đạt 57,91% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số là 23.989 người (đạt 299,87% so với tiêu chuẩn).

TỪ ĐỒNG THUẬN ĐẾN THUẬN LỢI

Đồng chí Cao Văn Hiệp cho biết: Trong quá trình xây dựng phương án sắp xếp, chính quyền địa phương đã khảo sát ý kiến nhân dân, đặc biệt là các lão thành cách mạng, các bậc cao niên, người có uy tín tại các địa phương về phương án sắp xếp. Kết quả thăm dò cho thấy, nhân dân các xã: Hữu Đạo, Dưỡng Điềm, Bình Trưng, Tân Lý Tây, thị trấn Tân Hiệp, đa số đều thống nhất với việc sắp xếp 5 đơn vị này thành 2 ĐVHC mới do những nét tương đồng về vị trí, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục.

"Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện sẽ được thực hiện thận trọng, chắc chắn, không xáo trộn, bảo đảm hoạt động của hệ thống chính trị vận hành bình thường, cuộc sống của người dân không quá đảo lộn. Việc sắp xếp được các ngành, các cấp chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, thực hiện có lộ trình, có từng giai đoạn để bố trí nguồn lực cả về con người, vật chất và thời gian hợp lý. Các cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị… phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành và thực hiện để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra. Các cơ quan chuyên môn huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn theo quy định, có trách nhiệm tham mưu UBND huyện tổ chức thực hiện các nội dung công việc có liên quan trong quá trình thực hiện việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện".

CHỦ TỊCH UBND HUYỆN CHÂU THÀNH HUỲNH VĂN BÉ HAI

Theo UBND huyện Châu Thành, việc sắp xếp ĐVHC là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn liền với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện chế độ tiền lương mới (giảm được đầu mối cơ quan hành chính nhà nước, cụ thể là cấp xã).

Sau khi sắp xếp, với lượng công chức phù hợp sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, góp phần phục vụ nhân dân tốt hơn. Bộ máy hành chính nhà nước mới có thể đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân cũng như thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp ĐVHC giúp tập trung nguồn lực để phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng; tạo thuận lợi phát huy nguồn lực đất đai, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực quản lý nhà nước.

Ngoài ra, việc sắp xếp các ĐVHC tạo cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, hạn chế tình trạng chia cắt, manh mún, nhất là trong bối cảnh Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Bên cạnh những thuận lợi thì địa phương vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định trong quá trình thực hiện như: Có thể dẫn đến một vài xáo trộn ban đầu trong hoạt động của các ĐVHC và người dân, doanh nghiệp; dôi dư nhân lực, cơ sở vật chất; tăng nhiều lần khối lượng công việc và chi phí để thực hiện các thủ tục chuyển đổi con dấu, giấy tờ, khảo sát thực tế... cho tổ chức, cá nhân.

Trước vấn đề trên, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai cho biết, để đảm bảo việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trong thời gian tới đạt hiệu quả đề nghị các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn tiếp tục quan tâm thực hiện nghiêm túc nội dung Kết luận của Bộ Chính trị và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 trong toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động để tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức; quán triệt tư tưởng ở các địa phương sẽ sắp xếp, đảm bảo thống nhất về mặt nhận thức, tư tưởng. Phát huy những mặt làm được, những gì chưa làm được thì cần khắc phục, với tinh thần là tinh giản bộ máy nhưng phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

TUẤN LÂM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202406/huyen-chau-thanh-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-dung-tien-do-lo-trinh-1013587/