Huyện Châu Thành: Tiếp tục đẩy mạnh khai thác tiềm năng ở lĩnh vực nông nghiệp

Nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Châu Thành triển khai thực hiện nghị quyết trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Sau đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển, nâng cao niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền. Các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và thành tựu của công cuộc XDNTM, đô thị văn minh đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Nông dân xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành trồng khoai môn trên đất giồng cát.

Nông dân xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành trồng khoai môn trên đất giồng cát.

Trong nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Châu Thành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 nhiệm vụ đột phá. Trong đó, tập trung chỉ đạo phát huy các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng và nâng cao các tiêu chí NTM. Phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu.

Toàn huyện hiện có 374 doanh nghiệp, 1.201 cơ sở sản xuất, kinh doanh; 334 tổ hợp tác; 03 làng nghề; 01 Liên hiệp hợp tác xã lúa - gạo; 25 hợp tác xã. Đặc biệt, Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ) được Hội Nông dân Việt Nam công nhận hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc nhăm 2023. Cụm công nghiệp Tân Ngại (xã Lương Hòa A) đang được đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng để đi vào hoạt động. Huyện tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng Cụm Công nghiệp Bà Trầm (xã Hưng Mỹ).

Cơ cấu ngành nông nghiệp đã chuyển dần từ sản xuất theo sản lượng sang sản xuất nâng cao giá trị hàng hóa. Có thêm 545,12ha đất chuyên sản xuất lúa chuyển sang luân canh, xen canh, chuyên canh cây màu, trồng dừa, cây ăn trái. Chuyển đổi hiệu quả nhất là nuôi trồng thủy sản vùng ven sông Cổ Chiên và 02 xã đảo Long Hòa và Hòa Minh.

Triển khai cơ giới hóa thêm một số khâu trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp bước đầu có nhiều mô hình hiệu quả, như: mô hình sản xuất lúa hữu cơ sinh học 120ha; lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ 1.409ha; dừa hữu cơ 987ha; nghêu sạch 223ha; có thêm 25 sản phẩm nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử. Liên kết chuỗi giá trị gạo hữu cơ được duy trì, mở rộng diện tích; chuỗi liên kết sản xuất rau - màu dần hình thành gắn với hợp tác xã. Từ đó, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của nền kinh tế nông nghiệp sạch gắn với kinh tế biển. Vùng kinh tế trọng điểm ven sông Cổ Chiên phát triển mạnh; tập trung phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thực hiện tái cơ cấu các tiểu vùng kinh tế đã tạo ra nhiều sản phẩm, thương hiệu hàng hóa, nông sản chất lượng cao, như: bột ca cao nguyên chất Mekong (xã Song Lộc); rau sạch thủy canh (thị trấn Châu Thành); lúa - tôm sạch, hữu cơ sinh học; nghêu sạch được chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế ASC (xã Long Hòa và xã Hòa Minh).

Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim (xã Hòa Minh) theo hình thức du lịch “thuận thiên” thu hút trên 36.840 lượt khách tham quan, doanh thu trên 08 tỷ đồng, được công nhận OCOP du lịch sinh thái 3 sao, được Hiệp hội du lịch công nhận là điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm mô hình du lịch thí điểm nông thôn trong XDNTM giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng chí Trương Kính Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết: huyện đã đầu tư phát triển nhiều mô hình, phương pháp canh tác mới, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa, thay đổi cơ cấu giống trên 70% các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện canh tác, tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt khoảng 90%.

Đặc biệt, diện tích sản xuất giống lúa ST24, ST25 tăng với diện tích trên 1.000ha. Khoa học công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản, như: hệ thống bẩy đèn thông minh giám sát sâu rầy, máy bay phun thuốc, trạm quan trắc nước sông phục vụ nuôi trồng thủy sản, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất trồng trọt thông qua bản tin thời tiết nông vụ. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản, thương hiệu điện tử được quan tâm.

Phát triển kinh tế nông thôn gắn với XDNTM, Đảng bộ huyện tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng, sản xuất phát triển, đời sống Nhân dân được nâng lên, cảnh quan môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp; an ninh, trật tự được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn.

Huyện Châu Thành được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020. Hiện, toàn huyện có 13/13 xã đạt chuẩn NTM (tăng 06 xã so với đầu nhiệm kỳ), 03 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thị trấn Châu Thành đạt 24/24 tiêu chuẩn “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. 103/103 ấp NTM (03 ấp NTM kiểu mẫu); 36.897/38.708 hộ gia đình văn hóa, NTM (đạt 95,32% so số hộ đăng ký).

Phát biểu tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ vào ngày 26/5/2023, đồng chí Huỳnh Công Lập, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Châu Thành đánh giá: trong 20 chỉ tiêu chủ yếu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, qua hai năm rưỡi thực hiện nghị quyết, có 18 chỉ tiêu đạt và vượt tiến độ (13 chỉ tiêu đạt, 05 chỉ tiêu vượt). Còn 02 chỉ tiêu chưa đạt tiến độ giữa nhiệm kỳ, là: tổng giá sản xuất tăng bình quân hàng năm; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế và tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động trong độ tuổi.

Bài, ảnh: HUỲNH NỔI

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/huyen-chau-thanh-tiep-tuc-day-manh-khai-thac-tiem-nang-o-linh-vuc-nong-nghiep-30731.html