Huyện Chương Mỹ đề nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án để hạn chế thiệt hại mưa lũ
Để hạn chế thiệt hại do mưa lũ, UBND huyện Chương Mỹ đề nghị các Sở NN&PTNT, Ban quản lý dự án Hạ tầng Nông nghiệp Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các dự án trên địa bàn huyện.
Liên quan đến công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, ông Vũ Công Nam, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) cho biết, xã có 6 thôn với khoảng 12.000 dân. Trong đợt mưa lũ vừa qua, xã có 5/6 thôn bị ảnh hưởng nặng của mưa lũ, trong đó có 502 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp. Thôn Tiến Tiên và Việt An là 2 thôn của xã bị ngập sâu nhất, hiện nước vẫn chưa rút.
Theo ông Nam, ngay sau khi xảy ra mưa lũ, nước dâng cao, các lực lượng chức năng trong xã đã triển khai các phương án phòng chống. Đồng thời, hỗ trợ người dân vùng ngập nước di tản người và tài sản đến nơi an toàn.
Trò chuyện với PV Tiền Phong, chị Đỗ Thị Thắm (40 tuổi, trú tại thôn Việt An, xã Tân Tiến) cho biết, gia đình thuộc hộ cận nghèo. Chồng mất sớm, thu nhập của 3 mẹ con chỉ trông vào vài sào ruộng trồng rau màu. Tuy nhiên, đợt mưa lũ vừa qua đã làm gần 2 sào rau cải chuẩn bị cho thu hoạch của gia đình chị mất trắng.
“Tôi dự tính, diện tích rau trên sẽ cho thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Số tiền đó tôi sẽ sắm sửa quần áo, đồ dùng học tập cho con chuẩn bị vào năm học mới, thế nhưng giờ thì chả còn gì. Đó là chưa kể, khoản nợ ngân hàng 50 triệu đồng chưa biết bao giờ mới trả được”, chị Thắm ngậm ngùi.
Cũng như chị Thắm, chị Nguyễn Thị Thúy (51 tuổi, thôn Việt An) là hộ nghèo trong nhiều năm qua. Chị Thúy là mẹ đơn thân, một mình nuôi hai con ăn học, trong đó cháu nhỏ năm nay học lớp 6. Thu nhập của 3 mẹ con chị trông vào 5 sào ruộng và ao cá. Thế nhưng, đợt lũ vừa qua, lúa ngập, khoảng 700m2 ao cá (cá to khoảng 2-3kg) đã mất trắng. “Bao nhiêu tiền đầu tư cho ao cá, những mong có khoản lớn để lo cho các con, giờ mưa lũ đã mất hết chú ạ”, chị Thúy chia sẻ.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, mưa lớn những ngày qua đã làm 6.135m đê thuộc địa bàn 10 xã đã bị ngập; 103 cầu, cống, đập bị hư hỏng. Ngoài ra, 12 di tích, 9 nhà văn hóa, 3 trường học và 1 trạm y tế bị ngập nước. Đặc biệt, lúc đỉnh lũ, trên địa bàn huyện có 47 thôn xóm bị ngập và đến ngày 2/8 vẫn còn 6.050 hộ tại 19 thôn xóm vẫn bị ngập nước.
Về kinh tế, mưa lũ đã làm 1.100 ha lúa trên địa bàn huyện bị ngập nước; diện tích rau màu, cây ăn quả bị ảnh hưởng là 597ha; khoảng 1.600ha thủy sản bị ngập và 212.000 con gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng.
Huyện đã huy động 4.721 người và 199 phương tiện tham gia khắc phục hậu quả của mưa lũ. Trong đó, các địa phương đã sử dụng 6.028m3 đất, cát, 52.675 bao tải, vận hành 19 trạm với 57 máy bơm để chống lũ.
Ông Đỗ Hoàng Anh Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, Chương Mỹ nằm trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng ngập, úng khi có mưa lớn và lũ rừng ngang đổ về. Đây cũng là nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Để khắc phục những khó khăn trên, giảm thiệt hại do lũ lụt gây ra, UBND huyện Chương Mỹ đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp với Ban quản lý dự án Hạ tầng Nông nghiệp Hà Nội rà soát các công trình đê điều, thủy lợi do thành phố quản lý để có phương án đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đồng thời, đề nghị Ban quản lý dự án Hạ tầng Nông nghiệp Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các dự án trên địa bàn huyện Chương Mỹ.