Huyện cù lao xả lũ đón phù sa

Duy trì 4 năm liên tiếp sản xuất '2 năm, 5 vụ', huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) nhận được sự đồng thuận cao của người dân về chủ trương này. Mọi người dần hiểu được: Về lâu dài, xả lũ mang lại rất nhiều nguồn lợi cho nông dân.

Ở tiểu vùng Bắc Cái Tắc (xã Hiệp Xương), năm nay là đợt xả lũ thứ 2 theo chủ trương sản xuất của huyện, tổng diện tích 800ha. Nước tràn đồng được đánh giá đạt yêu cầu, đúng kế hoạch.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Phú Lộc Nguyễn Văn Tùng cho biết, tiểu vùng này do hợp tác xã quản lý, hầu hết trồng nếp và lúa chất lượng cao. Trong tiểu vùng có hơn 300 hộ tham gia sản xuất liên kết với doanh nghiệp. Tận dụng tối đa lợi ích của nước lũ, ở giai đoạn chuẩn bị, địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa, mở đồng cho nước lũ tràn, nhằm vệ sinh đồng ruộng, bồi tụ phù sa.

“Năm 2020, tiểu vùng xả lũ lần đầu tiên. Năm 2021, bà con làm lúa rất trúng, năng suất cao hơn 20% so với sản xuất liên tục. Từ hiệu quả mang lại, việc xả lũ nhận được sự đồng tình của nông dân” - ông Tùng chia sẻ.

Xã Phú Lâm chủ yếu sản xuất nếp. Vụ thu đông năm nay xả lũ toàn bộ 2 tiểu vùng: Đông sườn Phú Lâm và Tây sườn Phú Lâm. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm Nguyễn Văn Bình cho biết, chủ trương sản xuất “2 năm, 5 vụ” được thực hiện từ nhiều năm. Trước đó, các địa phương, ngành chuyên môn của tỉnh và huyện tích cực tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến trong nhân dân nên có sự đồng thuận rất cao. Dù hiện nay trên đồng ruộng có nơi nước vào thấp, nhưng mục đích chính là chỉnh sửa lịch thời vụ, đảm bảo vòng quay của đất.

“Trước đây, sản xuất theo chu kỳ “3 năm, 8 vụ” khiến lịch thời vụ bị lệch, đặc biệt ảnh hưởng đến năng suất và thất thoát sau thu hoạch. Cá biệt, có năm nông dân thua lỗ do mưa nhiều, dịch hại, lúa bị đổ ngã... Trong khi sản xuất theo “2 năm, 5 vụ” đảm bảo theo chu kỳ, phù hợp với điều kiện thời tiết, nhất là lợi nhuận cao hơn cho người dân. Khi nước vào đồng, rửa trôi độc tố, diệt mầm bệnh, diệt cỏ… thuận lợi cho vụ sản xuất tiếp theo” - ông Bình phân tích.

Còn xã Phú Thạnh có địa hình đất gò cao. Theo ghi nhận tình hình thì nguồn nước vào đồng ruộng khá ít. Tuy nhiên, việc kết thúc mùa vụ và ngưng sản xuất vẫn đạt yêu cầu. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh Dương Hoài Phong cho hay, mục đích lớn nhất của chủ trương xả lũ là chỉnh sửa lịch thời vụ. Vì vậy, nông dân đã đồng thuận thực hiện, kể cả trường hợp mực nước quá thấp hoặc không vào đến ruộng, bà con vẫn cho đất nghỉ ngơi, tranh thủ phơi, cày xới để sẵn sàng mùa vụ tiếp theo.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân, kết quả thực hiện lịch thời vụ năm 2021 trên địa bàn rất tốt. Việc xuống giống, phân vùng, tập trung, né rầy… mang ý nghĩa về mặt nông học, thay đổi dần tập quán sản xuất, đồng thời giảm áp lực thu hoạch đồng loạt ở các vụ sản xuất tiếp theo.

Chủ trương sản xuất “2 năm, 5 vụ” khắc phục được tình trạng trễ vụ, lệch vụ, hạn chế nhiều rủi ro. Đặc biệt, việc điều chỉnh lịch thời vụ đúng thời tiết, phù hợp với đặc tính sinh trưởng của cây nếp, phát huy lợi thế vùng chuyên canh, điều chỉnh quy mô sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Đây là các điều kiện quan trọng để tiếp tục thực hiện lịch thời vụ cho các năm kế tiếp, góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của nghề trồng lúa, nếp. Chủ trương sản xuất “2 năm, 5 vụ”, xả lũ 50% diện tích còn được ngành nông nghiệp tỉnh đánh giá cao về sự cần thiết, hiệu quả mang lại, khuyến khích các địa phương nghiên cứu nhân rộng

Trước khi tiến hành xả lũ, UBND huyện Phú Tân yêu cầu các xã có diện tích xả lũ vụ thu đông rà soát, thống kê diện tích ao hầm nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái trong vùng (nếu có), hướng dẫn các hộ tự bảo vệ sản xuất. Đồng thời, địa phương thông báo rộng rãi, kiên quyết không để phát sinh diện tích trồng rau màu chưa thu hoạch khi đến thời điểm xả lũ. Theo chỉ đạo của UBND huyện, các địa phương có xả lũ chuẩn bị kế hoạch từ sớm, tăng cường biện pháp quản lý trong sản xuất lúa, hạn chế sự suy thoái môi trường đất và nước.

Đối với các vùng không xả lũ, UBND huyện chỉ đạo tiếp tục quan tâm, sản xuất hiệu quả, duy trì và mở rộng diện tích liên kết với doanh nghiệp. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông sẵn sàng tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân; thông tin diễn biến khí hậu, thủy văn và dự báo tình hình dịch bệnh để địa phương chủ động ứng phó.

Vụ thu đông 2022, huyện Phú Tân sản xuất 10 tiểu vùng, diện tích 11.256ha lúa; xả lũ 10 tiểu vùng, diện tích 12.441ha và diện tích ngoài đê bao 128ha. Các tiểu vùng ngưng sản xuất để xả lũ gồm: Bắc Cái Tắc, Bình Thạnh Đông, Tây sườn Phú Lâm, Tây sườn Phú An, Tây trường học, Tây sườn 3, Đông sườn Phú Lâm, Đông Bảy Bích, Bắc Phú Lạc và Bắc Hòa Bình.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/huyen-cu-lao-xa-lu-don-phu-sa-a343190.html