Huyện Đà Bắc phát triển bền vững, đa giá trị cây chè
Huyện Đà Bắc có tiềm năng lớn về phát triển cây chè, thực tế cây trồng này đã hiện diện ở một số xã vùng cao của huyện ngót nửa thế kỷ. Mặc dù chất lượng chè thơm ngon nhưng các sản phẩm chè của Đà Bắc vẫn chưa có thương hiệu, chưa trở thành cây làm giàu cho người dân ở vùng đất khó này…
Huyện Đà Bắc có tiềm năng lớn về phát triển cây chè, thực tế cây trồng này đã hiện diện ở một số xã vùng cao của huyện ngót nửa thế kỷ. Mặc dù chất lượng chè thơm ngon nhưng các sản phẩm chè của Đà Bắc vẫn chưa có thương hiệu, chưa trở thành cây làm giàu cho người dân ở vùng đất khó này…
Trung Thành được coi là một trong những "vựa” chè của huyện. Có những thời điểm cây chè đã "vượt” lên ngô, sắn với hiệu quả kinh tế đầy hứa hẹn. Dù vậy, việc phát triển loại cây được kỳ vọng rất nhiều này trải nhiều thăng trầm, hiện giá trị mà cây chè đem lại vẫn ở mức "tiềm năng”. Tháng 12/2016, lần đầu tiên người viết được tìm hiểu, ghi nhận về sự phát triển của cây chè ở xã Trung Thành. Khi đó với trên 40 ha cho thu hoạch thường xuyên, nhiều xóm ở Trung Thành xanh ngát sắc chè. Tuy nhiên, đầu ra lúc đó gặp nhiều khó khăn do hạ tầng giao thông và cơ sở chế biến không đáp ứng được hết sản lượng.
Những lần trở lại sau này, chè Trung Thành đã có bước phát triển mới. Đặc biệt là năm 2019, Hợp tác xã sản xuất chè Nam Phương được thành lập đã phần nào giải quyết đầu ra cho sản phẩm, mở hướng xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết Trung Thành. Đến năm 2021, chè Shan tuyết Trung Thành được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Tuy nhiên hiện nay sản phẩm này đã ngừng hoạt động do Hợp tác xã giải thể. Theo đồng chí Lường Văn Thái, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Thành: Vì nhiều lý do mà hợp tác xã dừng hoạt động, hiện nay xã Trung Thành có trên 60 ha chè. Tuy nhiên do gặp khó khăn về đầu ra, giá cả nên nhiều hộ không đầu tư chăm sóc diện tích chè.
Về Trung Thành có thể thấy hình ảnh các đồi chè nằm trơ trọi, thiếu bàn tay chăm sóc của con người. Đây là thực trạng rất đáng tiếc đối với cây trồng đã từng được kỳ vọng là cây xóa đói, giảm nghèo, có thể giúp bà con làm giàu. Không chỉ ở Trung Thành, một số xã trồng chè khác trên địa bàn huyện Đà Bắc hiện cũng gặp không ít khó khăn trong phát triển cây chè. Trước thực tế đó, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch về phát triển bền vững, đa giá trị cây chè trên địa bàn huyện, giai đoạn 2024 - 2030. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn huyện phát triển ổn định diện tích chè khoảng 128,8 ha, với năng suất chè búp tươi bình quân đạt 36,49 tạ/ha, sản lượng ước đạt 470 tấn. Phấn đấu trên 80% diện tích chè ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng (IPHM), các quy trình sản xuất tốt, an toàn (GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ). Các sản phẩm trà chế biến sâu đạt trên 20% và 100% diện tích chè tập trung được quản lý, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.
Để đạt những mục tiêu đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tập trung vào 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Tiếp tục rà soát, xác định quỹ đất để phát triển các vùng chè tập trung nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ. Xây dựng, phát triển các vùng sản xuất chè theo hướng sinh thái gắn với phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, phục tráng, lưu giữ nguồn gen giống chè bản địa và trồng mới, trồng thay thế tại các vùng sản xuất tập trung bằng các giống chè mới, chất lượng cao; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bền vững.