Huyện Đà Bắc xây dựng chuẩn hóa sản phẩm OCOP

Những năm qua, huyện Đà Bắc đã triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế, nâng cao giá trị các nông sản chủ lực và cải thiện thu nhập cho người dân.

Những năm qua, huyện Đà Bắc đã triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế, nâng cao giá trị các nông sản chủ lực và cải thiện thu nhập cho người dân.

Cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn Tâm Cương, thị trấn Đà Bắc là một trong những địa chỉ để giới thiệu và tiêu thụ nông sản của huyện Đà Bắc.

Cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn Tâm Cương, thị trấn Đà Bắc là một trong những địa chỉ để giới thiệu và tiêu thụ nông sản của huyện Đà Bắc.

Đà Bắc là huyện vùng cao có nhiều sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi chất lượng cao, là sản vật đặc trưng trong vùng. Những năm qua, huyện xác định việc xây dựng, chuẩn hóa các sản phẩm OCOP có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Giai đoạn 2018 - 2023, toàn huyện có 11 sản phẩm được công nhận đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những khó khăn về vùng nguyên liệu, đầu ra sản phẩm nên một số sản phẩm đã ngừng hoạt động. Đến nay, toàn huyện có 6 sản phẩm đạt OCOP đang hoạt động, gồm: Rượu thóc Trúc Sơn (xã Cao Sơn); lợn bản địa Tân Minh, gà đồi Tân Minh (xã Tân Minh); cá trắm đen sông Đà, cá ngạnh sông Đà, cá lăng đen sông Đà (xã Tiền Phong).

Năm 2021, rượu thóc Trúc Sơn của Hợp tác xã (HTX) Vịnh Xuân, xã Toàn Sơn được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Kể từ đó đến nay, loại rượu có hương vị độc đáo này đã đến với người tiêu dùng khắp trong và ngoài tỉnh. Được biết, trước khi phát triển thành sản phẩm OCOP, đây là loại rượu nổi tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Đà Bắc. Qua quá trình công tác ở vùng cao, anh Ngô Bách Nhật, Giám đốc HTX Vịnh Xuân đã quan sát, học hỏi quy trình và quyết định bảo tồn, phát triển thành sản phẩm OCOP rượu thóc Trúc Sơn như ngày hôm nay. Theo anh Nhật chia sẻ, từ khi được công nhận sản phẩm OCOP đến nay, mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường hàng nghìn lít rượu. Đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho một số lao động tại địa phương.

Lợn đen bản địa cũng là một đặc sản của vùng cao Đà Bắc. Từ xa xưa, ở vùng cao hầu như hộ nào cũng nuôi lợn đen theo hình thức thả rông. Giống lợn có màu đen, chân nhỏ, ngắn với chất lượng thịt thơm ngon từ lâu đã được những người sành ăn lùng mua. Tuy nhiên, bà con vùng cao chủ yếu nuôi theo hình thức để tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp nên không có số lượng lớn, khó trở thành hàng hóa. Trước thực tế đó, tháng 8/2022, HTX đa ngành nghề Tâm Cương, xã Tân Minh ra đời đã liên kết các hộ chăn nuôi lợn bản địa, xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao lợn bản địa Tân Minh. Hiện nay tiếp tục có thêm sản phẩm gà Tân Minh cũng được chuẩn hóa OCOP. Với khoảng 500 con gà và 2,5 tấn thịt lợn xuất ra thị trường mỗi tháng đã cải thiện thu nhập và mở ra hướng phát triển sản xuất ở xã đặc biệt khó khăn này.

Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc nhấn mạnh: Thông qua Chương trình OCOP bước đầu đã hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương. Chương trình OCOP được lan tỏa góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân nông thôn. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình còn gặp nhiều khó khăn do các chủ thể ngần ngại trong lập hồ sơ tham gia chấm điểm phân hạng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các chủ sản xuất tại các địa phương chủ yếu là những hộ không đăng ký sản xuất, kinh doanh nên không đủ điều kiện để tham gia chuẩn hóa sản phẩm OCOP. Còn những chủ thể đủ điều kiện tham gia lại chủ yếu là HTX loại hình siêu nhỏ, quy mô sản xuất nhỏ.

Đồng chí Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết thêm: Giai đoạn 2021 - 2025, huyện phấn đấu có ít nhất 6 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung chuẩn hóa và phát triển các sản phẩm trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa, nhất là đặc sản vùng, miền. Đặc biệt, xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi an toàn thực phẩm; khuyến khích các chủ thể tiếp tục đăng ký nâng hạng sao các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/294/193411/huyen-da-bac-xay-dung-chuan-hoa-san-pham-ocop.htm