Huyện Đan Phượng: tập trung đầu tư phát triển văn hóa theo chiều sâu

Chiều 21/11, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về 'Phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng nếp sống thanh lịch văn minh, đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025' đã kiểm tra tại huyện Đan Phượng.

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy làm Trưởng đoàn, chủ trì buổi làm việc.

Hoàn thành 17/18 chỉ tiêu

Theo báo cáo của huyện Đan Phượng, xác định được ý nghĩa quan trọng của Chương trình số 06-CTr/TU, huyện Đan Phượng đã cụ thể hóa bằng việc sớm ban hành các văn bản chỉ đạo với 8 đề án, dự án và 34 kế hoạch cùng nhiều văn bản khác để lãnh đạo, chỉ đạo.

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản chủ trì buổi kiểm tra.

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản chủ trì buổi kiểm tra.

Huyện ủy Đan Phượng đã xây dựng và ban hành Chương trình số 10-CTr/HU ngày 8/2/2021 về “Phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng nếp sống thanh lịch văn minh, đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 45-NQ/HU ngày 15/7/2022 của Huyện ủy về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ huyện đến cơ sở được hoàn thiện. Đến nay, toàn huyện có 130 nhà văn hóa/129 thôn, tổ dân phố, cụm dân cư. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp, ngành quan tâm thực hiện, Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia. Đến nay, Đan Phượng có trên 90% gia đình được công nhận đạt danh hiệu gia đình văn hóa; hơn 94% Làng văn hóa; gần 89% Tổ dân phố văn hóa; hơn 95% cơ quan, đơn vị văn hóa; thị trấn Phùng được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị.

Công tác quản lý di tích trên địa bàn được quan tâm. Từ năm 2021 đến nay, huyện Đan Phượng có thêm 14 di tích được xếp hạng cấp TP, nâng tổng số di tích toàn huyện lên 88 di tích, trong đó có 50 di tích cấp TP; 37 di tích cấp quốc gia; 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt…

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng báo cáo tại buổi kiểm tra.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng báo cáo tại buổi kiểm tra.

Phát triển văn hóa được gắn liền với phát triển du lịch. Trên địa bàn huyện có điểm du lịch xã Hạ Mỗ và điểm du lịch Khu sinh thái Đan Phượng. Năm 2023, tại điểm du lịch xã Hạ Mỗ, UBND huyện tổ chức Chương trình Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch huyện Đan Phượng, thu hút gần 100.000 du khách tới tham quan, trải nghiệm. Qua đó, đã quảng bá, giới thiệu những nét đặc sắc văn hóa, ẩm thực, du lịch... tiêu biểu trên địa bàn đến với đông đảo du khách thập phương.

Phong trào thể dục thể thao trong các tầng lớp Nhân dân ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Bình quân mỗi năm huyện tổ chức hàng chục giải thể dục thể thao quần chúng. Hiện nay, toàn huyện có 130 câu lạc bộ thể thao với 140 điểm, nhóm tập. Đến năm 2023, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 42%.

Đan Phượng xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển trong những giai đoạn tiếp theo, do đó, huyện đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đến nay, Đan Phượng đã có 54/55 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 39 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì trong tốp đầu khối huyện của TP.

Công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người lao động. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã kết nối, hỗ trợ giải quyết việc làm cho trên 20.000 người.

Đánh giá kết quả chung, huyện Đan Phượng đã đạt 17/18 chỉ tiêu, chỉ còn 1 chỉ tiêu chưa đạt là đầu tư xây dựng Trường liên cấp (Tiểu học, THCS, THPT). Hiện dự án đã được HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 4/10/2024, UBND huyện đã giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư, đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư dự án.

Khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn kiểm tra và lãnh đạo huyện Đan Phượng đã trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung, đồng thời gợi mở các giải pháp để thực hiện tốt Chương trình 06-Tr/TU trong thời gian tới.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải phát biểu tại buổi kiểm tra.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải phát biểu tại buổi kiểm tra.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng nêu khó khăn, việc khai thác, phát huy các thiết chế văn hóa chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư của huyện, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng, nhu cầu thụ hưởng văn hóa của Nhân dân. Cơ chế chính sách khai thác tài sản công trong các đơn vị sự nghiệp còn có những vướng mắc.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Phạm Quang Thanh chia sẻ, huyện Đan Phượng đã có hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao, giáo dục tương đối hoàn chỉnh. Do đó, thời gian tới, huyện cần tập trung đầu tư phát triển theo chiều sâu, tối ưu công năng các thiết chế văn hóa để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. “Đồng thời Đan Phượng cần quan tâm phát triển du lịch sinh thái, hướng tới xây dựng cả huyện thành điểm du lịch sinh thái của Thủ đô” – ông Phạm Quang Thanh gợi ý.

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản – Trưởng đoàn kiểm tra ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của huyện Đan Phượng trong thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy. Trong đó, huyện đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, bài bản, tạo sự thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị để tổ chức thực hiện Chương trình.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản phát biểu kết luận buổi kiểm tra.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản phát biểu kết luận buổi kiểm tra.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy đặc biệt ấn tượng với kết quả toàn huyện đã xây dựng được 130 nhà văn trên tổng số 129 thôn, tổ dân phố, cụm dân cư. Đây là cơ sở vững chắc để nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản đề nghị huyện Đan Phượng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU. Đồng thời quan tâm đầu tư nguồn lực để giữ vững thành quả nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu một cách thực chất. “Trong đầu tư lưu ý theo hướng gắn với các tiêu chí phát triển huyện thành quận đô thị văn minh” - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy lưu ý.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cũng đề nghị huyện khai thác hiệu quả tài sản công, các thiết chế văn hóa trên địa bàn, đặc biệt là sau khi HĐND TP Hà Nội đã nhất trí thông qua Nghị quyết quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội, theo điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô, tại Kỳ họp thứ 19 vừa qua.

Từ khi thực hiện Chương trình 06-CTr/TU đến nay, huyện Đan Phượng đặc biệt quan tâm tới đào tạo ngoại ngữ trong các nhà trường để hướng tới hình thành những công dân số, thích ứng với thực hiện Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Huyện luôn đặt mục tiêu phấn đấu chất lượng giáo dục đạt chuẩn quốc gia mức độ 2++, gắn với hàm lượng văn hóa trong giáo dục.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải

Thiên Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-dan-phuong-tap-trung-dau-tu-phat-trien-van-hoa-theo-chieu-sau.html