Huyện Đan Phượng tập trung phát triển theo hướng đô thị
Ngày 30-11, Đoàn công tác của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã có chuyến đi thực tế tại huyện Đan Phượng. Tham gia Đoàn có lãnh đạo Hội Nhà báo thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, cùng phóng viên, biên tập viên của 14 cơ quan báo chí trung ương, Hà Nội, báo ngành trên địa bàn.
Đây là hoạt động được Hội Nhà báo thành phố Hà Nội triển khai nhiều năm qua nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên các cơ quan báo chí có điều kiện đi thực tế tìm hiểu thông tin để tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt… tại các huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.
Trao đổi với Đoàn công tác, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải thông tin khái quát về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn cũng như kết quả triển khai các chương trình công tác trọng tâm của Huyện ủy Đan Phượng.
Theo đó, về xây dựng nông thôn mới, Đan Phượng là địa phương dẫn đầu toàn thành phố với 12/15 xã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Hiện nay, 3 xã còn lại là: Thọ An, Liên Hồng, Hạ Mỗ cũng đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. UBND huyện đã có kết quả thẩm tra, chấm điểm. Theo đó, xã Thọ An đạt 95,5 điểm; xã Hạ Mỗ đạt 97,05 điểm; xã Liên Hồng đạt 96,8 điểm.
Huyện đã yêu cầu các xã hoàn thiện hồ sơ theo quy định trình huyện báo cáo thành phố xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Định hướng của huyện là phát triển theo hướng đô thị hóa nông thôn, xanh, văn minh, văn hiến; phát triển theo hướng đô thị, cần vận hành quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, đòi hỏi tư duy, tác phong, sinh hoạt, lối sống cũng phải thay đổi.
Định hướng phát triển đô thị hóa nông thôn, xanh, văn minh, văn hiến, xoay quanh trục giá trị văn hóa, giữ được bản sắc văn hóa xứ Đoài của huyện, Đan Phượng có đặc thù nằm trong không gian văn hóa xứ Đoài, có hai con sông Hồng, sông Đáy, ở giữa có dòng sông Nhuệ cổ.
Trên địa bàn huyện có 155 di tích, trong đó, nhiều di tích chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc như không gian văn hóa miếu Hàm Rồng, đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, miếu Diều…
Trong đó, miếu Diều (miếu Châu Trần), xã Hồng Hà, vừa được UBND thành phố xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật cấp thành phố. Nơi đây có lễ hội diều sáo độc nhất vô nhị cả nước, được tổ chức vào 15 tháng Ba âm lịch hằng năm.
Ngoài ra, Đan Phượng còn có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như ca trù Thượng Mỗ, hát chèo tàu Tân Hội… Đây là những tài nguyên quý báu để huyện thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/HU ngày 17-2-2022 của Huyện ủy Đan Phượng về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện Đan Phượng, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn năm 2045.
Trong chương trình, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí thành phố Hà Nội, báo chí Trung ương, ngành đã đi thực tế tìm hiểu công tác xây dựng Đảng trên địa bàn xã Tân Hội; xây dựng nông thôn mới xã Song Phượng; mô hình sản xuất hoa lan công nghệ cao, sản xuất rau an toàn xã Đan Phượng…