Huyện Đông Anh duy trì các vùng sản xuất rau an toàn
Những năm qua, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Đông Anh quy hoạch sản xuất vùng rau an toàn tập trung có sự tham gia giám sát của cộng đồng. Nhờ hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên chất lượng rau Đông Anh được bảo đảm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Huyền ở xã Vân Nội cho biết, hiện nay gia đình chuyên sản xuất các loại rau ăn lá như bắp cải, xà lách, mồng tơi, rau dền, rau muống... Thời gian qua, được sự hỗ trợ của các ngành chức năng nên cơ sở hạ tầng ở vùng rau được đầu tư, các hộ dân đều che phủ bằng ni lông khi gieo trồng, nên giảm được thiệt hại do mưa nắng thất thường; doanh thu đạt 200-250 triệu đồng/năm.
Để các loại rau an toàn bảo đảm chất lượng, nông dân trên địa bàn xã còn được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tổ chức tập huấn kiến thức về sản xuất rau an toàn, người trồng rau trong xã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trước đây, hộ nào cũng phun thuốc bảo vệ thực vật 5 lần/năm, nay giảm xuống còn 1-2 lần/năm.
Cũng về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng Nguyễn Tuấn Hồng cho biết, thời gian qua, hợp tác xã được ngành Nông nghiệp hỗ trợ trồng rau theo tiêu chuẩn PGS và ghi chép nhật ký trong sản xuất.
PGS là hệ thống cùng tham gia của các hộ, nhóm hộ, liên nhóm hộ giám sát chéo nội bộ theo hệ thống. Nhằm tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, hợp tác xã đã phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên mở lớp tập huấn cho người dân về sản xuất rau an toàn như: Tuân thủ nghiêm ngặt quy định về sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thu hái, sơ chế, bảo quản, thực hiện việc ghi chép, theo dõi đầy đủ, bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp cho thị trường 4 tấn rau xanh các loại, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình trồng rau an toàn trên địa bàn huyện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, toàn huyện có 800ha rau ở các xã: Vân Nội, Tiên Dương, Bắc Hồng, Nam Hồng, Nguyên Khê, Cổ Loa, Tàm Xá... trong đó có 600ha được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn; có 33 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, rau hữu cơ.
Thời gian qua, huyện chỉ đạo các phòng chức năng hỗ trợ các xã nằm trong vùng sản xuất rau an toàn thực hiện mô hình kiểm soát cộng đồng và áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia (PGS) trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn. Huyện hỗ trợ người dân thùng chứa, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng; thành lập Đoàn liên ngành trong quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh vật tư nông nghiệp; sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.
Để các vùng trồng rau an toàn của huyện phát huy hiệu quả, thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển các vùng rau an toàn ở các xã trong quy hoạch. Ngoài mở các lớp tập huấn về kỹ thuật, huyện hỗ trợ người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt và phòng trừ dịch bệnh trên rau, củ, quả, huyện khuyến cáo cách lựa chọn sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và các văn bản pháp luật mới về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, huyện cũng phân công nhân viên kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật cắm điểm tại các vùng sản xuất rau an toàn tập trung để chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát nông dân thực hiện theo đúng quy trình.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho biết, thời gian tới, Chi cục phối hợp với huyện Đông Anh tăng cường theo dõi, kiểm tra tiến độ, kỹ thuật sản xuất trên các loại cây trồng, đặc biệt là rau an toàn; tuyên truyền người dân sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo mộc vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa giảm độc hại cho môi trường và vừa bảo vệ sức khỏe người dân; hỗ trợ địa phương xây dựng và duy trì các tổ/nhóm sản xuất an toàn, góp phần thay đổi cơ bản quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ rau an toàn.