Huyện Duyên Hải: Nhiều chính sách đi vào đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, nhiều chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Duyên Hải đã phát huy hiệu quả. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện dần được nâng lên, từng bước giúp người dân giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Cầu nông thôn nối liền ấp Trà Khúp và ấp Sóc Ruộng, xã Ngũ Lạc được xây dựng cơ bản.

Cầu nông thôn nối liền ấp Trà Khúp và ấp Sóc Ruộng, xã Ngũ Lạc được xây dựng cơ bản.

Huyện Duyên Hải có 06 xã và 01 thị trấn (trong đó, có 04 xã đảo), với 59 ấp, khóm, có 20.563 hộ, với 82.250 nhân khẩu (trong đó, có 8.732 hộ dân tộc Khmer, chiếm 42,4% so tổng số hộ). Đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện có truyền thống đoàn kết yêu nước, gắn bó trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và cải tạo thiên nhiên, lao động sản xuất, tuy nhiên, đời sống đồng bào ít nhiều vẫn còn khó khăn. Thời gian qua, với sự tham mưu, kết nối của Phòng Dân tộc huyện cùng các ban, ngành, đoàn thể và địa phương nhiều chính sách về dân tộc đã được triển khai trên địa bàn huyện giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS nói riêng và đời sống Nhân dân nói chung.

Một trong những chính sách DTTS mang lại hiệu quả rõ nét nhất là việc thực hiện Chương trình 135. Thực hiện Quyết định số 551/QĐ-TTg, ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã An toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn” trên địa bàn huyện, thời gian qua, huyện Duyên Hải đã giải ngân 5,3 tỷ đồng. Trong đó, đầu xây dựng mới và nâng cấp 09 công trình, duy tu bảo dưỡng 04 công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất cho 04 mô hình, nhân rộng giảm nghèo 03 mô hình.

Một công tác được triển khai hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS huyện Duyên Hải chính là thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Huyện Duyên Hải tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn, bức xúc trong đời sống, sản xuất của người dân trong vùng đồng bào DTTS, từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, đã hỗ trợ đất ở cho 12 hộ, số tiền 396 triệu đồng. Hỗ trợ vay vốn tín dụng phát triển sản xuất cho 154 hộ vay, với tổng số tiền 5,8 tỷ đồng. Hỗ trợ nước sinh hoạt cho 73 hộ, với kinh phí được phân bổ 109,5 triệu đồng.

Tại ấp Trà Khúp và ấp Sóc Ruộng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, các tuyến đường, cầu nông thôn được xây dựng cơ bản, khang trang giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, dễ dàng, khởi sắc bộ mặt nông thôn.

Ông Phạm Minh Trí, ấp Sóc Ruộng, xã Ngũ Lạc cho biết, vài năm trở lại đây, địa phương đã đầu tư nhiều con đường, cầu nông thôn giúp người dân đi lại, vận chuyển phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất. Qua đó, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, không còn bị thương lái hạ giá do chi phí vận chuyển.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, UBND huyện Duyên Hải đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tích cực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tăng đúng hướng, khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế, ưu tiên cho các ngành, nghề trọng điểm, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn vùng có đông đồng bào DTTS;

Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho 29 hộ nghèo người dân tộc Khmer, số tiền 1,1 tỷ đồng (trong đó, hỗ trợ nhà ở cho 24 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 05 hộ). Đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và các đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực dân tộc, xây dựng mới 09 công trình giao thông nông thôn, vốn đầu tư 8,07 tỷ đồng, duy tu, bảo dưỡng 03 công trình, tổng vốn 433 triệu đồng;

Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở 20 lớp đào tạo nghề, cho 499 học viên, với tổng tiền hỗ trợ 1,66 tỷ đồng, giúp cho học viên bước đầu có những kiến thức về các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt,… tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống.

Gia đình bà Thạch Thị Mol Thi, ở ấp Rọ Say, xã Ngũ Lạc thuộc diện hộ nghèo, bà Mol Thi làm nhân viên bán hàng và nuôi 02 con ăn học. Đầu năm 2024, gia đình bà được hỗ trợ 46 triệu đồng để cất nhà Đại đoàn kết và 10 triệu đồng để chăn nuôi bò từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Giờ đây, gia đình trong ngôi nhà “03 cứng” bà an tâm làm việc và chăn nuôi bò, ổn định đời sống gia đình.

Cũng tại ấp Rọ Say, gia đình vợ chồng ông Thạch Sang và bà Thạch Thị Ngọc Yến vừa được hỗ trợ tiền cất nhà và vốn để chăn nuôi bò. Được biết, gia đình ông Thạch Sang thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng ông Sang bà Yến đều bị bệnh, sức khỏe yếu nhưng vẫn cố gắng làm lụng để trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học. Có nguồn vốn để cất nhà và chăn nuôi bò đã kịp thời giúp cho gia đình ông Sang cải thiện đời sống. Bà Thạch Thị Ngọc Yến cho biết “đời sống nhiều vất vả, nhờ địa phương hỗ trợ vốn cất nhà, hỗ trợ vốn nuôi bò, gia đình tôi rất biết ơn Nhà nước”.

Bên cạnh đó, huyện Duyên Hải đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, hiện có 116 doanh nghiệp, với 483 lao động, tổng vốn điều lệ trên 1.449 tỷ đồng; 12 hợp tác xã, với 449 thành viên, vốn đăng ký 17,3 tỷ đồng; 210 tổ hợp tác, với 2.998 tổ viên. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động, trong đó, có hơn 1.800 lao động DTTS, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS tại địa phương.

Ngoài ra, cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của đồng bào DTTS, tổ chức các chương trình họp mặt và các hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết cổ truyền, dịp lễ hội hàng năm của đồng bào Khmer. Hàng năm, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện đều tổ chức họp mặt nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây, có hơn 550 lượt đại biểu tham dự; tổ chức các đoàn thăm, tặng quà cho 413 đối tượng là cán bộ lãnh đạo huyện, tỉnh, Trung ương là người Khmer đã nghỉ hưu, gia đình chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn là người dân tộc Khmer và các chùa Khmer trên địa bàn huyện.

Tổ chức lễ hội của đồng bào Khmer được tổ chức theo đúng phong tục, tập quán trên tinh thần vui tươi, đoàn kết, tiết kiệm và an toàn. Nhân dịp Lễ hội Ok Om Bok hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp các xã, thị trấn tổ chức giải bóng chuyền và các trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân tham dự.

Bên cạnh đó, huyện còn tổ chức các hoạt động tham gia, hưởng ứng Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh, như: tham gia hội thi trình diễn trang phục truyền thống và hoạt động trưng bày các sản phẩm đặc trưng của đồng bào Khmer; các hoạt động trong đêm lễ hội và hoạt động thể thao, trò chơi dân gian, tạo điều kiện để đội bóng chuyền, đội đua ghe ngo của huyện tham gia các giải đấu do tỉnh tổ chức.

Đồng chí Sơn Cô Sol, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Duyên Hải cho biết, thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào DTTS được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn huyện; công tác xây dựng và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS được đầu tư.

Cùng sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của đồng bào DTTS và cộng đồng các doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển ổn định. Huyện đã và đang huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS. Các chương trình, chính sách của Trung ương và địa phương trên các lĩnh vực từng bước mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: THANH NHÃ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/doi-song-xa-hoi/huyen-duyen-hai-nhieu-chinh-sach-di-vao-doi-song-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-38021.html