Huyện Hồng Ngự nỗ lực xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ
Công tác cải cách hành chính (CCHC) được UBND huyện Hồng Ngự quan tâm thường xuyên, giúp nâng cao trách nhiệm và tác động tích cực đến hành động của các đơn vị, địa phương, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả CCHC. Các ngành, các cấp trên địa bàn huyện quyết tâm trong việc đẩy mạnh CCHC, nhất là nỗ lực xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ tổ chức, công dân.
Quan tâm, chỉ đạo sát sao
Nhằm nâng cao hiệu quả Chỉ số CCHC, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện và Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự rất quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên đối với công tác CCHC. Các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, điều hành được UBND huyện ban hành kịp thời, công tác tuyên truyền thực hiện thường xuyên, từ đó nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức có nhiều chuyển biến tích cực, đạo đức công vụ được nâng cao. Huyện triển khai ứng dụng các phần mềm, số hóa thủ tục hành chính (TTHC) vào giải quyết công việc làm giảm thiểu số lượng giấy tờ.
UBND huyện Hồng Ngự tổ chức họp mặt, đối thoại với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện nhằm kêu gọi đầu tư cũng như nắm bắt nhu cầu, phản ảnh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện đầu tư. Huyện tiếp tục thực hiện Đề án chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn. Cùng với đó, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, địa phương nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục việc giải quyết TTHC bị trễ hạn, quá hạn và thái độ của công chức khi tiếp xúc công dân. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị, địa phương bị phản ánh, kiến nghị tổ chức phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan nội dung phản ánh về thái độ, hành vi của công chức.
UBND huyện đã ban hành kế hoạch cải thiện nâng cao Chỉ số CCHC (PAR Index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS); kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trên địa bàn huyện. Trong đó, huyện tập trung rà soát và triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ về CCHC; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Ông Võ Hữu Nam - Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Hồng Ngự cho biết, UBND huyện đã ban hành kế hoạch kiểm tra CCHC năm 2024, giao Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đến làm việc và kiểm tra công tác thực hiện CCHC của 8 cơ quan, đơn vị thuộc huyện và 10 xã, thị trấn trên địa bàn. Tính đến hết tháng 5/2024, huyện đã hoàn thành kiểm tra CCHC tại 10 xã, thị trấn theo kế hoạch đề ra.
Năm 2024, UBND huyện Hồng Ngự đã đề ra 26 nhiệm vụ với 39 hoạt động trên 7 lĩnh vực chính của công tác CCHC. Kết quả, trong 6 tháng qua, UBND huyện đã tổ chức triển khai, thực hiện hoàn thành 16 nhiệm vụ với 21 hoạt động; đang thực hiện 10 nhiệm vụ với 18 hoạt động.
Nhiều mô hình phục vụ công dân
Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các mô hình CCHC với mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ tổ chức, công dân. Năm 2023, các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các sáng kiến, mô hình mới, cách làm hay trong công tác CCHC và được Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo nhân rộng mô hình như: “Giảm thời gian ngồi chờ giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa” của UBND xã Phú Thuận A; “Đoàn Thanh niên hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 và Dịch vụ Bưu chính công ích tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả (TN&TKQ)” của UBND xã Long Thuận; “Người dân không viết và trả kết quả giải quyết thủ tục tại nhà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn” của UBND xã Long Khánh B; “Ngày không dùng tiền mặt tại Bộ phận TN&TKQ” của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện.
Trong những tháng đầu năm 2024, các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện các sáng kiến, mô hình, cách làm hay trong công tác CCHC. Cụ thể, có các mô hình như: “Thực hiện nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến, trả kết quả thực hiện TTHC tại nhà đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm” của Phòng Y tế huyện; “Ngày thứ Năm tập thể cán bộ, công chức xã giải quyết TTHC không hẹn” của UBND xã Long Khánh A; “Tiếp nhận trực tuyến, họp xét tại nhà, trả kết quả tại chỗ” của UBND xã Phú Thuận B.
Từ tháng 3/2024, hằng tuần vào ngày thứ Năm, UBND xã Long Khánh A thực hiện mô hình “Ngày thứ Năm tập thể cán bộ, công chức xã giải quyết TTHC không hẹn” nhằm giải quyết và trả kết quả ngay cho công dân đối với các TTHC theo yêu cầu trong các lĩnh vực: tài nguyên và môi trường; tư pháp; thương binh và xã hội; việc làm; công an, quân sự. Cán bộ, công chức tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả không quá 1 giờ từ khi tiếp nhận hồ sơ. Mô hình này giúp nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, chất lượng dịch vụ công, phục vụ tốt mang lại sự hài lòng cho tổ chức, công dân.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải đến UBND xã nộp hồ sơ, UBND xã Phú Thuận B triển khai, thực hiện mô hình “Tiếp nhận trực tuyến, họp xét tại nhà, trả kết quả tại chỗ”. Trước đây 2 nhóm thủ tục về bảo trợ xã hội khi người dân có giấy xuất viện phải trực tiếp đến UBND xã nộp các giấy tờ tại Bộ phận TN&TKQ, sau đó, công chức tiếp nhận ra giấy hẹn 25 ngày đối với thủ tục “Đề nghị xác định mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật” và 5 ngày đối với thủ tục “Thực hiện, điều chỉnh, thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hằng tháng” đối với đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội. Sau đó, xã họp Tổ đánh giá xét khuyết tật, người nào xét được tiến hành làm hồ sơ, người nào không xét được xã trả lời bằng văn bản không đủ điều kiện thụ hưởng.
Ông Nguyễn Văn Chí Linh - công chức Văn phòng - Thống kê của UBND xã Phú Thuận B cho biết, với mô hình tiếp nhận trực tuyến, họp xét tại chỗ và trả kết quả tại nhà, rất thuận tiện cho công chức chuyên môn và người dân. Cụ thể, trường hợp ông Lê Văn Thanh (SN 1970) ngụ ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B, sau khi có giấy xuất viện, được bác sĩ chẩn đoán bị bệnh tim, ông đăng ký thủ tục để được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Khi tiếp nhận thông tin, Đoàn cán bộ, công chức xã đến tận nhà xét duyệt hồ sơ nhanh, làm thủ tục cho hưởng trợ cấp hằng tháng.
Có thể thấy, các sáng kiến, mô hình mới của huyện Hồng Ngự đều hướng đến việc giảm bớt thời gian, chi phí đi lại cũng như tạo sự thoải mái, hài lòng đối với tổ chức, công dân khi thực hiện TTHC, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn như: già yếu, neo đơn, học sinh, sinh viên, đi học, đi làm ăn xa... Qua đó, thể hiện quyết tâm của UBND huyện, các ngành, các cấp trong việc tiếp tục đẩy mạnh CCHC, góp phần xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện biên giới Hồng Ngự.
Ông Nguyễn Văn Khơi - Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự chia sẻ, UBND huyện đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để “Nâng cao Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính” trong năm 2024, đó là chủ động đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC tại các đơn vị, địa phương. Huyện thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ CCHC để kịp thời phát hiện và chỉ đạo xử lý những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. UBND huyện đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương, nhất là các đơn vị chủ trì triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của từng lĩnh vực CCHC và theo phương châm “Thực hiện thống nhất, rõ thẩm quyền, cụ thể trách nhiệm” để bảo đảm thực hiện đồng bộ nhiệm vụ CCHC.