Huyện Hồng Ngự phát triển ngành hàng bò vỗ béo, bò sinh sản

Từ lâu, nhiều người dân trên địa bàn huyện Hồng Ngự tận dụng nguồn phụ phẩm từ trồng trọt để phát triển chăn nuôi bò, tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể. Đặc biệt, từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện xác định ngành hàng bò vỗ béo, bò sinh sản là một trong những ngành hàng chủ lực, được tập trung phát triển.

Anh Trần Văn Hùng ở ấp Long Thạnh B, xã Long Khánh A chăm sóc đàn bò

Anh Trần Văn Hùng ở ấp Long Thạnh B, xã Long Khánh A chăm sóc đàn bò

Hàng năm, huyện quan tâm lồng ghép các nguồn kinh phí để hỗ trợ người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và hình thành nhiều mô hình chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Giai đoạn 2014 - 2023, ngành nông nghiệp huyện triển khai 19 dự án chăn nuôi bò sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững cho 437 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí hỗ trợ 5.469,9 triệu đồng (thu hồi 30% vốn hỗ trợ sau 3 năm). Các dự án được triển khai góp phần giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, hộ vừa thoát nghèo, người khuyết tật vươn lên ổn định cuộc sống. Dự án được triển khai bằng hình thức Nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí, người dân đối ứng 40% kinh phí. Qua đó, vừa thể hiện được sự quan tâm của Nhà nước đối với công tác giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, vừa khuyến khích tinh thần tự vươn lên của người dân.

Nhiều nông dân nuôi bò ở ấp Long Thạnh B, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự cho biết, trước đây, địa phương có nhiều vườn tạp cho thả bò vào ăn cỏ, có nhiều diện tích làm rẫy nên có nhiều nguồn phụ phẩm cho bò ăn, nhất là cây bắp. Dần dần diện tích vườn tạp thu hẹp nên những năm gần đây, người nuôi bò phải mướn đất trồng cỏ với giá trung bình khoảng 2 triệu đồng/công/năm. Ngoài cỏ, người nuôi còn mua thức ăn chế biến bổ sung cho bò mau lớn.

Hiện nay, giá bò không còn “sốt” như từ năm 2018 - 2020, nhưng vẫn đảm bảo cho người nuôi có lãi khá. Anh Trần Văn Hùng ở ấp Long Thạnh B, xã Long Khánh A nuôi bò hơn 20 năm chia sẻ: “Một công đất trồng cỏ nuôi được khoảng 2 con bò. Nếu bổ sung thức ăn chế biến nhiều thì bò ăn cỏ ít lại. Nuôi 1 con bò vỗ béo, khi mua vào khoảng 20 triệu đồng, sau 4 tháng nuôi, bán với giá 30 - 35 triệu đồng, trừ chi phí thức ăn, có thể lời từ 7 triệu - 10 triệu đồng. Bò rất dễ nuôi, ít rủi ro, chỉ cần tiêm ngừa đủ các liều vắc-xin theo hướng dẫn của cán bộ thú y, thì bò khỏe mạnh, đảm bảo có lời”.

Còn chị Nguyễn Thị Thúy (ở ấp Long Thạnh B) cho biết, gia đình chị có ít vốn nên chọn mô hình nuôi bò sinh sản. Hiện gia đình nuôi 4 con bò sinh sản. Mỗi năm, mỗi con bò cái đẻ 1 con. Bò con nuôi 7 - 8 tháng thì bán được khoảng 8 - 10 triệu đồng/con.

Sau hơn 10 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành hàng bò vỗ béo, bò sinh sản thông qua các chương trình, dự án góp phần duy trì phát triển đàn bò của huyện từ 5.380 con (năm 2013) lên 7.000 - 8.000 con/năm (trong đó, bò cái sinh sản 1.700 - 1.800 con/năm để đáp ứng nhu cầu con giống cho hoạt động nuôi bò vỗ béo).

Hiện toàn huyện Hồng Ngự có 7 Tổ chăn nuôi bò (thị trấn Thường Thới Tiền 1 tổ/24 hộ; 1 tổ/30 hộ tại ấp Trà Đư, xã Thường Lạc; xã Long Khánh A có 2 tổ/25 hộ; xã Long Khánh B có 2 tổ/27 hộ; xã Phú Thuận B có 1 tổ/18 hộ). Các tổ chủ yếu hoạt động hỗ trợ nhau mua bán con giống, kỹ thuật chăn nuôi, thị trường tiêu thụ.

TN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/huyen-hong-ngu-phat-trien-nganh-hang-bo-vo-beo-bo-sinh-san-126416.aspx