Tín chỉ carbon chờ pháp lý
Tín chỉ carbon đang được một số đơn vị bán cho nước ngoài nhưng còn nhiều vướng mắc, cần khung pháp lý để đảm bảo thông thoáng.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), cho biết, một số thương vụ đơn vị trong nước bán tín chỉ carbon cho tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài đang được triển khai theo hình thức tự nguyện.
Đơn cử, thông qua chương trình cung cấp máy lọc nước an toàn và bếp tiết kiệm năng lượng cho người dân vùng sâu vùng xa, Công ty Intraco đã tạo ra khoảng 1,1 triệu tín chỉ carbon và chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài là Citigroup.
Bên cạnh thương vụ này, Intraco cũng đang triển khai một số dự án tạo tín chỉ carbon ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, chẳng hạn như thay thế bóng đèn sợi đốt bằng đèn LED, cung cấp lò nung sản xuất phân bón có khả năng hấp thụ khí thải carbon bằng phụ phẩm nông nghiệp.
Điều này cho thấy các giải pháp giảm phát thải để tạo tín chỉ carbon là hoàn toàn khả thi và nằm trong tầm tay của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, thiếu đi khung pháp lý quy định về thị trường carbon tự nguyện gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
“Người bán tín chỉ carbon ở Việt Nam không biết nộp thuế thế nào, hạch toán vào đâu, một số phải tính vào thu nhập bất thường để khai thuế”, ông Quỳnh lấy ví dụ.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thành Nghiệp, Công ty luât VTN&Partners, chỉ ra, tín chỉ carbon đang thiếu quy định xác định tính chất tài sản. Do đó, doanh nghiệp không biết được các quyền thế chấp, giao dịch liên quan đến tín chỉ carbon được tiến hành như thế nào.
Mặt khác, Việt Nam cũng thiếu quy định, hướng dẫn liên quan đến hoạt động đo lường, báo cáo và kiểm chứng tín chỉ carbon, trong khi đây là công cụ quan trọng đảm bảo tính minh bạch, tránh hiện tượng tẩy xanh (greenwashing) trong việc giảm phát thải khí nhà kính.
Trao đổi với TheLEADER, đại diện một đơn vị đang triển khai dự án tạo tín chỉ carbon cho biết, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế đối với loại hàng hóa đặc biệt này. Đơn cử như tất cả các hình thức sản xuất điện tái tạo, việc thu hồi carbon từ rừng, hệ sinh thái biển, cắt giảm và thu hồi khí thải trong ngành nông nghiệp hay xử lý rác thải.
Những tiềm năng đó cần được kích hoạt bằng cơ chế và quy định cụ thể, rõ ràng. Trên thực tế, ban hành khung chính sách, khung pháp lý đầy đủ, thị trường carbon sẽ phát triển rất nhanh chóng, chẳng hạn như một quốc gia nghèo là Tazania đã huy động được hơn 20 tỷ USD đầu tư vào giảm phát thải và thương mại hóa tín chỉ carbon chỉ một ngày sau khi nước này ban hành quy định cụ thể.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/tin-chi-carbon-cho-phap-ly-d37708.html