Quyết sách về thuốc lá mới: Chủ kiến của Bộ Y tế các nước
Ngày càng nhiều nước thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chọn hợp pháp hóa thuốc lá mới, gồm thuốc lá nung nóng (TLNN), thuốc lá điện tử (TLĐT), dù cơ quan này chưa chấp thuận đây là giải pháp giảm tác hại.
Phần lớn quốc gia mạnh dạn đưa ra lập trường khác với chính sách cấm đoán cực đoan và xem khuyến nghị của WHO chỉ là cơ sở để tham khảo. Các chính phủ chủ động xem xét và quyết định việc áp dụng biện pháp giảm tác hại bằng thuốc lá mới, dựa trên tình hình thực tiễn của từng nước.
Giữ quyền tự quyết, các quốc gia đi ngược lại khuyến nghị của WHO
Tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) lần thứ 3 (COP3), Trung Quốc cho biết, hướng dẫn của WHO về việc hạn chế sự can thiệp của ngành thuốc lá đối với các chính sách của chính phủ là không phù hợp với Trung Quốc, bởi thuốc lá là lĩnh vực độc quyền của các công ty quốc doanh trực thuộc chính phủ.
Từ các kỳ họp COP3 đến COP5, trái với khuyến nghị của FCTC, phái đoàn Trung Quốc có đến 5 đại diện từ ngành thuốc lá cùng góp ý kiến đối với các chính sách có thể gây trở ngại trong trồng trọt, sản xuất thuốc lá. Trung Quốc cũng hợp pháp hóa thuốc lá mới, đồng thời là nhà sản xuất TLĐT lớn nhất thế giới.
Philippines cũng ban hành luật quản lý TLNN, TLĐT từ năm 2022. Tại COP9, Philippines cam kết sẽ có cách tiếp cận "công bằng và dựa trên bằng chứng khoa học" trong kiểm soát thuốc lá mới, mặc dù trước đó từng có chính sách nghiêm ngặt với TLĐT trong giai đoạn nhận nguồn tài trợ từ tổ chức chống thuốc lá Bloomberg Philantrophies.
Từ năm 2018, Malaysia đã hợp pháp hóa TLNN dưới luật kiểm soát thuốc lá hiện hành. Hiện nước này đang tiếp tục xây dựng chính sách phù hợp với TLĐT. Mới đây, Bộ trưởng Y tế Datuk Seri Dzulkefy Ahmad tuyên bố: "Không cần phải cấm TLĐT như một số quốc gia khác, Malaysia tự có luật riêng để quản lý các sản phẩm thuốc lá."
Đặc biệt, tương tự như tất cả các nước châu Âu, nhiều nước châu Á khác như Nhật Bản, New Zealand, Indonesia, Philippines… đều áp dụng mức thuế đối với TLNN bằng một nửa so với thuốc lá truyền thống.
Từ tháng 7/2024, New Zealand giảm 50% mức thuế đối với TLNN nhằm khuyến khích người hút thuốc chuyển sang sản phẩm này như là công cụ giảm tác hại. Thứ trưởng Y tế Casey Costello cũng nhấn mạnh: "Chính phủ chống thuốc lá nhưng không nhất thiết phải bài trừ nicotine". Bà Costello cho biết việc TLĐT được sử dụng rộng rãi đã tác động đáng kể đến tỷ lệ cai thuốc lá điếu.
Tại châu Âu, ngày 23/3/2023, Bộ Y tế Hy Lạp đã phê duyệt công bố giảm độc tính cho một loại TLNN phổ biến. Đây là quốc gia thứ hai sau Hoa Kỳ cho phép các công bố liên quan đến sức khỏe dựa trên đánh giá khoa học từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Cùng năm, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng tuyên bố: "Đã có nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy nếu hỗ trợ người hút thuốc chuyển đổi sang thuốc lá mới, rõ ràng lợi ích cho sức khỏe cộng đồng là lớn hơn so với hệ lụy tiểm ẩn".
Tuy nhiên, trong các hướng dẫn của WHO về thuốc lá mới, thông tin về việc các nước xem TLNN, TLĐT là giải pháp giảm tác hại lại không được đề cập để các quốc gia tham khảo một cách đa chiều, toàn diện. Trong khi đó, WHO vẫn khuyến nghị kiểm soát nghiêm ngặt hoặc cấm, dù chưa chứng minh được thuốc lá mới có độc hại hơn thuốc lá truyền thống hay không.
Xây dựng chính sách quản lý không thể thiếu đối thoại minh bạch
Tuy không vô hại, nhưng thuốc lá vẫn là ngành hàng được phép kinh doanh tại nhiều nước. Tương tự Trung Quốc, Thái Lan, Chính phủ Việt Nam hiện đang trực tiếp quản lý ngành hàng thuốc lá, thông qua các công ty quốc doanh.
Dù FCTC có quy định chặt chẽ về việc gặp gỡ giữa chính phủ và doanh nghiệp theo Điều 5.3, nhưng rõ ràng không cấm doanh nghiệp tương tác với chính phủ, miễn là cuộc đối thoại công khai, hợp pháp và minh bạch. Hầu hết quốc gia tiên tiến đều cho rằng việc gặp doanh nghiệp thuốc lá khi ban hành chính sách là lộ trình cần thực hiện để đưa ra quyết sách thuyết phục, công tâm và cân bằng lợi ích cho các bên.
Cụ thể, Canada công bố toàn bộ các cuộc đối thoại với người hút thuốc và công ty thuốc lá trên website Chính phủ và tuyên bố không vi phạm FCTC. Chính phủ Anh cũng đưa ra hướng dẫn cụ thể cho việc hợp tác với ngành công nghiệp thuốc lá, nhằm đảm bảo tất cả các bên đều phải tuân thủ quy định kiểm soát một cách minh bạch.
Chính vì thiếu thông tin và xem việc đối thoại với các công ty thuốc lá là điều cấm kỵ, nên nhiều tuyên bố về thuốc lá mới còn chưa đầy đủ, toàn diện, gây hiểu lầm. Trong một hội thảo năm 2023, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương nhìn nhận: "Hiện nay truyền thông đang có sự nhầm lẫn giữa TLNN và TLĐT, chưa phân biệt rõ với nhau và hay đánh đồng rằng cả hai sản phẩm thuốc lá mới này đều là TLĐT."
Một ví dụ khác, hiện một trong những lý do để đề xuất cấm TLNN, thuốc lá mới vì cho rằng: Nếu được phép kinh doanh, sản phẩm này sẽ xuất hiện tràn lan trên vỉa hè, đường phố như thuốc lá điếu, nên sẽ dễ tiếp cận đến giới trẻ.
Thực tế, điều lo ngại này rất khó xảy ra. Tại thị trường lậu, 1 thiết bị TLNN có giá từ 2 - 3 triệu đồng, kèm theo gói TLNN có giá trên 100.000 đồng. Rõ ràng mức chi phí này vượt quá khả năng chi tiêu của hầu hết người dưới 18 tuổi. Đây cũng không phải là con số mà người bán hàng rong, vỉa hè có đủ vốn để nhập về bán rộng rãi. Chưa kể đến, nếu được cấp phép thì các cơ quan chức năng cũng siết chặt kiểm soát bằng hình thức cấp và thu giấy phép đối với các nhà bán lẻ.
Từ phía cơ quan công an, trung tá Nguyễn Minh Tiến - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết, theo ghi nhận từ thị trường, TLNN chỉ phổ biến ở người trưởng thành, thu nhập ổn định, do giá thành cao.
Thời gian qua, nhiều đại diện cơ quan bộ ngành, chuyên gia nhìn nhận, các cơ quan quản lý nhà nước chưa được tiếp cận đến đầy đủ thông tin khoa học, dữ liệu đáng tin cậy về TLNN, thuốc lá mới.
Do vậy, các cơ quan quản lý cần làm rõ khúc mắc, quan ngại với ngành hàng, cũng như yêu cầu doanh nghiệp cam kết giải quyết những mặt trái của sản phẩm. Đây là cách thức phù hợp mà nhiều quốc gia tiên tiến đã áp dụng, cũng là quyền tự quyết của mỗi quốc gia trong xây dựng chính sách.