Huyện Lang Chánh bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái
Là huyện miền núi với dân số chủ yếu là đồng bào các dân tộc Thái, Mường..., trong đó người dân tộc Thái chiếm tới gần 48%, vì vậy, nhiều năm qua, huyện Lang Chánh luôn chú trọng đến công tác bảo tồn, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc nói chung, dân tộc Thái nói riêng và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tiết mục “Múa trồng bông dệt vải” của dân tộc Thái, huyện Lang Chánh.
Để việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu hơn vai trò, ý nghĩa của việc lưu giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa đặc trưng, vốn có của dân tộc; tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi, trò diễn không chỉ trong dịp lễ, tết, ngày hội mà còn ở các buổi sinh hoạt văn hóa ở các xã, thôn, bản, cơ quan, trường học. Đồng thời, lồng ghép nội dung bảo tồn giá trị văn hóa vào thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Trên địa bàn huyện Lang Chánh hiện có 3 lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức thường xuyên, định kỳ, gồm lễ hội chùa Mèo, xã Quang Hiến, nay là thị trấn Lang Chánh; lễ hội truyền thống xã Giao Thiện và lễ hội Chá Mùn của đồng bào dân tộc Thái. Cứ vào mùng 6, 7 tháng Giêng hằng năm, người dân thị trấn Lang Chánh lại tưng bừng tổ chức lễ hội chùa Mèo. Sau phần lễ khai hội, lễ dâng hương, thả đèn hoa đăng, lễ cầu quốc thái dân an là phần hội diễn ra sôi nổi với hàng chục trò chơi dân gian thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, như bắn nỏ, tung còn, đẩy gậy, kéo co...
Xác định trò chơi dân gian đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sinh hoạt, không chỉ góp phần giáo dục con người về tính tập thể, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh... mà còn góp phần lưu giữ các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, vì vậy, tại lễ hội chùa Mèo, ngoài hoạt động văn hóa tâm linh, các ban, ngành của huyện Lang Chánh nói chung, thị trấn nói riêng luôn chú trọng tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian nhằm tạo không khí sôi động, vui tươi, lành mạnh. Ở lễ hội Chá Mùn của người Thái cũng vậy, ngoài cầu mùa, cầu phúc, người dân còn được chơi những trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo của người Thái như, ném còn, bắn nỏ, đi cà kheo, múa sạp, khua luống, cồng chiêng và múa hát quanh cây bông... Được tham gia và thưởng thức những điệu kèn, bài hát... chứa chất bao tâm sự, tình cảm. Đây cũng được xem là một sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng dân tộc Thái trên địa bàn huyện Lang Chánh với ước mong được thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sinh sôi, tươi tốt, sức khỏe dồi dào, bản làng yên vui.
Hiện nay, cùng với việc duy trì các lễ hội, huyện Lang Chánh luôn tạo điều kiện khuyến khích đồng bào các dân tộc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc mình. Đặc biệt, ngành chức năng của huyện đã và đang bắt tay vào thực hiện bảo tồn và phát huy làn điệu khặp của người Thái trên địa bàn huyện. Người Thái ở huyện Lang Chánh tập trung chủ yếu ở các xã Trí Nang, Lâm Phú, Yên Thắng, Yên Khương, Tân Phúc, Tam Văn. Với người Thái ở Lang Chánh, làn điệu khặp luôn gắn liền với cuộc sống lao động và có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần. Trong các buổi sinh hoạt văn hóa, đám cưới, lễ tết và những dịp sum họp cộng đồng người Thái vẫn hát khặp cho nhau nghe. Qua thống kê của ngành chức năng và chính quyền địa phương, trên địa bàn huyện Lang Chánh hiện có khoảng 100 người biết khặp và 50 người am hiểu về khặp, hầu hết những người biết khặp đều là người cao tuổi và một số người trung tuổi, vì vậy hoạt động truyền dạy hát khặp đang được ngành chức năng của huyện tích cực triển khai thực hiện...
Mới đây, Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Lang Chánh tổ chức lớp tập huấn “Phục dựng, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái”. Tham gia lớp học có 35 học viên là những hạt nhân trong phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở của huyện Lang Chánh. Các giảng viên lớp tập huấn là những nghệ nhân am hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống, dân ca, dân vũ các dân tộc... đã truyền dạy cho học viên về các làn điệu hát dân ca dân tộc Thái (hát khặp giao duyên...), cách thức diễn tấu khua luống dân tộc Thái; các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc của dân tộc Thái (múa cá sa, xòe Thái, nhảy sạp...); các thể loại diễn tấu cồng, chiêng; một số tổ hợp trình diễn dân vũ dân tộc Thái. Ngoài ra, học viên tham gia lớp tập huấn còn được trang bị kỹ năng tổ chức hướng dẫn chương trình giao lưu tương tác giữa các nghệ nhân với du khách; chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian; chương trình biểu diễn phục vụ du lịch văn hóa cộng đồng; tổ chức giới thiệu, quảng bá nghệ thuật dân gian và các sản phẩm văn hóa dân tộc Thái đến du khách khi đến trải nghiệm tại khu thắng cảnh thác Ma Hao, bản Năng Cát, xã Trí Nang...
Có thể thấy, với sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các trò chơi, trò diễn dân gian trên địa bàn huyện Lang Chánh đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, tạo động lực cho sự phát triển bền vững.