Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang): Tập trung phát triển ngành du lịch bền vững

Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái cộng đồng. Bằng những giải pháp cụ thể, phù hợp với tiềm năng, lợi thế địa lý, thổ nhưỡng, ngành du lịch, trong đó có du lịch sinh thái trải nghiệm đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

Lục Ngạn là vùng đất không những có thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa mà còn là một trong những vùng cây ăn quả lớn với nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng. Những khu vườn đồi trồng vải vươn dài, trải rộng từ vùng thấp đến vùng cao tạo ra môi trường sinh thái trong lành, mát mẻ, một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp với màu xanh ngút tầm mắt.

Với diện tích cây ăn quả hơn 28.000ha, hằng năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái để đón khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm. Từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm có cam và táo, hoa mận, hoa cam, bưởi và vải; tháng 3 ngắm hoa và trải nghiệm quay mật ong; tháng 5, 6, 7 là mùa thu hoạch quả vải; tháng 7, 8 có nhãn; từ tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối...

 Du khách tham quan vùng cây ăn quả trên địa bàn huyện Lục Ngạn.

Du khách tham quan vùng cây ăn quả trên địa bàn huyện Lục Ngạn.

Bên cạnh đó, Lục Ngạn từ xưa được biết đến là địa phương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc, tạo nên sự giao thoa, đa dạng về bản sắc văn hóa. Chị Nguyễn Thị Thái, ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, đang có kỳ nghỉ tại Khu du lịch sinh thái Hồ Bầu Tiên ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, chia sẻ: “Không chỉ có không khí trong lành, Lục Ngạn còn lưu giữ, bảo tồn, phát huy được nhiều lễ hội, phiên chợ vùng cao, các làn điệu dân ca soọng cô, soóng cọ, soong hao... được duy trì, tổ chức, trở thành món ăn tinh thần của mỗi người dân và là nét đặc sắc, hấp dẫn, thu hút du khách. Cảnh quan thiên nhiên cùng những làng nghề truyền thống độc đáo cũng rất thu hút du khách đam mê trải nghiệm như chúng tôi”.

Đánh giá về tiềm năng du lịch của huyện Lục Ngạn, đồng chí Trương Quang Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết: “Tận dụng những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, văn hóa... những năm gần đây, huyện Lục Ngạn đã tích cực quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch cộng đồng, trải nghiệm vùng cây ăn quả với những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước; góp phần đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ vải thiều cũng như các sản phẩm đặc trưng của địa phương, thúc đẩy nền kinh tế phát triển”.

Với tiềm năng, lợi thế của mình, ngoài việc tăng cường thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, đa dạng hóa các kênh truyền thông trên nền tảng số như website, mạng xã hội, các ứng dụng thông minh, huyện đã nâng cấp hạ tầng internet, phủ sóng wifi miễn phí các khu, điểm du lịch đông khách tham quan. Ngoài ra, huyện đặt mục tiêu xây dựng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn với hai không gian du lịch chính là khu vực hồ Cấm Sơn và vùng cây ăn quả; giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, phát triển kinh tế; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường nước khu vực hồ Cấm Sơn; bảo vệ môi trường, phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Chu Văn Trọng, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn chia sẻ: “Để phát huy tiềm năng du lịch, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch, Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với tổng kinh phí thực hiện gần 200 tỷ đồng. Chúng tôi tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân tại các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hưởng ứng, tích cực tham gia đầu tư xây dựng nhà truyền thống, nhà chòi, các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch; phối hợp chặt chẽ với các công ty du lịch để hình thành tour, tuyến đưa khách du lịch đến với Lục Ngạn; thực hiện bồi dưỡng nguồn nhân lực làm du lịch; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, công tác xã hội hóa, thành lập các hợp tác xã du lịch cộng đồng để tăng cường nguồn lực, đa dạng hóa các dịch vụ, các sản phẩm du lịch và tham gia vận hành có hiệu quả hoạt động du lịch tại địa bàn; mỗi điểm du lịch đều có các sản phẩm lưu niệm đặc trưng để giới thiệu, bán cho du khách”.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, sự đa dạng về vốn văn hóa đặc sắc cùng sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương, nhà đầu tư, du lịch sinh thái cộng đồng của huyện Lục Ngạn sẽ là sản phẩm du lịch thu hút nhiều du khách đến thưởng thức, trải nghiệm trong tương lai.

Bài và ảnh: HẢI NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/huyen-luc-ngan-bac-giang-tap-trung-phat-trien-nganh-du-lich-ben-vung-791198