Huyện Mai Châu: Người có uy tín - 'cầu nối' gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Với vốn hiểu biết phong phú, nhất là về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc, người có uy tín đã phát huy vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy các phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Họ cũng là những người tích cực vận động nhân dân quyên góp tiền, ngày công xây dựng nhà văn hóa và góp phần phát huy, giữ gìn phong tục, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc; cùng chung sức giữ gìn tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian, các món ăn, bài thuốc và nghệ thuật trình diễn dân gian.
Với vốn hiểu biết phong phú, nhất là về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc, người có uy tín đã phát huy vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy các phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Họ cũng là những người tích cực vận động nhân dân quyên góp tiền, ngày công xây dựng nhà văn hóa và góp phần phát huy, giữ gìn phong tục, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc; cùng chung sức giữ gìn tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian, các món ăn, bài thuốc và nghệ thuật trình diễn dân gian.
Là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Triệu Văn Tâm ở xóm Bò Liêm, xã Đồng Tân không chỉ là "nhịp cầu" gắn kết ý Đảng, lòng dân mà còn là người tích cực truyền dạy văn hóa dân tộc cho con em người Dao tại xóm. Nguyên là cán bộ xã, trăn trở khi chữ viết của dân tộc Dao ngày càng ít người biết và có nguy cơ mai một nên ông đã truyền dạy những nét chữ Dao đầu tiên cho con cháu trong nhà và những người trung tuổi trong xóm. Hơn 10 năm qua, ông đều đặn duy trì mở lớp truyền dạy chữ dân tộc Dao. Bằng tâm huyết của người thầy, người ông, người cha, ông Triệu Văn Tâm đã truyền cảm hứng học chữ cho nhiều người dân trong xóm.
Song song với truyền dạy chữ, ông Tâm còn dành thời gian để sao chép, bổ sung, biên soạn ra sách mới, dịch ra tiếng phổ thông để tặng cho học trò mỗi người 1 cuốn sách chép lại để khi về nhà, các cháu sẽ mang ra đọc, vừa có thêm kiến thức, vừa là để ôn luyện lại nét chữ Nôm Dao.
Đồng chí Hà Đức Chung, Chủ tịch UBND xã Đồng Tân chia sẻ: "Ông Triệu Văn Tâm đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn luôn tâm huyết trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Mong rằng với những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông sẽ góp phần giúp bản sắc văn hóa truyền thống trong đồng bào dân tộc Dao ngày càng phát triển trên địa bàn huyện”.
Còn với ông Lò Văn Luần - một trong những điển hình tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số về phát huy vai trò người có uy tín, tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Không chỉ là người có uy tín, ông Luần còn là thầy mo, chủ tế trong các nghi lễ lớn như Xên bản Xên mường.
Ông Luần tâm sự: "Là truyền nhân đời thứ 4 của dòng họ, tôi luôn tâm niệm làm thầy mo vừa làm phúc, vừa để mo Thái cũng như chữ viết của người Thái không bị thất truyền nên việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc luôn được đặt hàng đầu”.
Trong nhịp sống hối hả của kinh tế thị trường, nhiều thứ được định giá bằng giá cả, nhưng thầy mo vẫn tiến hành các nghi lễ với cái tâm của người gìn giữ sử thi của dân tộc. Với ông Lò Văn Luần luôn sưu tầm tài liệu viết những áng văn, áng mo cổ, phong tục tập quán của người Thái, nhất là những quyển sách cổ được ông cha lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Đồng chí Hà Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu cho biết: "Ông Luần trước đây là cán bộ lãnh đạo Phòng Y tế huyện. Về hưu năm 2020 và tham gia sinh hoạt tại xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu, ông luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia sôi nổi các phong trào của xóm, xã. Trong các buổi sinh hoạt của địa phương, ông luôn đóng góp những ý kiến xây dựng phong trào của thôn xóm phát triển, nhất là việc gìn giữ văn hóa của người Thái, xây dựng nếp sống văn minh, được nhân dân xóm Chiềng Châu tín nhiệm bầu chọn là người có uy tín trong cộng đồng”.
Từ sự tuyên truyền, vận động của người có uy tín đã góp phần giúp người dân ở địa phương tích cực tham gia phục dựng một số lễ hội, các hoạt động văn hóa hướng về cội nguồn, phát huy được giá trị vốn có, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa. Họ đóng vai trò là "cầu nối” để quảng bá hình ảnh địa phương đến du khách trong và ngoài huyện, đồng thời góp sức đẩy mạnh phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của huyện.