Huyện Phú Lương (Thái Nguyên) kiểm tra, đôn đốc thực hiện dự án chương trình mục tiêu quốc gia

Thời gian qua, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) đã triển khai nhiều dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo đó, UBND huyện đã tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chương trình MTQG, đảm bảo phát hiệu quả các mô hình, dự án.

Trong 04 năm từ 2021-2024, huyện Phú Lương phân bổ nguồn vốn hơn 14,5 tỷ đồng để thực hiện các dự án giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn huyện, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Với nguồn vốn từ chương trình MTQG, huyện Phú Lương đã thực hiện hiệu quả Dự án 2- Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững, với tổng ngân sách thực hiện từ năm 2021 – 2024 hơn 5.6 tỷ đồng. Trong đó, huyện đã triển khai 09 dự án chăn nuôi bò, dê và trâu tại các xã Yên Trạch, Động Đạt, Phủ Lý, Ôn Lương và Hợp Thành.

Qua kiểm tra thực tế tại các hộ tham gia Dự án, đồng chí Nguyễn Hoàng Mác- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương đánh giá cao sự chủ động, phối hợp triển khai của các ngành, địa phương trong thực hiện đảm bảo quy trình, đúng các nội dung của dự án và đem lại hiệu quả cao.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Mác, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện kiểm tra thực tế tại xã Động Đạt

Đồng chí Nguyễn Hoàng Mác, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện kiểm tra thực tế tại xã Động Đạt

Giai đoạn 2021 - 2024, huyện tăng cường thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, có tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 - 2024 hơn 2,5 tỷ đồng.

Số mô hình được thực hiện là 03 dự án, trong đó 3/3 dự án được UBND huyện giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thực hiện. Năm 2023, địa phương đã thực hiện triển khai 2/3 dự án, trong đó có mô hình nuôi trâu sinh sản tại xã Hợp Thành với 17 hộ và chăn nuôi trâu, bò tại xã Yên Ninh, Yên Lạc với 41 hộ tham gia.

Năm 2024, huyện tiếp tục thực hiện dự án chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Yên Ninh, Yên Đổ và Động Đạt dự kiến có 24 hộ tham gia. Các dự án này được thực hiện tại 06 xã với 102 hộ được hỗ trợ thụ hưởng dự án, trong đó có 53 hộ nghèo, 41 hộ cận nghèo, 8 hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng. Dự ước đến hết năm 2024 có 68/102 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Là hộ thuộc diện cận nghèo được hỗ trợ trâu cái nuôi sinh sản, Anh Ma Văn Diện, trú tại xóm Trung, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương chia sẻ: Gia đình tôi rất phấn khởi khi được nhận cặp trâu này. Hi vọng tương lai cuộc sống sẽ đỡ khó khăn hơn. Rất cảm ơn các cấp chính quyền đã quan tâm trao cho chúng tôi cơ hội thoát nghèo. Trước khi tiếp nhận trâu về nuôi chúng tôi cũng đã được đi tập huấn học tập kỹ thuật nuôi trâu sinh sản. Nhờ vậy mà chúng tôi có kiến thức và kỹ thuật để chăm sóc đàn trâu phát triển khỏe mạnh hơn.

Bên cạnh việc hỗ trợ con giống trong chăn nuôi, Phú Lương còn phát huy lợi thế trồng chè bởi huyện là địa phương đứng thứ hai trong toàn tỉnh về sản lượng chè búp tươi với hơn 45 nghìn tấn/năm. Thực hiện Dự án Đa dạng hóa sinh kế, huyện phát triển các mô hình giảm nghèo hiệu quả từ chè.

Sản xuất, chế biến chè theo công nghệ sạch, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học giúp cho nhập từ chè của người dân ngày càng nâng cao

Sản xuất, chế biến chè theo công nghệ sạch, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học giúp cho nhập từ chè của người dân ngày càng nâng cao

Tại xã Phú Đô, có khoảng 70% số hộ thu nhập ổn định từ chè với thu nhập bình quân đạt trên 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình mỗi năm gần 2%. Toàn xã hiện có hơn 700 ha chè, trong đó có trên 140 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và nhiều diện tích chè hữu cơ, sản lượng búp tươi đạt hơn 7,3 nghìn tấn/năm, hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 35 tấn chè búp khô, giá trị trên 4 tỷ đồng.

Anh Hoàng Văn Tuấn, xóm Phú Thọ, xã Phú Đô cho biết: Nhờ được tham gia các lớp tập huấn, chúng tôi đã có thể sản xuất, chế biến chè theo công nghệ sạch, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc. Cây chè hiện nay cho năng suất, chất lượng cao, dễ tiêu thụ và được giá hơn so với cách làm truyền thống trước đây. Qua đó mà thu nhập từ chè của người dân trong xóm ngày càng nâng cao.

Thực tế cho thấy kết quả thực hiện các dự án, chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Phú Lương đã có những ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp người dân tại Phú Lương thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm bình quân 1,36% hộ nghèo mỗi năm, góp phần ổn định, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Minh Huế

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/huyen-phu-luong--thai-nguyen--kiem-tra--don-doc-thuc-hien-du-an-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-131460.htm