Huyện Quảng Xương chú trọng phát triển vùng sản xuất rau an toàn

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác thời gian qua huyện Quảng Xương đã chú trọng phát triển vùng sản xuất rau an toàn tại nhiều xã, thị trấn trên địa bàn.

Huyện Quảng Xương hiện đã hình thành được 3.600 m2 rau an toàn trồng trong nhà lưới, 42 ha rau an toàn trồng tập trung.

Toàn huyện đã xây dựng thành công 16 chuỗi liên kết rau, củ an toàn tập trung, trong nhà màng, nhà lưới...

Quảng Lộc là một trong những xã có diện tích trồng rau an toàn lớn của huyện Quảng Xương.

Toàn xã đã hình thành được 6 ha trồng rau an toàn với 124 hộ dân tham gia.

Nhờ chủ động áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nên hiện nay rau màu của xã Quảng Lộc đang sinh trưởng và phát triển tốt, một số loại rau đã bắt đầu cho thu hoạch, với thu nhập ước đạt từ 35 đến 40 triệu đồng/1 ha.

Sản xuất rau màu vụ đông của xã Quảng Lộc hiện đã trở thành vụ sản xuất chính mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân nên sau mỗi lứa thu hoạch, nông dân xã Quảng Lộc tiếp tục xuống giống xen canh các loại rau ngắn ngày, nhằm tăng giá trị trên đơn vị diện tích.

Chị Bùi thị Quý ở thôn Lê Hương, xã Quảng Lộc có 800 m2 diện tích trồng rau an toàn. Chị cho biết: Bên cạnh việc được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về trồng rau an toàn, bà con trong xã còn được hỗ trợ nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông, hệ thống tưới tiêu… giúp bà con yên tâm sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng rau truyền thống.

Để rau sạch tìm được chỗ đứng trên thị trường, người sản xuất rau an toàn phải chú trọng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, cũng như các khâu bao bì, đóng gói... Đồng thời, các cấp, ngành cũng cần xây dựng chính sách khuyến khích phát triển cửa hàng bán lẻ rau an toàn; khuyến khích các bếp ăn tập thể, trường mầm non, đơn vị... phải nhập rau an toàn từ những đơn vị được chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm...

Theo đánh giá, mô hình sản xuất rau an toàn không những giảm được chi phí đầu tư, mà còn tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nay, huyện Quảng Xương đã tăng cường liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu, hướng tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm rau của huyện.

Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý.

Cùng với đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trước những biến động của thị trường.

Linh Hương

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/huyen-quang-xuong-chu-trong-phat-trien-vung-san-xuat-rau-an-toan/24046.htm