Huyền thoại bảo vật vua ban và giếng thần không đáy
Trong ngôi đền nhỏ ở một xã miền núi thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), đến nay vẫn đang cất giữ những bảo vật của vua Hàm Nghi ban tặng. Trong đó, có 2 con voi được đúc bằng vàng ròng, tương truyền rất linh thiêng.
Mỗi năm, sau khi ăn Tết xong, ngày 7 tháng Giêng dân làng Phú Gia (Hương Khê - Hà Tĩnh) lại mở hội đền Trầm Lâm, rước linh vật vua Hàm Nghi ban tặng. Đây là ngôi đền linh thiêng với nhiều huyền thoại.
Huyền thoại đền thiêng
Đền Trầm Lâm là một ngôi đền cổ, thờ Đức Thánh Mẫu có từ cuối thế kỷ XIV, nằm ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê. Sự tích hình thành ngôi đền có nhiều huyện thoại, nhưng những người già ở Phú Gia thì đinh ninh rằng, ngôi đền để thờ Đức Thánh Mẫu là tiên nữ được nhà trời phái xuống giúp nhân dân đánh tan giặc Minh những năm cuối thế kỷ XIV.
Năm đó, sau khi tiên nữ về trời, một cụ già ở làng Âu Sơn (nay là xã Phú Gia) nhìn thấy từ xa, ẩn trong sương mờ có một hồ nước nhỏ và chiếc thuyền độc mộc. Đứng trên thuyền là một người phụ nữ tóc trắng, mặc quần áo màu xanh. Khi cụ già tiến lại gần thì người phụ nữ và thuyền độc mộc đột nhiên biến mất. Cụ già về làng báo lại cho các bô lão và dân chúng, khi chạy ra chỉ thấy hiện trường là một hồ nước trong xanh, sâu thẳm, linh khí ngút trời.
Các bô lão về họp tại đình làng, xin âm dương biết được tiên nữ giáng trần, đã thống nhất dựng lên trên bờ hồ một cái miếu nhỏ. Trong miếu có điện thờ và tấm bảng mộc chủ khắc dòng chữ: “Thánh Mẫu Trầm Lâm Kiêm Lục Quốc Thanh Y Diệu Ngọc Thiên Thần” (sau này người dân quen gọi là đền Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm hoặc đền Trầm Lâm).
Một điều lạ, từ khi người dân lập miếu, hương khói thờ phụng, nước trong hồ trở nên tinh khiết, xuất hiện nhiều rùa, cá bơi lượn, cũng từ đó dân chúng Âu Sơn được trời phù hộ, ít ốm đau, trâu đầy đàn, lúa đầy bồ.
Trải qua thời gian, đền thờ Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm bây giờ đã được tu bổ nhiều. Phía trước chính diện đền là một hồ nước nhỏ hình bán nguyệt đường kính khoảng 40m. Thành hồ cao khoảng 1,5m, được tạo nên bởi một lớp đá ong viền tự nhiên rất đẹp.
Người già ở Phú Gia cho biết, từ ngày xửa ngày xưa, người dân địa phương đã quen gọi hồ này “giếng không đáy” và rất linh thiêng. Bởi nhiều sự tích liên quan, như chuyện năm năm 1895, có một “ông Tây” cưỡi ngựa mang dây đến cột vào đầu một hòn đá để đo độ sâu của giếng. Khi hòn đá kéo hết cuộn dây dài hàng trăm mét nhưng vẫn chưa tới đáy giếng.
Hay là chuyện trận lũ năm 1960, có một cụ già cầm lưới vào giếng bắt được một con cá nặng hơn 1kg. Lúc về bỏ cá vào nồi nấu, nhưng nấu 7 ngày 7 đêm cá vẫn không chín. Quá hoảng sợ, cụ già phải đưa cá bỏ lại “giếng không đáy” để cá tự bơi. Từ đó về sau, người dân trong vùng lan truyền “giếng không đáy” có cá thần và không một ai dám đến bắt cá trong giếng thiêng nữa.
Bảo vật vua ban
Đền Trầm Lâm, là ngôi đền mà năm 1885, khi chạy trốn giặc Pháp từ Lào về Hà Tĩnh, vua Hàm Nghi đã ngủ tại đây và được Đức Thánh Mẫu hiển linh báo mộng tránh được sự truy bắt, vây ráp của giặc Pháp.
Chuyện kể, đêm đó, khi vua Hàm Nghi vừa chợp mắt thì Đức Thánh Mẫu hiện về báo mộng rằng: Đất này là đất của vua, vua ở đâu cũng được, nhưng hiện bọn giặc quỷ (giặc Pháp) đang đưa quân vây ráp, truy bắt vua. Mong vua hãy định liệu ngay. Tỉnh giấc, vua Hàm Nghi truyền cho Tôn Thất Thuyết và các triều thần chuẩn bị sắc phong, các lễ vật quý để vào tạ lễ tại đền Trầm Lâm. Sáng hôm sau, vua ban sắc phong cho Đức Thánh Mẫu đền Trầm Lâm chức: “Thượng thượng đẳng tối linh thần”, kèm theo những bảo vật quý: một tấm vi bố (áo bào có gắn 35 con lục lạc bằng đồng); áo mũ triều thần 8 bộ; cờ lộng, quạt 20 chiếc; hai thanh kiếm lưỡi sắt có cán gỗ chạm hình rồng phượng sơn son thiếp vàng và đặc biệt là có 2 con voi bằng vàng ròng và một con voi khác bằng đồng.
Từ đó đến nay, trải qua 136 năm, những bảo vật vua Hàm Nghi ban tặng vẫn được lưu giữ nguyên vẹn bởi những người nông dân chân chất ở làng Phú Gia. Những người được cất giữ bảo vật vua ban, là những “cố đạo chủ” được dân làng tín nhiệm và được thần tinh tin tưởng khi gieo quẻ âm dương.
Năm nay, “cố đạo chủ” là cụ Trần Văn Nhung (99 tuổi), trú ở thôn Hòa Nhượng, xã Phú Gia. Cụ Nhung kể cho chúng tôi nghe nhiều huyện thoại về vua Hàm Nghi và bảo vật vua ban, được người dân làng Phú Gia cất giữ cẩn thận.
Trong bộ quần áo dài truyền thống màu đỏ, cụ Nhung làm lễ, gieo quẻ khi chúng tôi ngỏ ý được xem bảo vật vua ban. Thắp nhang và gieo quẻ âm dương, ngay lần đầu tiên chúng tôi đã may mắn được “bề trên” cho phép diện kiển bảo vật.
Kính cẩn bày bảo vậ ra bàn, gồm: 4 linh vật gồm: hai con voi vàng (con lớn nặng 2,7 lượng, con nhỏ nặng 1,7 lượng); 1 con voi đồng và 1 con nghê đồng cùng cặp bảo kiếm, cụ Nhung giới thiệu: “Đây, bảo vật nhà vua tặng dân làng chúng tôi. Hàng trăm năm qua, những bảo vật này vẫn còn nguyên vẹn như lúc ban đầu. Bao đời nay, người dân làng này sinh ra đã đặt trọng trách gìn giữ bảo vật như sinh mạng của mình”.
Kể từ ngày được phong làm Cố đạo chủ, cụ Nhung hàng ngày đều thắp hương lúc chập tối, nửa đêm và rạng sáng cầu mong bề trên phù hộ cho bảo vật được an toàn, không bị mất cắp. Với cụ điều mãn nguyện nhất ở cuối đời là được dân làng tín nhiệm, được thần linh “tín cẩn” chọn làm Cố đạo chủ - người giữ bảo vật Vua Hàm Nghi.
Chúng tôi khá bất ngờ, khi chuyện dân làng Phú Gia đang cất giữ bảo vật của vua Hàm Nghi, mãi đến năm 2000 huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh mới biết. Dẫu trải qua rất nhiều năm binh biến, thăng trầm của lịch sử, người dân Phú Gia vẫn bí mật cất giữ nguyên vẹn những bảo vật vua ban.
Được biết, thời chiến tranh loạn lạc, người dân Phú Gia chọn những người có đủ trí, đủ lực, có đức tin để cất giữ bảo vật, tránh mất cắp, thất lạc. Ngày ấy, các Cố đạo chủ làm đủ cách, từ đào hầm, khoét tường hay đục thân cây nhét các bảo vật vào bên trong. Có những thời điểm nạn đói hoành hành, người chết ngả rạ, không ít người đầy lòng tham muốn chiếm hữu bảo vật làm của riêng, thậm chí từng bị thất lạc sang Lào.
Thế nhưng, điều kỳ lạ trải qua bao bôn ba, thăng trầm “vật lại hoàn chủ”, những bảo vật lại quay trở về với làng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được, bên cạnh ý thức bảo vệ cổ vật quý, hai con voi vàng vua ban đến nay vẫn không bị mất cắp, thất lạc là vì bảo vật này rất thiêng, gắn liền với những câu chuyện ly kỳ, bí ẩn mà đến nay người dân xã Phú Gia vẫn hay kể cho nhau nghe.
Chuyện kể rằng, vào năm 1934, một Cố Đạo được giao trọng trách lưu giữ bảo vật. Nhưng vì lòng tham lam, người này đã mang một trong hai con voi vàng sang Lào đổi lấy 10 con trâu, bò. Trên đường chăn trâu bò trở về nhà, đến núi Chân Trụt (nay là xã Hương Vĩnh, H.Hương Khê), người này đã bị trâu húc chết. Sau đó, khi nghe tin chuyện chẳng lành, người dân Lào được đổi trâu, bò lấy voi vàng không dám giữ lại bảo vật bên mình, đưa voi vàng trả lại cho đền Trầm Lâm.
Một chuyện ly kỳ khác là vào năm 1946, nạn đói hoành hành, người chết la liệt, chính phủ lâm thời gặp khó khăn. Lúc bấy giờ nhà nước mở “tuần lễ vàng”, vận động người dân hành nghĩa cứu quốc. Lúc đó, Cố Đạo và ban bảo vệ di tích đền Trầm Lâm đã bàn họp, đi đến quyết định sẽ đưa một trong hai con voi góp cho nhà nước. Nhưng khi mọi người mở rương sắt để lấy voi vàng thì chìa khóa bị dính chặt vào ổ khóa. Dù đã làm đủ mọi cách, ổ khóa vẫn không thể mở. Linh tính mách bảo, Cố Đạo thắp hương lên bàn thờ và nói với thần linh trong đền Trầm Lâm là không dám đưa voi đi nữa. Lúc ấy ổ khóa tự nhiên tự bật ra. Sau lần ấy, những người dân trong xã Phú Gia, đặc biệt là những Cố Đạo được giao nhiệm vụ lưu giữ bảo vật vua ban, không một ai dám làm sai.
Về cách chọn lựa Cố đạo chủ - người canh giữ bảo vật phải trải qua nhiều khâu tuyển chọn trang nghiêm, đạt các tiêu chuẩn: Phải là người song thọ cả ông và bà trên 80 tuổi, sống đạo đức, đủ sức khỏe, am hiểu cách thức tế tự. Quan trọng nhất là phải được thần linh “ứng cử”.
Thường lệ, mỗi năm vào dịp ngày Bảy tháng Giêng, làng Phú Gia sẽ tổ chức lễ Hạ Keo xin bề trên ứng chứng, ứng chức chọn Cố đạo chủ mới. Sau khi được làng tín nhiệm, thần linh “ứng cử”, Ban lễ nghi sẽ tổ chức lễ rước đưa bảo vật vua từ nhà Cố đạo cũ sang nhà Cố đạo mới.
Theo lời kể, thì người được chọn làm Cố đạo chủ không được xuống bếp nấu ăn, không làm việc đồng áng, giường ngủ đặt nằm sát nơi cất bảo vật. Đặc biệt phải ngủ riêng, một mình trong căn nhà này, đây là cách giữ bảo vật linh thiêng truyền bao đời nay.
Ở Phú Gia, ngoài cụ Trần Văn Nhung, cụ Lê Khắc Tùng, cụ Phan Đình Hiền, cụ Xân...cũng là cây đại thụ, “pho sử sống” của làng. Họ cũng là những Cố đạo chủ đang gánh trọng trách kế nhiệm giữ bảo vật vua Hàm Nghi ban tặng năm nào.