Huyền thoại Hồng Bàng dưới lăng kính nhà khoa học trẻ: Gợi mở về nguồn gốc và bản sắc dân tộc Việt

Là một trong 9 gương mặt xuất sắc nhận Giải thưởng 'Khuê Văn Các' 2024, ThS Hoàng Hữu Phước – Phó Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) đã mang đến một cách tiếp cận độc đáo và khoa học về huyền thoại Hồng Bàng. Bằng sự kết hợp giữa sinh học phân tử, nhân học và văn hóa học, anh gợi hướng nghiên cứu mới trong việc tìm hiểu những giá trị cốt lõi về nguồn gốc và bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Mâu thuẫn giữa huyền thoại và bằng chứng khoa học

Trong các văn bản lịch sử, truyện Hồng Bàng gồm ba phần chính: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương. Nếu như phần Lạc Long Quân và Hùng Vương được phổ biến rộng rãi qua câu chuyện "Con Rồng, cháu Tiên", thì phần Kinh Dương Vương lại ít được chú ý. Nguyên nhân có thể nằm ở nội dung mang tính chất thần thoại: Kinh Dương Vương, vua tổ của người Việt, được ghi chép là con cháu của Viêm Đế Thần Nông, một vị thần quan trọng trong thần thoại Trung Quốc.

ThS Hoàng Hữu Phước - Phó Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế). Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

ThS Hoàng Hữu Phước - Phó Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế). Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Nhưng liệu câu chuyện này có thực sự phản ánh nguồn gốc của người Việt? Theo ThS Hoàng Hữu Phước - Phó Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), các nghiên cứu khoa học hiện đại đã chỉ ra mâu thuẫn rõ rệt. Cụ thể, dữ liệu sinh học phân tử cho thấy, người Việt có quan hệ di truyền gần gũi với các dân tộc Đông Nam Á, đặc biệt là người Tai thuộc hệ ngôn ngữ Tai-Kadai, thay vì người Hán như huyền thoại đề cập.

Đáng chú ý, nghiên cứu "Cơ sở dữ liệu biến dị di truyền người Việt Nam" của GS Nguyễn Thanh Liêm và cộng sự đã phát hiện hơn 70.000 đột biến gen chỉ tồn tại ở quần thể người Việt. Phát hiện này cho thấy tính độc lập về di truyền của người Việt so với các cộng đồng xung quanh, đồng thời củng cố mối liên hệ mạnh mẽ với các dân tộc Đông Nam Á hơn là Trung Quốc.

"Truyền thống được kiến tạo" và dấu ấn chính trị

Theo ThS Hoàng Hữu Phước, phần Kinh Dương Vương trong huyền thoại Hồng Bàng được xem như “truyền thống được kiến tạo”. Thuật ngữ này, được giới thiệu bởi hai nhà sử học Eric Hobsbawm và Terence Ranger, chỉ những “truyền thống tưởng như lâu đời, cổ xưa” nhưng thực tế lại được tạo dựng trong thời gian gần đây nhằm phục vụ những mục tiêu xã hội, chính trị hoặc văn hóa cụ thể.

ThS Hoàng Hữu Phước chia sẻ kiến thức khoa học với các em học sinh.

ThS Hoàng Hữu Phước chia sẻ kiến thức khoa học với các em học sinh.

Truyện Kinh Dương Vương xuất hiện và được ghi chép trong các bộ chính sử đầu tiên: Đại Việt sử kí toàn thư của triều đình nhà Lê – thời kỳ Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Trung Quốc, cách rất xa so với thời kì Hùng Vương mà nội dung truyện đề cập. Phần Kinh Dương Vương, với việc liên kết nguồn gốc người Việt với huyền thoại Thần Nông của người Hán, có thể đã được tạo dựng vào thời Lê. Mục đích của việc này nhằm củng cố tính chính danh của vương triều nhà Lê cũng như thắt chặt mối quan hệ chính trị với Trung Quốc – quốc gia đương thời hùng mạnh và có ảnh hưởng lớn tại khu vực.

Dẫu vậy, các nghiên cứu khoa học hiện đại đã khẳng định vai trò độc lập của người Việt trong khu vực Đông Nam Á, mở ra hướng tiếp cận mới để tái khám phá giá trị văn hóa dân tộc từ góc độ khách quan hơn.

Tầm quan trọng của cách tiếp cận liên ngành

Nghiên cứu của ThS Hoàng Hữu Phước không chỉ dừng lại ở việc đối chiếu giữa huyền thoại và khoa học mà còn nhấn mạnh vai trò của cách tiếp cận liên ngành. Theo nhà khoa học trẻ Hoàng Hữu Phước, "folklore" – tức "trí tuệ dân gian" – là một khái niệm đòi hỏi sự tổng hợp giữa lịch sử, nhân học, văn hóa và nghệ thuật. Thách thức lớn nhất trong nghiên cứu này nằm ở lĩnh vực văn hóa, nơi sự giao thoa và chồng lấn giữa văn hóa Việt và văn hóa Hán khiến việc phân biệt trở nên phức tạp.

ThS Hoàng Hữu Phước trên giảng đường.

ThS Hoàng Hữu Phước trên giảng đường.

Bằng cách sử dụng dữ liệu di truyền và lý thuyết nhân học hiện đại, ThS Hoàng Hữu Phước không chỉ làm sáng tỏ nguồn gốc của các yếu tố văn hóa mà còn cung cấp một phương pháp luận hữu ích để nghiên cứu các huyền thoại khác.

Gợi mở cho bảo tồn và phát triển di sản văn hóa

Những phát hiện từ nghiên cứu này không chỉ làm thay đổi cách nhìn nhận về huyền thoại Hồng Bàng mà còn mang lại giá trị thực tiễn lớn trong việc bảo tồn và giảng dạy văn hóa dân gian Việt Nam. Các bằng chứng khoa học cho phép phân biệt rõ ràng giữa các yếu tố văn hóa bản địa và ngoại lai, từ đó xây dựng các nội dung giảng dạy phong phú và thuyết phục hơn.

ThS Hoàng Hữu Phước cũng nhấn mạnh ba giải pháp trọng yếu để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa:

Hỗ trợ nghiên cứu liên ngành: Thành lập các nhóm nghiên cứu đa lĩnh vực để làm sáng tỏ các giá trị văn hóa truyền thống.

Đẩy mạnh giáo dục văn hóa dân gian: Tích hợp các nội dung về huyền thoại, truyện dân gian vào chương trình học, kết hợp với hoạt động thực địa, trò chơi hoặc triển lãm để khơi dậy hứng thú ở thế hệ trẻ.

Tăng cường sự tham gia của cộng đồng: Tổ chức các lễ hội, hội thảo hoặc hoạt động kể chuyện truyền thống, đồng thời khuyến khích các dự án số hóa tài nguyên văn hóa để tiếp cận rộng rãi hơn trong kỷ nguyên số.

Nghiên cứu về huyền thoại Hồng Bàng không chỉ làm sáng tỏ những giá trị văn hóa cốt lõi mà còn đặt ra câu hỏi về cách chúng ta định hình và duy trì bản sắc dân tộc. Với sự hỗ trợ của khoa học hiện đại, những câu chuyện tưởng chừng chỉ là huyền thoại lại có thể trở thành công cụ để tái khám phá di sản văn hóa và khẳng định vị thế độc lập của người Việt trong khu vực.

* (Một số nội dung mang tính học thuật trong bài được đề cập dựa trên thông tin dẫn giải từ nghiên cứu khoa học của nhân vật, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn).

Dương Triều

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/huyen-thoai-hong-bang-duoi-lang-kinh-nha-khoa-hoc-tre-goi-mo-ve-nguon-goc-va-ban-sac-dan-toc-viet-post1694710.tpo