Huyền thoại 'nữ chúa rừng xanh' Lâm Đồng thu phục binh sĩ bằng loại nước thần bí

Ngoài xinh đẹp, thông minh, 'nữ chúa rừng xanh' còn có biệt tài thu phục lòng người. Bà tập hợp được gần 10.000 binh sĩ rồi lập nhiều kế lạ diệt thù.

Bài 1: Chuyện tình bi thương của 'nữ chúa rừng xanh' ở Lâm Đồng

Nữ chúa rừng xanh

Sau nỗi buồn tình yêu tan vỡ, bà Ka Nhòi (biệt danh Mọ Kọ, người phụ nữ được người dân thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng xem như huyền thoại) hứng chịu thêm nỗi đau mất con.

Tuy vậy, bà không suy sụp mà càng trở nên mạnh mẽ. Các tư liệu ít ỏi còn sót lại ghi nhận, ở tuổi đời còn rất trẻ, bà đã quy tụ được khoảng 10.000 người thuộc các dân tộc ở Tây Nguyên về dưới trướng để trở thành nữ chúa, lãnh đạo phong trào đấu tranh chống Pháp có tên là Mọ Kọ.

Sách Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng do Sở Văn hóa tỉnh Lâm Đồng xuất bản năm 1983 ghi nhận: “Với nội dung đoàn kết, đấu tranh chống ngoại xâm, phong trào Mụ Cọ (Mọ Kọ - PV) lúc bấy giờ đã tập hợp được 10.000 đồng bào các dân tộc ở trong tỉnh tham gia chống Pháp.

Bức ảnh chân dung hiếm hoi còn sót lại của nữ chúa rừng xanh Ka Nhòi. Ảnh chụp lại

Bức ảnh chân dung hiếm hoi còn sót lại của nữ chúa rừng xanh Ka Nhòi. Ảnh chụp lại

Dưới sự lãnh đạo của bà còn có K'Prô, K'Sary, K'Kra, K'Soun, K'Khê, K'Tông, K'Gút, K'Bau, K'Xanh, K'Brin, K'Non, K'Dai. Đó là những người trong bộ tham mưu của phong trào chống Pháp của nhân dân các dân tộc ít người ở Lâm Đồng”.

Vào thời điểm đó, Di Linh vẫn còn hoang sơ, xanh thẫm cây rừng. Buôn Đồng Đò ngày đó cũng chỉ lác đác vài ba mái nhà tranh. Thế nên, để tập hợp được cả chục nghìn người dân tộc thiểu số cùng đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp không hề đơn giản, dễ dàng.

Về việc này, ông K’Điếp - Phó chủ tịch HĐND xã Tân Nghĩa cho biết: “Mẹ tôi gọi Mọ Kọ bằng dì. Mẹ kể rằng, Mọ Kọ không chỉ xinh đẹp, thông minh mà còn rất giỏi trong việc vận động mọi người tin theo mình.

Với biệt tài này, bà không chỉ vận động được dân làng ở Di Linh, mà còn thu hút được người dân ở khắp nơi trong tỉnh theo mình, cùng đứng lên chống Pháp”.

Sách Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng viết, bà Ka Nhòi vốn là thành viên của phong trào chống Pháp do Sambram người Chăm Roi phát động năm 1939. Để tập hợp binh sĩ, Ka Nhòi đến tìm Sambram nhận lệnh và mang nước thánh từ sông Đạ Yơn về phân phát cho người dân.

Khu vực được cho là nơi hội quân của nữ chúa Mọ Kọ và binh sĩ

Khu vực được cho là nơi hội quân của nữ chúa Mọ Kọ và binh sĩ

Tại quê nhà, Ka Nhòi lập đàn thờ cúng Yàng bằng nước thánh. Sau đó, bà đọc thần chú, rồi dùng nước thánh phân phát cho mọi người uống, với niềm tin nước này sẽ giúp cho họ có sức mạnh, được thần linh bảo vệ để chống lại kẻ thù.

Theo sách Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng, bà Ka Nhòi tổ chức lễ cúng mang tính chất tuyên thệ của những người tham gia phong trào vào ngày 15/6/1938. Tại lễ cúng, bà đọc bài cầu nguyện.

Lời cầu nguyện trong lễ cúng được mọi người tham dự học thuộc lòng có đoạn: "Hỡi thần núi! Hỡi Thần đất! Hỡi Thần nước! Hỡi các thần! Hãy giết hết bọn thực dân Pháp xâm lược! Để cho người Thượng, người Chăm, người Việt Nam cùng nhau chung sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc".

Lập kế diệt giặc

Lời cầu nguyện của nữ chúa lan xa, vang vọng qua trùng điệp núi rừng Di Linh. Nhiều dân tộc anh em ở khắp nơi tin tưởng, tìm đến Mọ Kọ, xin tham gia vào lực lượng khởi nghĩa của bà ngày một đông.

Tuy vậy, khi có khoảng 10.000 binh sĩ, nữ chúa rừng xanh lại vấp phải vấn đề thiếu vũ khí. Để giải quyết, Ka Nhòi thành lập những hội kín, vận động người dân quyên góp đồng xu để đúc mũi tên làm vũ khí, không nộp xâu cho Pháp.

Ông K'Điếp khẳng định, nhiều năm trước, khi đào hố trồng cà phê tại khu vực được xác định là cứ địa của nữ chúa Mọ Kọ, người dân đã phát hiện nhiều đồng xu. Đây có thể là vết tích việc nghĩa quân của vị nữ chúa đúc mũi tên năm nào.

Theo chị Ka Dès, nữ tướng Ka Nhòi có nhiều cách lạ để giúp binh sĩ, dân làng đánh giặc

Theo chị Ka Dès, nữ tướng Ka Nhòi có nhiều cách lạ để giúp binh sĩ, dân làng đánh giặc

Ngoài đúc mũi tên, nữ chúa Ka Nhòi tiếp tục quyên góp lương thực nuôi quân, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài. Mặt khác, bà lập nhiều kế sách để đánh giặc.

Một trong số này là việc dùng mỹ nhân kế để tiêu diệt sinh lực địch. Theo kế hoạch, bà cho các thiếu nữ K'Ho xinh đẹp ra suối tắm giặt để làm mồi nhử những tên lính Pháp háo sắc. Đợi những tên lính này đến gần, buông lỏng cảnh giác, binh sĩ của bà đã mai phục sẵn sẽ đổ ra tiêu diệt.

Chị Ka Dès (SN 1970, người gọi Mọ Kọ bằng dì) kể rằng, trước khi trang bị vũ khí hiện đại cho binh sĩ, nữ chúa rừng xanh bày cho người dân tạo ra nước ớt rồi đổ vào trong các ống thụt bằng tre. Khi lính Tây mất cảnh giác, dân làng, binh sĩ của bà sẽ xịt nước ớt vào mắt chúng rồi mới dùng giáo mác, cung tên tiêu diệt.

Mặc dù có sự chuẩn bị về tài chính lẫn vũ khí nhưng lực lượng của nữ chúa Ka Nhòi sớm bị địch phát hiện, bóp nghẹt. Sau khi phát hiện, thực dân Pháp đã tổ chức cuộc vây ráp quy mô lớn trong 7 ngày 7 đêm vào căn cứ của Mọ Kọ.

Lẩn khuất trong những mộ phần trên ngọn đồi thiêng phía sau đồng ruộng kia là nơi an nghỉ của nữ chúa rừng xanh huyền thoại Mọ Kọ

Lẩn khuất trong những mộ phần trên ngọn đồi thiêng phía sau đồng ruộng kia là nơi an nghỉ của nữ chúa rừng xanh huyền thoại Mọ Kọ

Cuối cùng, nữ chúa Ka Nhòi cùng toàn bộ ban tham mưu của nghĩa quân đều bị bắt. Tòa án thực dân đã kết án nữ tướng K’Ho Ka Nhòi 20 năm tù khổ sai và đày đi Côn Đảo.

Khi đế quốc Mỹ thay thực dân Pháp đàn áp trên chiến trường miền Nam, bà được đưa trở về đất liền, sống tại quê hương Đồng Đò cùng gia đình. Bà mất năm 1973 và được người thân chôn cất tại ngọn đồi thiêng phía sau căn nhà nơi bà sinh ra, lớn lên rồi đi vào huyền thoại như vị nữ chúa của cao nguyên Di Linh.

Đánh giá phong trào đấu tranh của nữ tướng Mọ Kọ, chủ biên sách Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng cho rằng, tuy nhuốm màu sắc thần bí, tôn giáo nhưng Mọ Kọ là phong trào chống Pháp có quy mô rộng lớn trong vùng các dân tộc ít người ở Lâm Đồng và Tây Nguyên trước khi có sự lãnh đạo của Đảng.

Hiện nay, người thân, dòng họ của nữ chúa Mọ Kọ vẫn sinh sống tại thôn Đồng Đò. Mỗi khi có dịp, họ lại kể về bà với niềm tự hào xen lẫn niềm hy vọng bà sớm có được tượng đài, mộ chí khang trang, xứng đáng với tên tuổi của một người đã đi vào huyền thoại.

Hà Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/huyen-thoai-nu-chua-rung-xanh-lam-dong-thu-phuc-binh-si-bang-loai-nuoc-than-bi-2250278.html