Huyền thoại tình báo kể chuyện thoát chết trong gang tấc

Ngoài những chiến công lừng lẫy nhờ sự mưu trí, huyền thoại tình báo Tư Cang cũng từng suýt sa lưới địch - điều không nhiều người biết.

“Con lại qua thăm ông à! Nay muốn nghe chuyện gì nữa đây?” - Ông Tư Cang hỏi khi thấy tôi lại nhà.

“Thì vẫn là chuyện tình báo của ông. Con muốn nghe hoài ạ!” - Tôi đáp.

Cứ thế, như các dịp may mắn khác trước đây, tôi lại được huyền thoại tình báo tái hiện lại những tình huống “nghìn cân treo sợi tóc” ở chiến trường năm xưa, qua lời kể…

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự trên toàn cõi Đông Dương được ký kết. Trong Hiệp định có một điều khoản là nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, sau hai năm, tức là đến năm 1956 sẽ tiến hành tổng tuyển cử trên toàn quốc để thống nhất nước nhà. Lực lượng vũ trang của ta tập kết ra phía Bắc vĩ tuyến 17, còn quân đội Liên hiệp Pháp rút toàn bộ về phía Nam.

Ở chiến trường Liên huyện của tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn, việc thực hiện việc ngưng bắn, tập kết quân đội là nhiệm vụ nặng nề. Tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn hồi đó còn gọi là tỉnh Bà - Chợ, gồm từ huyện Xuyên Mộc ở phía Đông cho đến Nhà Bè, rồi cả các huyện Cần Đước, Cần Giuộc. Ba huyện Nhà Bè, Cần Đước, Cần Giuộc thành một huyện của tỉnh Bà - Chợ, gọi là Liên huyện.

Một đêm cuối tháng 7/1954, huyện nhận được bức điện khẩn từ trên tỉnh, ra lệnh ngưng bắn trên toàn chiến trường. Bức điện nhấn mạnh, nhận được điện phải nghiêm chỉnh chấp hành ngay lập tức.

Theo Hiệp định Genève, lực lượng vũ trang các tỉnh miền Đông Nam bộ phải rời chiến trường, tập trung về Xuyên Mộc. Sau 80 ngày kể từ ngày ký hiệp định (20/7/1954), tàu thủy của Pháp chuyển lực lượng vũ trang ta ra miền Bắc.

Đồng chí Mười Tửu, lúc ấy là Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Chánh trị viên Huyện đội cho gọi ông Tư Cang (hồi đó lấy tên Quang) lên văn phòng Huyện ủy cử ông đến đồn Lý Nhơn thảo luận với sĩ quan Pháp để chúng cung cấp thuyền và bảo đảm cuộc chuyển quân về Xuyên Mộc được an toàn theo các điều khoản trong Hiệp định.

Huyền thoại tình báo Tư Cang ở tuổi 96.

Huyền thoại tình báo Tư Cang ở tuổi 96.

Mang chức trách Phó Trưởng Tiểu ban Quân báo tỉnh phụ trách Trưởng Tổ Quân báo Liên Huyện, cũng là người duy nhất nói được tiếng Pháp, ông Tư Cang nhận nhiệm vụ. Tuy nhiên, lòng ông vẫn thoáng lo lắng. Bởi thời điểm đó, bọn giặc Pháp đồn Lý Nhơn nổi tiếng ngoan cố, hung dữ, tàn bạo. Chúng có nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định như quân đội ta không, hay lại bất chấp làm càn là điều không ai dám chắc.

Có lẽ đoán được ý nghĩ của ông, Phó Bí thư Huyện ủy Mười Tửu trấn an bằng việc cho ông được tự do chọn hai chiến sĩ trong Tổ Quân báo đi cùng. Ba người sẽ không được trang bị vũ khí, cầm cờ tiến vào đồn địch để thảo luận.

“Nếu chúng nổ súng thì vẫn phải bình tĩnh đi tới. Phải thể hiện khí tiết lẫm liệt của người chiến sĩ Rừng Sác là không bao giờ có biểu hiện sợ sệt, không bao giờ chạy lùi trước sự uy hiếp của giặc”, ông Mười Tửu dặn thêm.

Ông Tư Cang hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ Huyện ủy giao. Chiều mai, ông sẽ cùng hai chiến sĩ được chọn xuôi theo con nước ròng xuống đồn Lý Nhơn. Hai chiến sĩ được ông chọn để đồng hành cùng nhiệm vụ cam go này là Mặn và Bờ. Cả hai đều to con, khỏe mạnh.

Trước khi khởi hành, nhiều anh em xúm lại góp ý cách ăn mặc của cả ba người. Tiêu chí trước tiên là phải đẹp, gọn gàng. Quần dài, áo sơ mi dài tay bỏ vào quần, thắt dây nịt lại đàng hoàng, ba người mang 3 đôi giày vừa vặn. Bởi ngày đó, giặc Pháp thường tuyên truyền Việt Minh trông ốm đói. Nên là, dịp này phải cho chúng thấy người chiến sĩ cách mạng Việt Nam to con, khỏe mạnh và ăn mặc đẹp như thế nào.

Ban chỉ huy huyện đội tổ chức bữa cơm tiễn đưa, nhiều món ngon để giành cũng được đem ra. Không ai nói ai, tự trong mỗi người đều biết nhiệm vụ lần này có thể một đi không trở lại.

Từ căn cứ huyện đội, men theo rạch Chàng Hảng, cả ba mất hơn hai ngày để chèo xuồng đến xã Lý Nhơn. Từ xa, cờ Pháp được cắm trên nóc đồn địch, như pháo đài khống chế cả vùng. Xuống khỏi xuồng, cả ba bước vào giữa ruộng lúa. Không sợ hãi, không ẩn nấp, Mặn đi đầu, tiếp đến là ông Tư Cang, sau cùng là Bờ, hiên ngang cầm cờ tiến tới đồn địch.

Còn cách đồn địch độ 300 mét, đúng tầm bắn chính xác của đại liên, trung liên, ông Tư Cang thấy nhiều tên lính cầm súng chạy lên tháp canh.

Không loại trừ khả năng xấu nhất, đạn có thể găm vào ngực bất cứ lúc nào, ông vẫn lệnh cho Mặn bước tự tin, đưa cao cờ hơn. Ông không quên chỉnh đốn hai chiến sĩ, mà có lẽ là tự chỉnh đốn mình: “Là chiến sĩ Rừng Sác, chúng ta chỉ có tiến lên, còn một người cũng dũng cảm tiến lên”.

Tuy nhiên, chỉ còn khoảng 100 mét nữa tới nơi, vẫn chưa xảy ra việc gì.

“Có chiếc xe hơi chạy ra”, Bờ nói ri rí trong cổ họng.

Một chiếc xe hơi nhỏ xuất hiện ngoài vòng rào. Đó là loại xe mà bọn chỉ huy quân đội Pháp thường dùng. Đến trước mặt ba chiến sĩ, chiếc xe dừng lại, ba tên sĩ quan Pháp không có vũ khí bước xuống.

Ông Tư Cang phấn khởi dặn Mặn và Bờ: “Ngon rồi đó, tụi bây! Tụi Tây có đưa tay ra bắt thì cứ mạnh dạn bắt tay, đừng rụt rè nghen. Mình là người chiến thắng, là những quân nhân lịch sự, có văn hóa. Hãy nhớ như vậy, đừng để tụi nó khinh”. Nói rồi, ông hiệu cho cả hai dừng lại. Mặn đứng sang một bên, chống cán cờ xuống đất, Bờ đứng ở bên còn lại.

Nhận ra ông Tư Cang là người chỉ huy, viên quan ba bước đến bắt tay, nở nụ cười tỏ vẻ thân mật: “Bonjour Monsieur!(Xin chào ông!)”. Ông Tư Cang đáp lại lời chào bằng tiếng Pháp và bước đến bắt tay hắn. Từng tên cũng vui vẻ bắt tay Mặn và Bờ. Đó cũng là lần đầu tiên hai chiến sĩ nông dân được sĩ quan Pháp thân thiện bắt tay với sự tôn trọng như thế.

Ông Tư Cang là Nguyên Cụm trưởng Cụm Tình báo H.63 - Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động, mở đường tiến đánh Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Ông Tư Cang là Nguyên Cụm trưởng Cụm Tình báo H.63 - Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động, mở đường tiến đánh Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Có lẽ vì gặp được các chiến sĩ, tên quan ba mừng quá nên tuôn một tràng dài: “Trời ơi! Hiệp định đình chiến đã được ký hơn một tuần rồi. Theo phổ biến của cấp quân khu, chúng tôi đi tìm các ông đã mấy bữa nay. Ngày nào chúng tôi cũng dùng ca nô loại nhỏ cắm cờ xanh, gắn thêm loa phóng thanh và gọi: Các ông Việt Minh ơi! Đình chiến rồi! Ngừng bắn rồi! Ra nói chuyện với nhau đi! Thế nhưng không nghe ai đáp lại, thật là buồn!”.

Ông Tư Cang bèn cười và nói lại: “Chúng tôi cũng được lệnh ngừng bắn, nếu không thì đã chấm điện cho thủy lôi nổ tan xác các ông rồi. Hôm nay, chúng tôi ra gặp các ông để cùng bàn bạc về phương tiện vận chuyển quân đội, về ngày giờ, địa điểm và lộ trình lực lượng chúng tôi tập kết về Xuyên Mộc”.

Tên quan ba mời ba chiến sĩ Việt Nam lên xe, chạy vào đồn.

Các hạ sĩ quan, binh sĩ người Pháp, người Việt chạy ùa ra sân. Không phải họ chạy ra để chào các ông mà là để được xem tận mắt những người lính Việt Minh trông ra sao. Trong tiếng xì xào, có nhiều tiếng kháo nhau rằng: “Trông họ khỏe mạnh, đẹp trai quá đi chớ; Xem họ có vẻ thân thiện chớ đâu có thù ghét gì tụi mình; Kìa! Họ nói được tiếng Tây tụi bây ơi!...”.

Ông Tư Cang mỉm cười và đưa tay vẫy chào mọi người. Bờ và Mặn cũng làm theo.

Vào đến phòng họp của chỉ huy. Một bàn dài hình bầu dục đặt ở giữa, 10 chiếc ghế xung quanh, trên tường treo rất nhiều bản đồ của Nam bộ, miền Đông và của chiến khu Rừng Sác, trên đó có nhiều dấu chấm và mũi tên màu đỏ, xanh.

Các ông ngồi một bên, hai sĩ quan Pháp và hai người Việt khác ngồi một bên, có thêm cả một người phiên dịch. Riêng trình độ tiếng Pháp của ông Tư Cang lúc ấy không cần phiên dịch.

Tấm bản đồ khu Rừng Sác tỷ lệ 1/25.000 được trải trên bàn. Ông Tư Cang trình bày: “Theo quy định của cấp trên thì chậm lắm là ngày 15/8/1954, toàn thể lực lượng vũ trang Rừng Sác phải có mặt ở khu tập kết Xuyên Mộc. Hôm nay đã là ngày 31/7. Vậy ngày 10/8, phía Pháp phải cho phương tiện vận chuyển đến đậu trên sông Vàm Sác. Bộ đội chúng tôi sẽ tập trung tại đó lên thuyền của các ông về Xuyên Mộc”.

“Các ông đi bao nhiêu người?”, tên sĩ quan hỏi.

“Bốn trăm!”, ông Tư Cang đáp.

“Vậy chúng tôi điều bốn chiếc ghe buồm là đủ. Mỗi chiếc có sức chứa chở trên 100 người”, sĩ quan Pháp ước chừng.

Để anh em được thoải mái hơn, ông Tư Cang đề nghị thêm một chiếc là năm, hắn đồng ý.

Nói xong, ông Tư Cang đứng dậy, cầm bút chì màu khoanh một điểm trên bản đồ, tiếp tục: “Đúng 11h ngày 10/8, năm chiếc ghe buồm của ông phải neo đậu thành hàng dọc tại điểm này”.

Lấy danh dự một sĩ quan quân đội Pháp, hắn hứa mọi điều ông nêu ra sẽ được thi hành đầy đủ và không quên mời cả ba ở lại dùng cơm trưa. Song ông Tư Cang từ chối.

Để chứng minh sự uy tín, tên sĩ quan Pháp cho lính chạy ca nô, kéo theo chiếc xuồng nhỏ mà ba chiến sĩ đi tới quay trở về Huyện đội. Ca nô mở máy chạy nhanh trên sông lớn, cây cờ xanh của Mặn được cột chặt trước mũi, phấp phới bay…

Giữa tháng 11/1968, có chỉ thị triệu tập ông Tư Cang (hồi đó là Cụm trưởng Cụm Tình báo H.63) về Phòng Tình báo để tổng kết rút kinh nghiệm về công tác tình báo phục vụ cho những đợt tấn công vào Sài Gòn vừa qua. Cô Tám Kiên - nữ giao thông viên của Cụm Tình báo H.63 phụ trách đưa ông về căn cứ trong chuyến này.

Sau khi dò đường, cô Tám Kiên xuống Sài Gòn báo với ông Tư Cang về lịch trình di chuyển. Cả hai sẽ theo đường 13 về Mỹ Phước, không thể qua ngõ Phú Hòa Đông vì bên đó giặc Mỹ đang hành quân. Họ sẽ khởi hành lúc 14 giờ 30. Mới quá trưa, còn đủ thì giờ chuẩn bị cho chuyến đi. Cô Tám Kiên qua chợ Bà Chiểu mua trái cây, kẹo bánh, nhang đèn để cả hai vào vai vợ chồng công chức từ Sài Gòn về dự đám giỗ ở quê.

Đúng giờ xuất phát, ông Tư Cang cầm tay lái, chở theo cô Tám Kiên trên chiếc Honda nữ màu đỏ sang trọng, chạy theo đường 13 rồi rẽ vào chợ Búng, qua Lái Thiêu, lên thị xã Thủ Dầu Một.

Qua khỏi thị xã Thủ Dầu Một, nhiều trạm kiểm soát dọc đường, nhưng nhìn qua “hai vợ chồng người công chức” ăn mặc lịch sự, có giỏ bánh trái treo bên xe nên bọn lính cho qua.

Còn cách Mỹ Phước khoảng 7 - 8 cây số, bỗng xuất hiện một tốp xe cảnh sát đỗ bên đường. Một đám lính vây quanh tên sếp, rục rịch lập trạm kiểm soát.

“Sao nhiều xe Jeep cảnh sát quá vậy?”, ông Tư Cang hỏi cô Tám Kiên.

“Hồi sáng em đi dò đường thì không có, chắc tụi này ở Sài Gòn mới lên”, cô Tám Kiên lo lắng.

“Vậy là trạm kiểm soát đột xuất. Gay go đây, nhưng cứ bình tĩnh xem như không có chuyện gì xảy ra!”, ông trấn an.

Một tên lính phóng ra mặt đường, lên đạn cây súng cạc bin, bước tới trước mặt hai người. Hắn đưa tay lên vành mũ, chào, rồi nói: “Xin lỗi, ông cho coi giấy!”.

Ông Tư Cang bình tĩnh đưa tay lên túi áo lấy ra một xấp nhiều loại giấy tờ, cố ý soạn cho tên lính thấy: Giấy phép lái xe, thẻ chủ quyền xe ô tô, gắn máy, và một số tờ hóa đơn trong Sài Gòn. Ông rút tấm thẻ kiểm tra và đưa cho nó.

Tên lính xem kỹ mặt trước rồi lật xem mặt sau. Bất ngờ nó cho tấm thẻ vào lòng bàn tay bóp mạnh rồi thả bung ra, rồi bóp vào thả ra như vậy mấy lần.

Hai năm trước, khi làm tấm thẻ kiểm tra giả để ông vào Sài Gòn công tác, đồng chí Tám Chứa - Trưởng ban kỹ thuật của Phòng Tình báo Miền nói rằng đã cố gắng hết sức để làm cho ông một thẻ thật giống của địch. Tuy nhiên, tờ giấy giả do mình làm vẫn còn những nhược điểm khó khắc phục.

Giấy thật của địch khi bóp vào, bung ra nghe rất êm. Còn của ta, khi bóp vào thì nghe tiếng “rạo”, buông bung ra hơi chậm so với giấy thật. Vậy nên, tốt nhất phải tránh để không bị xét giấy. Nếu bị xét thì mọi chuyện trông chờ vào sự bình tĩnh đối phó của người bị xét giấy.

Hơn hai năm qua, đi lại trong Sài Gòn với điệp viên Phạm Xuân Ẩn và Tám Thảo, với vẻ ngoài sang trọng của người công chức, ông Tư Cang chưa bị xét hỏi giấy tờ lần nào.

Sau hồi lâu bóp tấm thẻ nhiều lần, tên lính nhìn thẳng vào mắt ông Tư Cang, vừa nói vừa cười gằn: “Giấy này coi kỳ quá he!”.

Với giọng ôn tồn như không quan tâm, ông đáp: “Mấy ông cấp sao, tôi đi vậy chớ kỳ gì đâu”.

Tên lính đột nhiên đưa tờ giấy ra sau lưng, với cặp mắt hung dữ nhìn thẳng vào ông Tư Cang, tiếp tục hỏi: “Xin lỗi, ông thân ở nhà tên gì?”.

“Ba tôi hả? Nguyễn Văn Muốn”, ông đáp

Thật ra, lúc ban kỹ thuật làm giấy tờ giả cho ông đi Sài Gòn, đồng chí Tám Chứa có hỏi lấy tên cha là gì thì ông đã dự kiến đến tình huống này. Nếu lấy một tên lạ, khi bị địch hỏi bất chợt mình có thể quên. Mà quên thì sẽ có biểu lộ bối rối, vậy thì hỏng ngay. Cho nên, ông quyết định chọn tên cậu ruột của mình - Nguyễn Văn Muốn.

Tên lính vẫn chưa thôi, nó đưa tờ giấy lên xem kỹ một lần nữa rồi hỏi: “Xin lỗi, giấy cho ngày mấy?”

Dù nhớ rõ là ngày 13/7/1962, ông vẫn trả lời nửa vời: “Giấy được cấp đâu hồi giữa năm 1962, bây giờ ông hỏi ngày làm sao tôi nhớ!”.

Thật ra câu hỏi này của tên lính là một câu hỏi mẹo rất độc. Nếu lúc đó ông trả lời vanh vách đúng ngày, đúng tháng như đã ghi trong thẻ kiểm tra thì sẽ lập tức bị làm khó vì chỉ có người “gian” mới để tâm học thuộc lòng như vậy.

Cũng chính sắc thái rất tự nhiên này, dù đã phát hiện giấy giả nhưng tên lính vẫn còn đôi chút hoài nghi. Không chịu buông tha, nó cầm tờ giấy kiểm tra của ông vội vã quay vào trình cấp chỉ huy.

Trình độ kỹ thuật của tên sếp sĩ quan chắc chắn cao hơn tên lính. Hơn nữa, với chiếc máy vô tuyến điện có cần ăng-ten trên xe, hắn chỉ cần gọi về Tổng nha Cảnh sát ở Sài Gòn thì thật giả sẽ rõ ràng chỉ trong vài phút. Đồng nghĩa, ông và cô Tám Kiên sẽ lập tức bị bắt.

Tên lính bằng hai tay kính cần đưa tờ thẻ kiểm tra cho viên sĩ quan: “Thưa trung úy, tấm thẻ này coi kỳ quá, có nhiều khả nghi”.

Tên sĩ quan cầm tấm thẻ kiểm tra lật qua lật lại, sau đó đưa mắt về phía ông và cô Tám Kiên đang đứng. Sau khoảng 3 phút quan sát, hắn quát tên lính: “Người Sài Gòn giấy như vầy chớ kỳ cái gì. Trả cho người ta đi!”.

Tên lính có phần không phục song không giám ý kiến, chỉ biết “dạ”.

Hắn quay lại, chạy tới trước mặt ông Tư Cang và cô Tám Kiên, hai tay khúm núm đưa trả giấy và nói: “Xin lỗi ông, thôi ông đi”.

Ông cầm lấy tấm thẻ kiểm tra, bỏ vào túi áo và đáp với giọng kẻ cả: “Làm việc thì như vậy chớ lỗi phải gì”.

Nổ máy xe, cô Tám Kiên bước đến ngồi phía sau, choàng tay ôm qua hông ông y hệt đôi vợ chồng trẻ. Qua gương chiếu hậu, ông thấy tên lính buồn bã xách cây súng đi vào.

Sự việc diễn ra quá nhanh và bất ngờ. Cả ông và cô Tám Kiên đều tò mò lý do tên sĩ quan thả mình đi một cách dễ dàng như vậy, bởi tấm thẻ giả là thứ không thể nào một tên sĩ quan không nhận ra.

Đến bây giờ, khi kể lại sự kiện này, ông Tư Cang nói bản thân vẫn chưa biết nguyên nhân năm ấy tên sĩ quan thả mình đi.

“Có qua nhiều lý do để đoán. Đại loại như, sĩ quan ngụy nhưng chưa chắc là một tên ác ôn thâm thù Việt Cộng, do hoàn cảnh sao đó nên mới phải gia nhập phe kia. Hay là, mang lon sĩ quan ngụy nhưng có khi là người của tổ chức cách mạng cài vào, điệp viên hoàn hảo chẳng hạn… Đấy là phỏng đoán, còn muốn biết lý do chính xác thì chỉ có cách gặp lại được viên sĩ quan ngày đó mà hỏi thôi”, ông Tư Cang trầm ngâm.

Ông Tư Cang tên thật là Nguyễn Văn Tàu, 96 tuổi. Ông là Đại tá tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, Nguyên Cụm trưởng Cụm Tình báo H.63 - Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động, mở đường tiến đánh Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Ông là người đã sát cánh với “điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn trong những năm tháng lịch sử gian nan, ngặt nhèo nhất. Ông cũng chính là người đã cứu nhà tính báo huyền thoại Mười Hương ra khỏi ngục tù của chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/huyen-thoai-tinh-bao-ke-chuyen-thoat-chet-trong-gang-tac-ar893133.html