Huyện Thường Tín phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao năm 2024
Để phấn đấu với mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024, ngay từ đầu năm, cán bộ và nhân dân trên toàn địa bàn huyện Thường Tín đang nỗ lực gấp rút để hoàn thành các tiêu chí.
Về huyện Thường Tín hôm nay, diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, minh chứng cho thành quả thực hiện xây dựng nông thôn mới của huyện những năm qua. Nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đang chuyển mình theo chiều sâu chất lượng, đời sống người dân ngày một nâng cao; kinh tế - xã hội, văn hóa phát triển toàn diện.
Đến nay, huyện Thường Tín đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 là các xã: Hồng Vân, Hà Hồi, Nhị Khê.
Đồng chí Bùi Công Thản - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Thường Tín, cho biết, thời gian qua, huyện đã quyết liệt chỉ đạo Phòng Kinh tế cùng cơ quan chuyện môn đôn đốc, hướng dẫn 4 xã: Tự Nhiên, Thắng Lợi, Hòa Bình, Văn Tự hoàn thiện và phấn đấu hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào quý I/2024. Phấn đấu hết quý II/2024, toàn huyện có ít nhất 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 50% tổng số xã trên toàn địa bàn.
Đồng thời, UBND huyện còn rà soát kết quả đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao đối với 2 xã Văn Bình và Vạn Điểm (2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020) bảo đảm đạt yêu cầu của bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ đối với các xã Tự Nhiên, Thắng Lợi, Hòa Bình, Văn Tự để thời gian tới hoàn thành hồ sơ nông thôn mới nâng cao. Như vậy sẽ có 17/28 xã đạt nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ 60,71%.
Ông Từ Đức Mạnh - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín, cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Thường Tín đã và đang đi vào chiều sâu với sự đổi thay toàn diện, thực tiễn. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều vùng chuyên canh rau, lúa, thủy sản, cây ăn quả... mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao nguồn thu nhập và đời sống cho người dân địa phương.
Điển hình là vùng chuyên canh lúa hàng hóa tập trung tại các xã: Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã: Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại các xã: Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại các xã: Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến. Đặc biệt, toàn huyện có 6 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình liên kết tạo chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển, tạo sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.
Một trong những điểm nổi bật khác của huyện Thường Tín là hệ thống đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, xóm... đều đã được thảm nhựa, bê tông hóa, đạt 100%; hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm, phòng học cấp bốn dột nát; 79 trường học của huyện đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Một trong những định hướng phát triển và cho thấy thành công đặc biệt của huyện là bảo tồn các giá trị văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là bảo tồn giá trị văn hóa, với các công trình tiêu biểu như: Văn Từ Thượng Phúc - Nơi thờ phụng, vinh danh 68 Nhà khoa bảng của huyện Thường Tín; Khu Lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi…
Với mục tiêu đề ra, năm 2025 huyện phấn đấu sẽ về đích đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Do vậy, hiện nay cả hệ thống chính trị của huyện đang tăng tốc hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, nâng cao hơn nữa tiêu chí đã đạt. Tập trung lãnh đạo, điều hành toàn diện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, không có điểm kết thúc.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện; đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và dịch vụ. Nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm nhằm thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các khâu đột phá của huyện…