Phát triển công nghiệp văn hóa ở làng gốm Bát Tràng

Trong bối cảnh Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, các làng nghề truyền thống cũng đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, trong đó có làng nghề gốm Bát Tràng nổi tiếng.

Những nghệ nhân và người thợ của làng gốm Bát Tràng đã và đang nỗ lực đẩy mạnh xây dựng nơi này trở thành một làng nghề truyền thống độc đáo, một điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội.

Trong đó, có những buổi nghệ nhân hướng dẫn trực tiếp cho các em học sinh làm gốm. Đây có lẽ là một trong những trải nghiệm thú vị đối với các du khách khi đến làng nghề làm gốm truyền thống Bát Tràng.

Chị Đỗ Thị Thanh Thủy ở quận Long Biên, Hà Nội, cho biết: "Hôm nay khi bước vào đây, mình có cảm nhận đầu tiên là không gian rất lạ, khác hoàn toàn so với các điểm vui chơi khác mà mình từng đi".

Với nét kiến trúc độc đáo, cùng không gian tinh hoa của nghề làm gốm, bảo tàng gốm Bát Tràng đã đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Anh Nguyễn Hồng Thông, sinh viên Đại học Công nghiệp, Hà Nội, cho biết: "Mình thấy ở đây được tự mình trải nghiệm làm những vật dụng hàng ngày như bát ăn cơm, bình hoa,... từ gốm và được các nghệ nhân hướng dẫn tận tình rất vui. Những không gian sáng tạo như này nên được bảo tồn nhiều hơn".

Làng gốm sứ Bát Tràng là nơi chứa đựng lịch sử và gìn giữ những giá trị văn hóa lâu đời của các thế hệ cha ông. Trải qua hàng trăm năm, các thế hệ con cháu của các gia đình trong làng gốm Bát Tràng vẫn luôn trân trọng, lưu giữ, tiếp nối và phát triển nghề làm gốm, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, thông qua những tác phẩm gốm truyền bá văn hóa đến du khách trong và ngoài nước.

Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn (làng gốm Bát Tràng, Hà Nội) chia sẻ: "Ngoài định hướng kết hợp truyền thống và nghệ thuật đương đại, Bát Tràng sẽ trở thành một làng nghề sản xuất và du lịch, tôi thấy đây là tín hiệu rất là tốt".

Để phát triển du lịch làng nghề truyền thống gắn với xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa ở làng nghề, thành phố Hà Nội tạo điều kiện, hỗ trợ các nghệ nhân giữ lại nghề truyền thống, giữ lại những ngôi nhà có kiến trúc cổ và sưu tầm các sản phẩm, hiện vật lịch sử để trưng bày và giới thiệu tới du khách.

Tiến sĩ văn hóa Phạm Ngọc Dũng cho hay: "Bát Tràng là làng nghề có sức sống mạnh mẽ và có thể thích ứng nhanh chóng với lịch sử để tồn tại với thời gian".

Còn theo ông Phạm Huy Khôi, chủ tịch UBND xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội: "Hiện nay, chúng tôi vẫn thực hiện theo Đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch của Chính phủ. Bát Tràng sẽ trở thành một trong những điểm du lịch tiêu biểu để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, để làm sao làng gốm Bát Tràng sẽ trở thành một điểm nhấn của du lịch Thủ đô".

Việc phát triển du lịch làng nghề truyền thống gắn với xây dựng phát triển công nghiệp văn hóa ở các làng nghề được xác định là hướng ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch Thủ đô. Những lợi ích của việc phát triển du lịch làng nghề truyền thống không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, giải quyết nguồn lao động địa phương, hơn thế còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa.

Đặng Công Sơn

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-o-lang-gom-bat-trang-300212.htm