Cho ta tìm lại tháng năm xưa
BPO - Lần gần nhất tôi về quê đón tết cách đây đã 13 năm. Đó là cái tết mà tôi thấy mình như được quay trở về, tìm lại được tháng năm xưa, với những yêu thương, ngọt ngào thời thơ bé... Những kỷ niệm của ngày tết quê hương một thuở tuy đơn sơ nhưng vô cùng ấm áp vẫn neo giữ trong lòng người xa xứ như tôi. Nhìn én bay qua đầu ngõ, trong lòng tôi mùa xuân như nở ngập, ngày thơ vẫn đẹp vô cùng.
Tuổi thơ quây quần bên gia đình, người thân trong những ngày tết luôn là kỷ niệm đẹp với mỗi người - Ảnh: Trương Hiện
Còn nhớ những ngày tháng Chạp ở quê tôi trước đây, hầu như nhà nào cũng tự làm bánh để sử dụng và mời khách, không chỉ làm một, hai loại mà rất nhiều loại, rất phong phú. Đã ở tuổi trung niên, nhưng trong tôi như vẫn vẹn nguyên vị ngọt ngào của bánh tết, từ bánh nổ, bánh thuẫn, bánh mì xốp, bánh in, mè cây - bánh bảy lửa… đến mứt bí, mứt dừa, mứt gừng,… Người dân làng tôi thường đem những thứ tự sản xuất được như rau cải, rau lang, khoai lang, chuối... đến chợ huyện để bán lấy tiền mua nguyên liệu làm nên những món bánh, mứt.
Một món ăn rất đặc trưng của ngày tết quê tôi là bánh tét. Ngày 30 tết, nhà nhà đều nấu bánh tét. Khi người lớn gói bánh, trẻ nhỏ ngồi bên cạnh để xem, để học gói những chiếc bánh nhỏ và để được sai vặt. Nồi bánh được bắc lên bếp lửa, chúng tôi lại thức cùng ông bà, cha mẹ trông bếp. Thời gian đợi chờ bánh chín từ 8-10 tiếng đồng hồ, lũ chúng tôi dù có ngủ gà ngủ gật cũng không chịu vào giường mà nhất quyết đợi đến giờ vớt bánh, để hít hà cái mùi thơm lừng và thưởng thức thành quả của mình là những cái bánh nho nhỏ, xinh xinh. Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, bên bếp lửa hồng chờ bánh chín, với những câu chuyện không đầu không cuối mang đến cảm giác ấm áp và đậm vị tết.
Món bánh tét không được tròn vị nếu thiếu dưa món ăn kèm. Nguyên liệu để được giòn ngon, phải phơi nắng. Quê tôi tháng Chạp thường mưa phùn kéo dài nên việc làm dưa món cũng lắm công phu. Thỉnh thoảng có được buổi trưa nắng yếu, má tôi tranh thủ đem phơi những nguyên liệu để làm dưa món. Trên chiếc nia tròn kê cao ở giữa sân, được trải đều nào là củ kiệu, cà rốt, đu đủ... xắt hình con cờ tứ sắc, tạo nên một bức tranh đầy màu sắc, khiến ai nhìn thấy đều có cảm giác tết đã về.
Cô kể em nghe về sự phong phú, nét đẹp văn hóa tết Việt - Ảnh:Trương Hiện
Tuổi lên năm, lên mười, đứa trẻ nào cũng thích tết và tôi cũng không ngoại lệ. Ngày tết, tôi thường được má mua cho quần áo mới, được ăn ngon, được vui chơi thỏa thích. Chiều ba mươi tết, cảm giác vui buồn xen lẫn trong tôi. Lòng tôi háo hức với không khí tết ngập tràn bởi “liễn đỏ nghênh xuân dán khắp nhà”, mùi hương bánh mứt dậy lên, hoa rực thắm khắp nơi... Nhưng trong tôi cũng thoáng chút thẫn thờ ngày vui qua mau khi nghe má nói chiều mồng 3 xem như đã hết tết.
Ngày xưa, người lớn quê tôi thường nói: “Có nghèo cũng ba bữa tết, có hết cũng ba ngày mùa”. Những nông sản như lúa, hoa màu được làm ra vừa để dùng trong gia đình nhưng cũng là nguồn thu nhập chính trang trải các khoản chi tiêu, vì thế việc sử dụng hầu như rất tiết kiệm. Thế nhưng vào mùa thu hoạch thì người dân được phép nới tay hơn, ăn uống thoải mái hơn một chút. Tương tự, dù cuộc sống còn nghèo khó nhưng ngày tết đến, nhà nào cũng cố gắng sắm sửa tươm tất, để mọi người trong gia đình, đặc biệt là những đứa trẻ được ăn ngon, mặc đẹp, được vui chơi.
Những tháng năm học cấp 3, tôi đón tết với tâm trạng phơi phới. Ngoài những người bạn trong xóm, tôi còn có thêm những người bạn ở trường huyện, nhờ thế thời gian chơi tết cũng được kéo dài hơn, điểm chơi tết cũng được mở rộng hơn, khi được đến thăm nhà của nhiều người bạn mới. Có năm, những ngày tết có mưa, chúng tôi bì bõm lội bùn lầy, che dù đi chơi tết, vừa đi vừa hát nghêu ngao, nô đùa như chưa bao giờ được vui chơi tết.
“Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng 3 tết thầy”. Ghi nhớ và làm theo lời dạy của người xưa, bạn bè cùng lớp chúng tôi thường tập trung ở sân trường và lần lượt đến thăm, chúc tết thầy, cô giáo vào ngày mồng 3. Bên bánh mứt tết và chén trà xuân, chúng tôi ngồi nghe thầy cô kể bao điều hay, ý nghĩa về tết cổ truyền của dân tộc, có cả kỷ niệm về ngày tết những năm tháng chiến tranh, đầy gian khổ. Qua lời kể của thầy, cô, chúng tôi hình dung được không khí đón tết của những năm tháng đất nước chiến tranh và cảm nhận được rằng tết trong thanh bình thật hạnh phúc biết bao.
Ở tuổi mười tám đôi mươi, tôi đón xuân về, tết đến với tâm hồn rạo rực khi nhìn hình ảnh những chú ong, chú bướm tung tăng, đậu trên cành lá, trên những nụ hoa xuân; lòng cũng bồn chồn, tiếc ánh nắng xuân tắt dần vào những buổi chiều quê. Sau những ngày tết gặp gỡ, vui chơi, những người bạn học thời áo trắng tỏa đi khắp nơi. Đứa tiếp tục chuyện đèn sách nơi giảng đường đại học, đứa sớm bôn ba tìm kế sinh nhai. Chúng tôi thường ngâm nga những câu thơ của thi sĩ Nguyễn Bính khi bạn bè tiễn đưa nhau trên sân ga: “Những chiếc khăn màu thổn thức bay/Những bàn tay vẫy những bàn tay/Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt/Buồn ở đâu hơn ở chốn này?”. Ghì siết tay nhau, chúng tôi lại hẹn gặp vào mùa xuân sau.
…Tháng Chạp trôi dần về những ngày cuối, không khí tết càng lan tỏa khắp trong nhà, ngoài ngõ. Tuổi 50, tôi đón tết với niềm vui phơi phới trên quê hương mới Đồng Xoài, Bình Phước. Vậy nhưng, ký ức tết xưa vẫn còn đó, vẫn nao nao nhớ về những ngày thơ ấu, những ngày tết thật là tết. Lòng tôi thầm nghĩ, nhất định sẽ về thăm lại quê hương, thăm lại dòng sông, con đường cũ; sống lại với tết của tuổi thơ khi mùa xuân đơm hoa trước ngõ và cùng bạn bè tìm lại những năm tháng thanh xuân.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/168372/cho-ta-tim-lai-thang-nam-xua