Huyện Triệu Sơn với giải pháp xây dựng nông thôn mới

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Triệu Sơn tập trung tuyên truyền với nội dung đa dạng, phong phú thông qua các hội nghị của xã, thôn, các buổi sinh hoạt chi bộ; thông qua hệ thống truyền thanh, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi; pa-nô, áp-phích; tổ chức các đợt tham quan học hỏi kinh nghiệm tại một số địa phương. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn, trong đó, chú trọng duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM; phát triển các sản phẩm OCOP; hướng dẫn thực hiện công tác giữ gìn và bảo vệ môi trường trong XDNTM. Đi đôi với đó, huyện tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân và coi đây là chìa khóa để XDNTM trên địa bàn...

Trang trại nuôi ốc nhồi, trồng cây cảnh ở xã Vân Sơn đạt hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản được nâng cao hàng năm, năm 2020 đạt 125 triệu đồng/ha. Toàn huyện đã tích tụ, tập trung được 370 ha đất để sản xuất; diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đạt 2.300 ha. Các mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm được hình thành và phát triển; huyện đã chỉ đạo xây dựng được 350 ha liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến hết tháng 2-2021, UBND huyện đã triển khai, thực hiện có hiệu quả 11 mô hình phát triển sản xuất, với tổng vốn đầu tư 11,25 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 1,28 tỷ đồng. Những mô hình có giá trị kinh tế cao, như: dưa vàng trong nhà lưới tại hai xã Vân Sơn và Minh Sơn; quất cảnh, đào cảnh tại xã Hợp Thành; mít Thái tại xã Hợp Lý; nấm ăn, nấm dược liệu công nghệ cao tại xã Triệu Thành... Hiện nay, trên địa bàn đã có 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao (chè sạch Bình Sơn, mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất) của HTX nông - lâm nghiệp Bình Sơn... Huyện đã tập trung thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp, tạo việc làm và nâng cao đời sống người lao động. Trên địa bàn huyện hiện có 381 doanh nghiệp đang hoạt động (trong đó có 6 doanh nghiệp FDI, giải quyết việc làm cho khoảng 9.000 lao động, với thu nhập ổn định); 4 làng nghề sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp, với 450 hộ tham gia; 6.561 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ ở khu vực nông thôn. Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên, từ đó có điều kiện thuận lợi để huy động nguồn lực XDNTM. Từ khi triển khai đến hết tháng 2-2021, tổng nguồn vốn huy động XDNTM là 7.556,8 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương, tỉnh 1.019,29 tỷ đồng, chiếm 13,5%; ngân sách huyện 494 tỷ đồng, chiếm 6,5%; ngân sách xã 342,2 tỷ đồng, chiếm 4,5%; vốn tín dụng 182,93 tỷ đồng, chiếm 2,4%; vốn doanh nghiệp 563,85 tỷ đồng, chiếm 7,4%; vốn lồng ghép 282,05 tỷ đồng, chiếm 3,7%; vốn Nhân dân đóng góp và từ các nguồn khác 4.672,46 tỷ đồng, chiếm 62%. Từ nguồn vốn huy động, huyện, các xã triển khai đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 209,8 km đường liên xã, 616,9 km đường trục thôn, 256 km đường ngõ xóm, 186 km đường nội đồng. Đồng thời, kiên cố, sửa chữa, nâng cấp 320 km kênh mương nội đồng; 18 hồ đập, 33 km đê; xây mới 4 trạm bơm. Xây dựng, sửa chữa 30 trạm y tế; xây dựng mới 13 công sở, 28 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 118 nhà văn hóa thôn, 285 cổng làng và cổng chào. Đầu tư nâng cấp, lắp đặt mới 18 km đường dây trung áp, 40 km đường dây hạ áp, 22 trạm biến áp với tổng công suất 5.500 KVA. Xây mới và nâng cấp 272 phòng học (mầm non 78 phòng, tiểu học 118 phòng, THCS 76 phòng). Nâng cấp, cải tạo 10 chợ; xây dựng, chỉnh trang 15.625 nhà ở dân cư và 11.613 công trình nhà vệ sinh, nước sinh hoạt... Đến nay, có 143/143 cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận là cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa; có 32/32 xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa NTM; có 229/229 thôn (sau sáp nhập) được công nhận danh hiệu thôn văn hóa. Hoạt động thể thao, văn nghệ quần chúng tiếp tục được duy trì; các lễ hội truyền thống được chỉ đạo triển khai đúng quy định. Đến nay, có 91/108 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 84,3% ở cả 4 cấp học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực của hệ thống y tế cơ sở được tăng cường đầu tư, nhất là các xã. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở thời điểm hiện tại đạt 95%. Hoạt động bảo vệ và phát triển môi trường nông thôn ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các điểm nóng về môi trường và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã được kiểm tra và xử lý kịp thời. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bảo đảm theo quy định, đạt hơn 85%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 96,4%. Trên địa bàn huyện không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình XDNTM. Đến hết tháng 2–2021, toàn huyện có 27/32 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 84,3% tổng số xã trên địa bàn; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Triệu Sơn đã hoàn thành 6/9 tiêu chí NTM cấp huyện, gồm các tiêu chí: Giao thông, thủy lợi, điện, sản xuất, an ninh trật tự xã hội, chỉ đạo XDNTM.

Thời gian tới, huyện Triệu Sơn phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM (hoàn thành 32/32 xã đạt chuẩn NTM năm 2021, huyện đạt chuẩn huyện NTM năm 2022); có thêm 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 15 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, 15 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên.

Đồng chí Mai Nhữ Thắng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn, cho biết: Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ban, các xã, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ XDNTM. Mục tiêu phát triển kinh tế, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người dân; đồng thời, Nhân dân làm chủ thể để XDNTM bền vững. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM huyện, giai đoạn 2020–2025 và các tổ công tác theo nhiệm vụ đã được phân công. Gắn trách nhiệm của các thành viên ban chỉ đạo, cán bộ chỉ đạo cơ sở, thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị có liên quan của huyện đối với việc hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở các xã... Tập trung xây dựng, hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí NTM cấp xã và các tiêu chí huyện NTM. Đi đôi với đó, huyện tiếp tục tập trung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, nâng cao chất lượng về văn hóa, xã hội và môi trường... Thực hiện tốt quy chế dân chủ, huy động các nguồn lực trong Nhân dân, các thành phần kinh tế để XDNTM. Rà soát lại các cơ chế, chính sách đã ban hành, điều chỉnh, bổ sung phù hợp nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; trong đó, chú trọng các cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân... Thực hiện công khai cơ cấu các nguồn kinh phí đầu tư đối với các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để người dân thảo luận, tự nguyện tham gia hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để XDNTM. Ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, Nhân dân trên địa bàn, huyện Triệu Sơn mong được sự quan tâm của tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Bài và ảnh: Xuân Hùng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-trieu-son-voi-giai-phap-nbsp-xay-dung-nong-thon-moi/133384.htm