Huyện ủy Văn Bàn tăng cường lãnh đạo hoạt động hội phụ nữ
Theo đồng chí Trần Thị Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Bàn, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác phụ nữ, bình đẳng giới nhằm hướng các hoạt động của hội phụ nữ đi vào thực chất. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của các cấp ủy đảng, đặc biệt là triển khai thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác phụ nữ trong tình hình mới, Huyện ủy Văn Bàn thường xuyên chỉ đạo xây dựng, củng cố tổ chức hội và hoạt động phong trào, tạo thuận lợi nhất để phụ nữ tham gia.
Trước hết là lãnh đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ làm căn cứ cử đi đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, sử dụng. Trong quy hoạch, huyện thực hiện nguyên tắc bình đẳng, quan tâm các xã vùng cao khó khăn có tỷ lệ cán bộ nữ thấp, giúp cán bộ nữ tự tin phát huy ưu điểm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Huyện ủy Văn Bàn lãnh đạo, chỉ đạo và tạo thuận lợi nhất để các cấp hội phụ nữ tổ chức hoạt động, phát động nhiều phong trào thi đua với phương châm hướng mạnh về cơ sở. Tiêu biểu như các phong trào thi đua: “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình, thôn, bản văn hóa, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, xóa đói, giảm nghèo”… Nhờ đó, các phong trào thi đua do Hội Phụ nữ huyện phát động đã nhận được sự tham gia tích cực của hội viên trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Mơ, hội viên phụ nữ thôn Pắc Sung, xã Khánh Yên Hạ là một ví dụ. Hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển kinh tế do địa phương và Hội Phụ nữ xã phát động, bà Mơ đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Trước đây, gia đình bà phát triển kinh tế theo hướng tự cấp, tự túc, không chú trọng đưa giống có năng suất cao vào canh tác. Từ năm 2015 đến nay, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi tại xã, bà đã đầu tư chăn nuôi với quy mô đàn lên tới 20 con bò và hơn 500 con gà. Diện tích đất đồi quanh nhà được bà quy hoạch trồng 500 gốc bưởi Diễn. Gia đình bà còn nuôi cá các loại với diện tích mặt nước hơn 5 sào. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình bà Mơ để ra hơn 200 triệu đồng.
Hoặc gia đình hội viên Vi Thị Quý ở thôn Liêm, xã Liêm Phú, những năm trước chỉ canh tác lúa, thu nhập ổn định nhưng không cao. Hưởng ứng phong trào thi đua “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh”, năm 2019, bà Quý quyết định nuôi thử nghiệm con tằm giống. Để có nguồn thức ăn ổn định cho tằm, bà chuyển đổi 1 ha đất cấy lúa sang trồng dâu lấy lá. Hiện nay, gia đình bà nuôi hơn 50 nong tằm giống, trung bình cứ 10 - 12 ngày xuất 1 lứa tằm giống ra thị trường, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng thu về hơn 10 triệu đồng. Cùng với nuôi tằm giống, gia đình bà Quý còn nuôi hơn 30 con lợn, gần 100 con gà, 5 con bò và đào ao thả cá. Toàn bộ 5 ha đất đồi của gia đình được vợ chồng bà quy hoạch trồng xoan, bồ đề và quế. Từ các nguồn thu, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà Quý để ra khoảng 200 triệu đồng...
Không chỉ làm tốt việc phát động và triển khai các phong trào thi đua, nhờ những chỉ đạo sát sao, kịp thời của Huyện ủy, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Phụ nữ huyện Văn Bàn tạo được nhiều dấu ấn tiêu biểu trong công tác an sinh xã hội. Có thể kể đến Dự án “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ gai xanh AP1 trên địa bàn huyện Văn Bàn do phụ nữ làm chủ” giúp hơn 1.000 hội viên phụ nữ có thu nhập từ cây trồng mới này. Đặc biệt, Hội Phụ nữ huyện còn tổ chức “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”, hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu cho 2 sản phẩm OCOP là “Bánh chưng đen Văn Bàn” và “Tương ớt Khánh Yên Thượng”.
Đây cũng là tổ chức hội phụ nữ cấp huyện đầu tiên và duy nhất trong tỉnh phối hợp với lực lượng công an, tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân cùng cấp tổ chức Diễn đàn “Chung tay hành động vì an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, ký kết chương trình phối hợp đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2019 - 2020.
Thông qua các phong trào thi đua, hội viên phụ nữ trong huyện đã đóng góp vào kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020. Toàn huyện hiện có 11/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 27 thôn nông thôn mới, 9 thôn kiểu mẫu; thu nhập bình quân người dân/năm đạt hơn 45 triệu đồng; có 14 sản phẩm được công nhận OCOP (Hội Phụ nữ huyện xây dựng 2 sản phẩm).
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy và Hội Phụ nữ tỉnh, hằng năm, Hội Phụ nữ huyện Văn Bàn luôn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, được các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen. 100% nhóm chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đạt, trong đó có 2/3 chỉ tiêu vượt cao so với mục tiêu.