Huyện Yên Thủy chỉ đạo sát các biện pháp phòng chống thiên tai

Năm 2024, huyện Yên Thủy sớm kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) các cấp, triển khai các phương án PCTT-TKCN sát với thực tế nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Năm 2024, huyện Yên Thủy sớm kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) các cấp, triển khai các phương án PCTT-TKCN sát với thực tế nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hiện tại, nguồn nước tại hồ Ngọc Lương 1 đạt khoảng 40% dung tích thiết kế, đáp ứng 50% diện tích gieo trồng trên địa bàn.

Năm 2023, trên địa bàn huyện dù không có thiệt hại về người, tuy nhiên mưa lũ đã gây thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng do sạt lở đường giao thông, một số hộ bị hư hại nhà cửa, hư hỏng công trình tại địa bàn các xã: Lạc Sỹ, Bảo Hiệu, Yên Trị, Ngọc Lương… Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện chưa ghi nhận thiệt hại lớn do thiên tai gây ra.

Đồng chí Bùi Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy cho biết: Thực hiện phương châm "4 tại chỗ”, Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về PCTT, mưa lũ; chủ động huy động lực lượng, phương tiện, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hai do thiên tai gây ra, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân. Hiện nay, các đoàn công tác của Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các phương án PCTT.

Huyện đã rà soát, xác định những khu vực trọng điểm có nguy cơ thiên tai để có phương án chỉ đạo phù hợp. Trong đó trên địa bàn huyện có 1 vị trí đê xung yếu (tuyến đê Yên Trị); tuyến đê sau tràn lái lũ xã Ngọc Lương. Huyện quản lý 47 hồ chứa; hiện có 21 công trình cần xây dựng, sửa chữa do thiên tai gây ra gồm 12 công trình hồ đập, 4 công trình đê điều, 3 công trình kè, cống, 2 công trình ngầm tràn và công trình PCTT. Các hồ chứa thủy lợi có nguy cơ mất an toàn hoặc xả lũ ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du đã được xác định cụ thể là hồ Sung, thị trấn Hàng Trạm; hồ Ngọc Lương II, xã Ngọc Lương; hồ Sòng Nước, xã Bảo Hiệu; hồ Trác, xã Lạc Thịnh…

Các xã trọng điểm thường xuyên bị ảnh hưởng các loại hình thiên tai rét đậm, rét hại, mưa đá, gồm: Lạc Sỹ, Lạc Lương, Đa Phúc, Bảo Hiệu, Hữu Lợi. Theo rà soát của Phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy, hiện nay mực nước sông suối và mực nước tại các hồ, đập cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm. Mực nước tại các hồ đập đạt khoảng 40% so với dung tích thiết kế, một số hồ chứa do địa chất, rò rỉ nên mực nước thấp hơn như hồ Quèn Nhạ, hồ Đầm Sống, xã Phú Lai; hồ Hang, xã Đa Phúc; hồ xóm Hồng, xóm Đầm, xã Bảo Hiệu...

UBND huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với các xã, thị trấn rà soát toàn bộ hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai, phân loại đối tượng thiên tai và xác định hình thức bố trí sắp xếp dân cư. Theo đó, xác định toàn huyện có trên 800 hộ bị ảnh hưởng do thiên tai gồm: đối tượng nằm trong khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở 110 hộ; nằm trong khu vực nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét 54 hộ; nằm trong khu vực nguy cơ xảy ra ngập úng 659 hộ. Từ đó chỉ đạo phương án di dời, sơ tán người dân khi có thiên tai, mưa lũ xảy ra. Huyện đã xây dựng phương án bố trí ổn định dân cư bằng hình thức di chuyển xen ghép 92 hộ; bố trí ổn định tại chỗ 731 hộ. Để đảm bảo an toàn các hồ đập, huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ sửa chữa, nạo vét các hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống công trình thủy lợi từ các công trình đầu mối đến kênh mương nội đồng (đặc biệt là các tuyến kênh mương sau dồn điền, đổi thửa chưa được kiên cố còn nhiều); xây dựng và nâng cấp các tuyến đê trên địa bàn, gồm: tuyến đê sau hồ Ngọc Lương, tuyến đê Thanh Bình, tuyến đê Nam Thái, xã Đoàn Kết; sửa chữa, nâng cấp hồ Bèo, xã Đa Phúc, hồ Bai Ấm, xã Hữu Lợi... Bố trí kinh phí thực hiện các dự án bố trí ổn định dân cư theo hình thức xen ghép đối với xã Bảo Hiệu, Lạc Sỹ, kinh phí dự kiến 2,06 tỷ đồng...

Huyện Yên Thủy chỉ đạo các tổ công tác, thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS các cấp rà soát các kịch bản, phương án PCTT, mưa lũ; tiếp tục đánh giá các nguy cơ, vị trí xung yếu, nhất là các khu vực sạt lở, ngập úng để có sự chỉ đạo sát và hiệu quả; theo dõi sát diễn biến thời tiết, phân công lực lượng tổ chức ứng trực, canh gác tại các vị trí ngầm tràn, khu vực ngập úng khi có mưa to để hướng dẫn điều tiết giao thông; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, vật liệu dự phòng di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hai do thiên tai gây ra.

L.C

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/190454/huyen-yen-thuy-chi-dao-sat-cac-bien-phap-phong-chong-thien-tai.htm