HV Chính sách và Phát triển: Thu từ NCKH đạt 2% còn nhiều tiêu chí vượt chuẩn
Năm 2023, thu từ học phí chiếm đến 75% tổng thu, trong khi đó, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ chiếm khoảng 2% tổng thu.
Theo thông tin trên website, Học viện Chính sách và Phát triển được thành lập theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 04/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Học viện Chính sách và Phát triển định hướng trở thành trường đại học có uy tín trong hệ thống giáo dục quốc dân về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn và phản biện chính sách vĩ mô.
Học viện xác định sứ mạng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao về lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, quản lý, quản trị, luật và chính sách phát triển, có tư duy năng động, sáng tạo, đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế; nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, bồi dưỡng tư vấn và phản biện chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành kế hoạch và đầu tư của đất nước.
Tầm nhìn đến năm 2045, học viện trở thành đại học định hướng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, thuộc nhóm các trường hàng đầu tại Việt Nam, có uy tín trong khu vực và quốc tế; tiên phong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hiện Tiến sĩ Giang Thanh Tùng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Học viện Chính sách và Phát triển; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Nguyên giữ chức vụ Giám đốc Học viện.

Nguồn ảnh: NM
Tầm nhìn trở thành đại học định hướng nghiên cứu
Thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một số độc giả cho rằng có nhiều thông tin chưa rõ ràng khi họ tiếp cận báo cáo ba công khai năm học 2023-2024 của Nhà trường. Trước phản ánh của độc giả, đại diện Học viện Chính sách và Phát triển đã có những chia sẻ, lý giải về một số thông tin.
Về đội ngũ giảng viên, theo Biểu mẫu số 19 Công khai thông tin đội ngũ cán bộ, giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học năm học 2023-2024, học viện có tổng 177 giảng viên nhưng không có giảng viên chức danh giáo sư nào. Hơn nữa, giảng viên của học viện chủ yếu là trình độ thạc sĩ (chiếm đến gần 60% trên tổng giảng viên toàn học viện).

Ảnh chụp màn hình
Chia sẻ về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Đông - Trưởng phòng Phòng Quản lý đào tạo Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, hiện nay, cơ cấu đội ngũ giảng viên của học viện đã có những bước chuyển biến tích cực và rõ rệt.
Tính đến ngày 31/3/2025, học viện có tổng cộng 910 giảng viên, trong đó có 1 giảng viên chức danh giáo sư, 10 giảng viên chức danh phó giáo sư và 75 giảng viên trình độ tiến sĩ. Những con số này đã nâng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của học viện lên 45,3%. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng trong công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của học viện.
Như vậy, so với quy định về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (tại Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học), học viện đảm bảo được yêu cầu tối thiểu về đội ngũ giảng viên ở thời điểm hiện tại.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong xu thế hội nhập quốc tế, học viện có mời giảng viên từ các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước tham gia giảng dạy. Tuy nhiên thực tế, việc thu hút và giữ chân giảng viên người nước ngoài về nghiên cứu và làm việc ở trường đại học công lập gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ về điều này, cô Đông cho hay, học viện đã và đang triển khai các chính sách phát triển và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giáo dục đại học. Trong đó, việc phát triển đội ngũ giảng viên được xác định là giải pháp mang tính chiến lược, bao gồm cả đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ và thu hút nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, học viện tập trung xây dựng cơ chế tuyển dụng minh bạch, chính sách đãi ngộ cạnh tranh, chú trọng hỗ trợ nghiên cứu và công bố khoa học, đồng thời tạo lập môi trường học thuật cởi mở, năng động để thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nước. Việc trọng dụng nhân tài một cách thực chất đã góp phần hình thành đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu đủ năng lực dẫn dắt quá trình đổi mới toàn diện tại học viện trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
Cũng theo Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trong bối cảnh toàn cầu hóa, học viện xác định việc hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu là một trong những trụ cột chiến lược. Học viện đã và đang triển khai nhiều chương trình hợp tác với các trường đại học uy tín như: Đại học Rennes 1 (Pháp), Đại học Andrews (Hoa Kỳ), Đại học Quốc gia Formosa (Đài Loan), Đại học O.P. Jindal Global (Ấn Độ)... Đặc biệt, chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết với Rennes 1 có sự tham gia trực tiếp của các giáo sư người Pháp, tạo điều kiện để học viên tiếp cận tri thức châu Âu ngay tại Việt Nam.
“Để thu hút giảng viên quốc tế, học viện chủ động xây dựng môi trường học thuật chuyên nghiệp, tích cực tổ chức hội thảo quốc tế, trao đổi học thuật, mời giảng viên Anh ngữ tình nguyện thông qua hợp tác với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Tuy vậy, cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ giảng viên quốc tế hiện vẫn còn nhiều bất cập, cơ chế tài chính còn hạn hẹp. Do đó, để hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ về việc xây dựng đề án thu hút chuyên gia quốc tế, theo chúng tôi, cần có một cơ chế linh hoạt, mở và hội nhập. Học viện cam kết sẵn sàng đồng hành cùng các cơ quan quản lý trong việc xây dựng, thử nghiệm và triển khai các chính sách đổi mới này”, cô Đông chia sẻ.
Không thống kê diện tích đất/sinh viên trong báo cáo ba công khai
Về cơ sở vật chất, theo quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, học viện phải công khai thông tin về diện tích đất, diện tích sàn xây dựng, diện tích đất/sinh viên, diện tích sàn/sinh viên.
Tuy nhiên, theo biểu mẫu công khai cơ sở vật chất năm học 2023-2024, học viện chỉ có bảng thống kê về phòng học, phòng chức năng, không có thông tin về diện tích đất/sinh viên.

Biểu mẫu công khai thông tin cơ sở vật chất năm học 2023-2024 của Học viện Chính sách và Phát triển không có thông tin liên quan đến diện tích sàn/sinh viên; diện tích đất/sinh viên. (Ảnh chụp màn hình).
Khi được hỏi vì sao trong biểu mẫu công khai cơ sở vật chất của học viện không có thông tin trên, chia sẻ của cô Đông cho biết, tính đến năm học 2024-2025, với gần 7.000 người học, diện tích sàn xây dựng của học viện đạt 7,04 m²/người học (vượt mức tối thiểu là 2,8 m² theo quy định tại Thông tư số 01)
Còn về diện tích đất, học viện hiện đang sở hữu khuôn viên gần 6 ha, với tổng diện tích sử dụng hơn 63.000 m², gồm 4 khối nhà chính (A, B, C, D) được thiết kế đồng bộ, hiện đại. Hệ thống phòng học thông minh, phòng chức năng, thư viện điện tử, giảng đường trực tuyến, ký túc xá và khu thể thao được học viện đầu tư bài bản, đáp ứng đầy đủ yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập và sinh hoạt.
Tiêu chí 3.1, Thông tư số 01 quy định từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2. Trong đó, hệ số vị trí của khuôn viên bằng 2,5 đối với các khuôn viên nằm trong địa giới các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương.
Chỉ 2% nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Về tài chính, theo tìm hiểu, trong cơ cấu nguồn thu năm 2023, thu từ học phí của học viện chiếm đến 75% trên tổng thu, trong khi đó, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chiếm khoảng 2% trên tổng thu.

Ảnh chụp màn hình
Lý giải về việc vì sao học phí chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nguồn thu, theo cô Đông, trong năm 2023, Học viện vẫn đang ở giai đoạn tự chủ chi thường xuyên, nên học phí chiếm khoảng 75% tổng nguồn thu – đây là thực trạng phổ biến tại nhiều cơ sở giáo dục công lập. Bên cạnh nguồn thu từ học phí, học viện xác định rõ cần đa dạng hóa nguồn thu, từng bước nâng cao tỷ trọng từ các hoạt động khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế, tư vấn và chuyển giao tri thức hướng tới mô hình tài chính bền vững.
Đáng nói, tiêu chí 6.1, Thông tư số 01 quy định: “Tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%”. Cô Đông cho biết, hiện nay, học viện đang triển khai nhiều chương trình hợp tác quốc tế, dự án nghiên cứu, tư vấn chính sách với các đối tác trong và ngoài nước. Đặc biệt, tỷ trọng thu từ hoạt động khoa học và công nghệ trong tổng thu đã vượt mức tối thiểu 5% theo yêu cầu tại Thông tư 01.
Trong thời gian tới, Học viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh; khuyến khích công bố quốc tế và sở hữu trí tuệ; tăng cường đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp và cơ quan nhà nước; mở rộng hợp tác quốc tế và viện trợ phát triển; xây dựng quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học, cơ chế phân bổ linh hoạt, minh bạch.
“Những định hướng kể trên nhằm đảm bảo học viện không chỉ đạt chuẩn mà còn phát triển bền vững theo mô hình đại học tự chủ thực chất”, cô Đông cho biết.