Thầy thuốc ưu tú hết lòng vì người bệnh

Hơn 30 năm gắn bó với nghề y, thầy thuốc ưu tú, tiến sĩ, bác sĩ Trần Hồng Vinh, Giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La luôn tận tâm với người bệnh và là người tích cực nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng điều trị, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bác sĩ Trần Hồng Vinh (thứ 2 bên trái) đoạt giải nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 9/2024. Ảnh: PV

Bác sĩ Trần Hồng Vinh (thứ 2 bên trái) đoạt giải nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 9/2024. Ảnh: PV

Cơ duyên và sự tận tâm

Hẹn mấy lần, chúng tôi mới có dịp gặp được bác sĩ Trần Hồng Vinh, khi anh vừa hoàn thành ca phẫu thuật. Trong chiếc áo Blouse trắng, nhìn anh không hề có sự mệt mỏi, với nụ cười thân thiện, cởi mở, chúng tôi nhận thấy trong anh một bác sĩ tận tâm, hết lòng vì người bệnh.

Sinh năm 1971, trong gia đình có bố mẹ đều làm ngành Y. Khi đó, do chiến tranh, nên Bệnh viện tỉnh phải sơ tán vào bản Hôm, xã Chiềng Cọ, thị xã Sơn La. Tuổi thơ của anh Trần Hồng Vinh, gắn với tháng ngày theo bố mẹ sang bệnh viện. Rồi câu chuyện của bố mẹ trong những bữa cơm gia đình đều nói về bệnh viện, bệnh nhân. Nên từ bé, hình ảnh cha mẹ mình và các y, bác sĩ hằng ngày chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân đã nhen nhóm trong anh tình yêu với nghề y, tạo động lực và châm ngọn lửa đam mê cho anh theo đuổi con đường y học, với ước mơ “trị bệnh, cứu người, làm phúc cho đời”. Tình yêu với nghề y, còn được truyền trong gia đình, 4 anh chị em anh Vinh giờ đây đều làm ngành Y. Lập gia đình, vợ anh cũng làm trong ngành Y.

Năm 1988, anh thi đỗ vào Trường Đại học Y Bắc Thái, năm 1994, tốt nghiệp bác sĩ Vinh trở về công tác tại Khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Với đức tính ham tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu những cái mới, nên ngay từ khi vào nghề, bác sĩ Trần Hồng Vinh luôn nêu cao 12 điều y đức, thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, phục vụ người bệnh tốt nhất, anh luôn chia sẻ, cảm thông với những khó khăn, đau đớn của người bệnh.

Bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Trần Hồng Vinh.

Bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Trần Hồng Vinh.

Bác sĩ Vinh chia sẻ: Nghề y là nghề đặc biệt, học xong về làm một thời gian đã thấy mình lạc hậu, cần phải tiếp tục học. Do vậy, tôi cứ học, rồi làm, rồi lại đi học. Thời gian học của tôi mất 18 năm; trong đó, 6 năm học đại học, 1 năm học chuyên khoa sơ bộ, 3 năm học thạc sĩ, 8 năm học tiến sĩ. Theo thời gian, tôi còn tham gia các lớp 3 tháng để tiếp thu những kỹ thuật mới hơn, hiện đại về phục vụ nhân dân.

Bác sĩ Vinh còn nhớ, năm 1996, anh được cử đi học lớp sơ bộ về ngoại chấn thương. Trở về, lần đầu tiên anh thực hiện ca mổ chính, đó là một ca gãy xương đùi. Bác sĩ Vinh nói: Đây là ca mổ đánh dấu sự phát triển về chuyên môn không riêng đối với bản thân, mà còn của bệnh viện. Vì trước đó, những ca mổ như thế phải kéo dài 180 phút, nhưng lần này giảm còn 30 phút. Ca mổ thành công, tôi và cả kíp mổ chung một cảm xúc hết sức đặc biệt, thêm yêu nghề, yêu đồng nghiệp vô cùng. Từ đó, tôi càng tâm huyết với nghề, tập trung nghiên cứu phẫu thuật chấn thương. Nhưng tài liệu để nghiên cứu, tham khảo lúc đó rất hiếm, có lần mượn được cuốn tài liệu quý bằng tiếng Pháp của đồng nghiệp ở Bệnh viện Việt Đức, tôi đã photo lại. Sau đó, đem về nhờ bố tôi dịch lại cho, vì ông rất giỏi tiếng Pháp.

Năm 1998, bác sĩ Vinh được tăng cường về Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Nhai. Đây là những năm tháng khó khăn, thử thách, nhưng cũng đầy ắp kỷ niệm và giúp anh trưởng thành, vững vàng tay nghề hơn. Khi đó, trung tâm huyện Quỳnh Nhai còn ở xã Mường Chiên. Mỗi ngày, chỉ có một chuyến xe khách xuất phát lúc 5h sáng, gần trưa mới đến bến Pá Uôn, nhiều khi phải đợi phà hàng tiếng đồng hồ. Vào những ngày mưa lũ, nước sông Đà dâng cao, phà không chạy được, phải ngược sông gần 25 km bằng xuồng, không áo phao, chiếc xuồng máy chòng chành trong dòng nước lũ đỏ ngầu, cuồn cuộn chảy, biết là nguy hiểm, nhưng vẫn phải đi vì không có lựa chọn nào khác.

Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Nhai khi đó, trang thiết bị y tế thiếu thốn, hằng ngày chỉ có điện đến 22h. Ở đây, bác sĩ Vinh đã thực hiện hàng trăm ca mổ, mỗi ca mổ đều là một câu chuyện về sự cố gắng vươn lên vượt qua những thách thức, khó khăn của tập thể cán bộ y, bác sĩ. Nhiều lần đang trong ca mổ bị mất điện, phải dùng đèn pin chiếu sáng. Nhất là câu chuyện về một bệnh nhân nặng khoảng 90 kg, động viên thế nào cũng không chịu ra Bệnh viện tỉnh, mà xin mổ tại chỗ, nên lần đầu tiên bác sĩ Vinh thực hiện ca mổ viêm ruột thừa bằng gây tê thấm lớp cho bệnh nhân...

Bác sĩ Trần Hồng Vinh (bên trái) thăm khám cho bệnh nhân.

Bác sĩ Trần Hồng Vinh (bên trái) thăm khám cho bệnh nhân.

Năm 2001, trở lại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ Vinh tiếp tục học cao học tại Trường Đại học Y Hà Nội. Năm 2004, anh hoàn thành khóa học và tiếp tục sự nghiệp “trị bệnh cứu người” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Năm 2012, anh lại tiếp tục đi học nghiên cứu sinh tại Học viện Quân y, năm 2021 anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Đam mê nghiên cứu khoa học

Cống hiến trong nghề y, bác sĩ Vinh chứng kiến biết bao sự thay đổi, sự vươn lên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và ngành y. Đặc biệt là các thế hệ cán bộ, y, bác sĩ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp y tế Sơn La, đó là những tấm gương, là động lực để anh tiếp tục học tập và cống hiến.

Bác sĩ Vinh chia sẻ: Với tôi, quá trình phấn đấu, học tập và làm việc không mệt mỏi. Đã có những lúc, tôi suy nghĩ cảm thấy kiệt sức, khi phải đối diện với những ca bệnh nặng, phải đưa ra những quyết định đầy khó khăn với tính mạng bệnh nhân. Sợ nhất là cảm giác bất lực, không thể cứu sống bệnh nhân. Nhưng khi mỗi ca mổ thành công, một bệnh nhân khỏi bệnh trở lại với cuộc sống trong niềm vui của gia đình, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với người thầy thuốc. Đó cũng chính là động lực, để tôi không ngừng học hỏi nâng cao tay nghề, với tôi nghề y không chỉ là công việc, mà còn là sứ mệnh.

Không chỉ tích cực học tập, nâng cao tay nghề, bác sĩ Vinh còn đam mê nghiên cứu khoa học. Hơn 30 năm qua, anh trực tiếp nghiên cứu và tham gia nhóm nghiên cứu khoảng 40 đề tài về những những giải pháp, kỹ thuật mới trong phẫu thuật để thời gian các ca mổ diễn ra nhanh, bệnh nhân đỡ đau, nhanh hồi phục sức khỏe.

Bác sĩ Đỗ Xuân Thụ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La, nhận xét: Bác sĩ Vinh giỏi tay nghề và là người luôn say mê nghiên cứu khoa học, nhiều đề tài đã được áp dụng hiệu quả tại bệnh viện, như: “Phẫu thuật găm đinh không mở vào ổ gãy trong gãy trên lồi cầu xương cánh tay trẻ em”; “Phẫu thuật thay khớp háng”; “Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ”; “Phẫu thuật nẹp vít qua cuống trong gãy cột sống mất vững”; “Phẫu thuật TLIP trong thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cùng”...

Bác sĩ Trần Hồng Vinh thực hiện ca phẫu thuật.

Bác sĩ Trần Hồng Vinh thực hiện ca phẫu thuật.

Đặc biệt, năm 2024, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hồng Vinh và đồng nghiệp nghiên cứu, tham gia Hội thi giải pháp sáng tạo “Sử dụng khung cố định ngoài FESSA điều trị gãy liên mấu chuyển xương đùi khi không còn chỉ định kết hợp xương bên trong”, đoạt giải nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 9/2024 và đang được áp dụng thành công trong cứu chữa bệnh nhân.

Hơn 30 năm trong nghề, bác sĩ Trần Hồng Vinh không nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu ca phẫu thuật, điều trị khỏi bao nhiêu bệnh nhân nặng, nhiều ca bệnh khó anh phải tham gia hội chẩn đến 2-3 giờ sáng để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất, rồi bao nhiêu đêm thức trắng theo dõi diễn biến người bệnh... Sau tất cả những nỗ lực đó, niềm vui lớn nhất đối với anh là bệnh nhân được cứu cứu sống, khỏe mạnh. Ghi nhận những cống hiến, năm 2022, anh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc ưu tú.

Chia tay Bác sĩ, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Trần Hồng Vinh, chúng tôi cảm nhận lời tâm sự chất chứa, đong đầy của anh, người thầy thuốc yêu nghề: “Nghề y đã dạy tôi biết yêu thương, biết hy sinh và biết cảm thông, được cùng đồng nghiệp chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và cùng nhau vượt qua khó khăn, góp sức vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân”.

Bài, ảnh: Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/guong-sang-ban-lang/thay-thuoc-uu-tu-het-long-vi-nguoi-benh-qaLbRxxNg.html