Hy vọng gì vào chức danh chuyên trách tư vấn học đường?
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ GD&ĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ, tới đây có thêm một vị trí chuyên về tư vấn tâm lý học đường, việc này nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trong bối cảnh bạo lực học đường đang là vấn nạn, cùng nhiều vấn đề phức tạp trong nhà trường.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội có một số ý kiến về kế hoạch nêu trên.
PV: Có thể nói việc bố trí được một vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường học là rất cấp bách, không nên trì hoãn thêm. Ông có cùng quan điểm đó không ?
PGS.TS Trần Thành Nam: Việc đưa ra một thông tư về vị trí chuyên trách tham vấn tâm lý học đường là việc rất cần thiết và kịp thời, trong bối cảnh giáo dục nói chung quá nhiều căng thẳng.
Nhưng trên thực tế thì tôi không thích cái từ “tư vấn cho học sinh” mà phải dùng đúng từ chuyên môn của nó là” tham vấn học đường” để nó mang tính chuyên nghiệp, chứ nếu không cộng đồng sẽ hiểu rằng, đây chỉ là tư vấn mang tính chất là cung cấp thông tin.
Tham vấn tâm lý học đường giải quyết những vấn đề cấp bách dẫn đến mục tiêu làm giảm nhẹ những mức độ căng thẳng và khiếm khuyết của người học, để giúp họ đạt những mục tiêu và ngoài ra phải phòng ngừa được những nguy cơ có thể xảy ra ở nhà trường.
Ví dụ như vấn đề bạo lực, nếu mà không bố trí được thì ở thông tư mới lại nói rằng: nếu không bố trí được vị trí chuyên trách thì lại cho giáo viên kiêm nhiệm, làm thay hoặc lao động hợp đồng thì như vậy nó cũng không khác gì thông tin 16 cả.
PV: Vâng đó cũng là mối quan tâm của dư luận vì trước nay đúng là một số giáo viên đã phải kiêm nhiệm chức năng tư vấn tâm lý cho học sinh. Vậy theo ông khi đã có chuyên viên tham vấn, làm thế nào để học sinh dễ mở lòng hơn, còn chuyên viên phát huy được hết năng lực?
PGS.TS Trần Thành Nam: Xây dựng quy trình tham vấn học đường phải theo các chuẩn mực nghề nghiệp, phòng tham vấn phải riêng tư, người tham vấn phải thực hiện theo quy chuẩn, ví dụ bảo mật, tôn trọng thân chủ và hành động thì phải từ tâm, không gây hại cho thân chủ.
Chúng ta cũng cần truyền thông thay đổi định kiến và niềm tin sai lầm về vấn đề tinh thần, ví dụ như lo âu là thiếu ý chí hay trầm cảm chỉ là viện cớ. Trầm cảm cần gì phải đi đến chuyên viên tâm lý, trầm cảm chỉ cần ăn, đi chơi cho thoải mái là hết bệnh.
Việc đi tư vấn tâm lý nó chỉ là một cách thức. Giống như chúng ta bị cảm cúm thì chúng ta uống thuốc, thì lúc đó học sinh mới mở lòng để chia sẻ.
Để vai trò của người tư vấn không nhạt nhòa thì mình cần phải phân tích nhiệm vụ của họ làm những gì và năng lực họ cần có. Họ phải hiểu được đâu là sự phát triển bình thường, đâu là sự phát triển tâm lý, hành vi lệch chuẩn, tâm bệnh, rối nhiễu hoặc là rối loạn.
Họ phải có kỹ năng thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, biết sử dụng công cụ như là các trắc nghiệm.
Họ phải có kỹ năng quản lý trường hợp có thể có nguy cơ trong nhà trường và giám sát, theo dõi, giáo dục, cung cấp dịch vụ để không biến mối nguy tiềm năng nào đấy trở thành vụ việc bạo lực.
Họ phải biết tham vấn cá nhân quy trình thế nào, tham vấn nhóm cho giáo viên, tham vấn nhóm cho phụ huynh ra sao.
PV: Đó quả là những yêu cầu không đơn giản, và nếu để giáo viên kiêm nhiệm thì thực sự vất vả, và cũng không hiệu quả. Vậy còn kinh nghiệm quốc tế nào có thể áp dụng cho Việt Nam trong công tác bố trí nhân sự chuyên trách tham vấn tâm lý học đường, xin ông cho biết?
PGS.TS Trần Thành Nam: Chuyên viên tham vấn học đường được yêu cầu phải đạt được tối thiểu đến trình độ bằng thạc sĩ chuyên ngành phù hợp, ví dụ như chuyên ngành tham vấn học đường hoặc là tâm lý học học đường, hoặc tâm lý giáo dục chuyên sâu về định hướng và tâm lý học trường học, hoặc vị trí nhà tâm lý lâm sàng được cấp chứng chỉ hành nghề. Bộ Y tế đang tích cực triển khai quá trình này.
Đó là một trong những kinh nghiệm quốc tế. Chúng ta có thể chưa hướng đến được ngay lập tức những điều giống như mô hình quốc tế đó, nhưng chúng ta phải có lộ trình và tôi vẫn cho rằng, vị trí chuyên trách trong nhà trường là đòi hỏi bức thiết.
Chúng ta cần phải chuyên biệt hóa nó, tìm được những người có đủ những năng lực thực hiện được các nhiệm vụ giống như chúng tôi đã chia sẻ ở phía trên. Hàng năm phải được cập nhật các cách thức mới đã được chứng minh có hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông!