Hy vọng 'hòa bình' thương mại tan biến

Khi các nhà đầu tư bắt đầu lạc quan rằng cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dịu đi, những lời đe dọa thuế quan mới nhất của ông nhanh chóng khiến họ từ bỏ suy nghĩ này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN

Các thỏa thuận ban đầu với Anh và Trung Quốc đã làm dấy lên hy vọng trên Phố Wall và trong các phòng họp của các doanh nghiệp rằng Tổng thống Trump đang bắt đầu dỡ bỏ các mức thuế cao nhất của Mỹ trong gần một thế kỷ.

Nhưng ngày 23/5 đã mang đến một lời nhắc nhở về chính sách khó đoán của Tổng thống Trump, khi ông đã đe dọa mức thuế 50% đối với Liên minh châu Âu (EU) và mức thuế 25% đối với điện thoại thông minh nếu các tập đoàn công nghệ như Apple Inc. và Samsung Electronics Co. không chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ.

Giá cổ phiếu đã sụt giảm trên toàn cầu, đồng USD rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2023 và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải đối mặt với thực tế rằng sự không chắc chắn trong chính sách của ông Trump sẽ vẫn tồn tại.

Ông Marcus Noland, một chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson, nhận định những hành động mới nhất của Tổng thống Trump, như đe dọa áp thuế đối với EU và nhắm mục tiêu cụ thể vào Apple, là minh chứng cho thấy sự bất ổn trong chính sách thương mại của Mỹ sẽ còn tiếp diễn. Ông dự đoán tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất trong hai tháng tới, hoặc thậm chí có thể là suốt cả năm. Theo ông Noland, “hòa bình” vẫn chưa đến.

Ông Steve Bannon, đồng minh lâu năm của Tổng thống Trump, cho rằng phản ứng của ông Trump một phần là do tuần này ông thấy thiếu tiến triển về các vấn đề thương mại trong cuộc họp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), đặc biệt là khi so sánh với thỏa thuận tương đối nhanh mà ông có thể đạt được với Anh.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết ông Trump hy vọng sẽ ký thêm các thỏa thuận thương mại với một số nền kinh tế lớn và sau đó đẩy nhanh các thỏa thuận với những nước khác trong thời gian tạm dừng áp thuế 90 ngày. Trả lời Fox News ngày 24/5, ông Scott Bessent, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết một số thỏa thuận sắp hoàn tất, bao gồm một thỏa thuận với Ấn Độ.

Trong khi đó, EU đang chuẩn bị các biện pháp trả đũa nếu các cuộc đàm phán không mang lại kết quả thỏa đáng. Khối này đã chuẩn bị kế hoạch áp thuế bổ sung lên lượng hàng xuất khẩu của Mỹ trị giá 95 tỷ euro (107 tỷ USD) để đáp trả các mức thuế đối ứng của ông Trump và mức thuế 25% đối với ô tô và một số linh kiện.

Các quốc gia châu Âu đã đồng ý vào đầu tháng này về việc tạm dừng trong 90 ngày một bộ thuế trả đũa riêng chống lại Mỹ liên quan đến mức thuế 25% mà ông Trump áp đặt lên thép và nhôm của khối này. Động thái diễn ra sau khi ông Trump hoãn áp thuế đối ứng đối với hàng hóa của EU.

Sau khi ông Trump tạm dừng áp các mức thuế cao, ông vẫn giữ lại mức thuế 10% đối với hầu hết các đối tác thương mại. Các mức thuế riêng biệt đối với thép, nhôm và ô tô vẫn còn hiệu lực. Bên cạnh đó, ông Trump còn hứa hẹn về một loạt thuế nhập khẩu mới đối với đồng, chip bán dẫn, dược phẩm, gỗ xẻ và linh kiện máy bay. Tất cả những mức thuế này đều có thể làm tăng tổng mức thuế thực tế.

Các nhà phân tích của tập đoàn tài chính Goldman Sachs Group Inc. nhận định mức áp thuế vẫn chưa chắc chắn nhưng có thể sẽ duy trì ở mức cao trong tương lai gần. Tập đoàn này dự báo rằng mức thuế thực tế của Mỹ sẽ tăng thêm 13 điểm phần trăm trong năm nay, lên mức cao nhất kể từ những năm 1930.

Theo Goldman Sachs, các mức thuế song phương cao hơn khó có thể thúc đẩy tăng đáng kể sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, ông Noland lưu ý xu hướng đe dọa bất ngờ của ông Trump, ngay cả đối với các quốc gia mà Mỹ đã có thỏa thuận thương mại, làm gia tăng nghi ngờ về tính bền vững của bất kỳ thỏa thuận nào Mỹ đã đạt được.

Trà My (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/hy-vong-hoa-binh-thuong-mai-tan-bien-20250525204355830.htm