'Thế giới không quan tâm những gì đang xảy ra ở Gaza'
Xung đột Israel-Hamas gần bước sang tháng thứ 20 và Dải Gaza quặn mình giữa máu lửa, đau thương khi bom đạn liên tục đổ xuống dày đặc, các nguồn viện trợ thực phẩm, y tế vẫn bị phong tỏa.
Tại TP Gaza (bắc Dải Gaza) những ngày này, người dân có thể nghe 2 âm thanh không bao giờ ngừng, dù ngày hay đêm. Ở phía tây, sóng biển Địa Trung Hải đập vào bờ biển đầy rác. Ở phía đông, đạn pháo, tên lửa và rocket vang lên với tiếng ầm ầm và thỉnh thoảng là tiếng nổ chói tai.
TP Gaza – nơi từng là trung tâm thương mại và văn hóa sầm uất của dải đất - dù phải chứng kiến giao tranh mỗi ngày lại đang là nơi ẩn náu của 100.000 người sơ tán đến. Tất cả họ đều đang chạy trốn khỏi cuộc tấn công mới do Israel phát động gần đây vào các thị trấn và khu phố bị tàn phá ở phía bắc Gaza.
Những người sơ tán họ chen chúc vào các nơi trú ẩn tạm thời và các trại dựng vội, hoặc chỉ đơn giản là dựng lều hoặc bạt trên vỉa hè đầy vết rỗ. Họ sống cùng nỗi sợ hãi trong giao tranh không hồi kết, trong các cuộc đụng độ trực tiếp giữa lực lượng Israel và Hamas.
Trên toàn Dải Gaza những ngày này, người dân thường xuyên chịu đựng các cuộc không kích, pháo kích. Tờ The Guardian dẫn lời các quan chức y tế ở Gaza cho biết các cuộc không kích và pháo kích đã giết chết khoảng 750 người và làm bị thương 2.000 người trên khắp Gaza trong tuần qua, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Hiện tại, Gaza quặn mình giữa máu lửa, đau thương và tình hình ngày càng báo động.

Người dân chạy tìm nơi trú ẩn khi Israel không kích phía tây TP Gaza. Ảnh: EPA
“Con tôi đang chết trước mặt tôi”
Hôm 21-5, anh Mohammed Abu Nadi (33 tuổi) chuyển gia đình mình khỏi Jabaliya – một khu phố ở phía đông TP Gaza đã bị phá hủy trong nhiều cuộc tấn công và đột kích của Israel.
"Những gì xảy ra trong tuần này là một sự leo thang khác. Đánh bom liên tục ở khắp mọi nơi. Bạn tôi đang trên đường đi lấy xe để đưa gia đình đến TP Gaza, nhưng khi anh ấy trở về, anh ấy thấy nhà mình đã bị phá hủy thành đống đổ nát. Vợ và con anh ấy đều thiệt mạng. Họ chỉ là những đứa trẻ, những thường dân vô tội không liên quan đến bất cứ điều gì. Tôi đã bị sốc khi điều đó xảy ra. Tôi nhanh chóng đưa vợ và gia đình rời khỏi khu vực đó hướng đến TP Gaza” – ông Nadi nói.
Ông Abu Adam Abdul Rabbo (55 tuổi) cho biết hơn 80 thành viên trong dòng họ của ông đã thiệt mạng trong cuộc xung đột Israel-Hamas kéo dài 19 tháng qua. Một tuần trước, ông Rabbo đang ngủ thì bị đánh thức khi ông nghe thấy tiếng nổ lớn nhắm vào nhà anh trai mình, khiến 5 người thiệt mạng.
“Chúng tôi đã phải tìm cách để chuyển thi thể họ đến bệnh viện vì một máy bay không người lái bắn đạn khắp nơi. Chúng tôi đã chôn cất họ tại nghĩa trang thị trấn Jabaliya. Sau đó, chúng tôi quyết định rời đi vì lo sợ cho tính mạng của những đứa con còn lại của mình” – ông Rabbo kể.
“Chúng tôi chỉ có thể mang theo một vài vật dụng cơ bản, một ít quần áo và thực phẩm. Vợ tôi khóc lóc thảm thiết, hỏi: ‘Chúng ta sẽ sống sót thế nào? Chúng ta có thể mang theo những gì? Chúng ta sẽ phải sơ tán trong bao lâu?’” – ông Rabbo nói.
Sáu tuần trước, Mahmoud (21 tuổi) – con trai cả của ông Ihab al-Attar đã tìm cách quay trở về nhà họ để lấy thực phẩm và quần áo, nhưng anh đã bị một tên lửa bắn trúng và bị thương nặng. Ông Attar cho biết khi đó, không có cảnh báo và không có lệnh sơ tán nào từ lực lượng Israel.
Các bác sĩ đã thực hiện loạt các ca phẫu thuật để cứu sống Mahmoud. Nhưng anh bị mất phần lớn ruột và vết thương bị nhiễm trùng. Khi cuộc tấn công mới của Israel diễn ra sau đó, gia đình anh buộc phải rời khỏi ngôi nhà đổ nát để đến một căn lều trên phố ở TP Gaza. Khi hầu hết các bệnh viện ở phía bắc Gaza không còn hoạt động và một số ít bệnh viện còn lại quá tải, gia đình đã cố gắng tự mình chăm sóc Mahmoud.
"Bây giờ tình trạng của Mahmoud ngày một xấu đi. Phần khó khăn nhất là chứng kiến con trai tôi chết trước mắt và không thể làm gì cho nó. Tôi sợ mình sẽ mất con" – ông Attar nói.

Người dân chờ lấy nước sạch tại một trại tị nạn ở TP Gaza hôm 20-5. Ảnh: AFP
Cũng trong tình trạng nguy kịch là Yazan – con trai tám tuổi bị liệt tứ chi của ông Nadi.
“Con tôi đã cực kỳ gầy gò và bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Tôi đã đưa nó đến bệnh viện nhiều lần, nhưng các bác sĩ nói với tôi rằng họ không thể làm gì được" – ông Nadi nói.
Câu chuyện của bác sĩ Alaa al-Najjar là một trường hợp thương tâm khác.
Bà al-Najjar là một bác sĩ nhi khoa và có 10 người con. Ngày 23-5, khi bà đang làm việc tại Khu phức hợp Y tế Nasser ở phía nam Gaza thì ngôi nhà bà bị trúng không kích của lực lượng Israel.
Sau cuộc không kích, 9 trong 10 đứa con của bác sĩ al-Najjar đã thiệt mạng. Sau đó, người ta đưa thi thể của 7 đứa con bà đến bệnh viện, còn 2 thi thể (một bé 2 tuổi và một bé 7 tháng tuổi) bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Chồng và đứa con còn lại của bà cũng bị thương nặng sau cuộc không kích, theo đài CNN.
"Chín người con của họ đã thiệt mạng: Yahya, Rakan, Raslan, Gebran, Eve, Rival, Sayden, Luqman và Sidra. Đây là thực tế mà đội ngũ y tế của chúng tôi ở Gaza phải chịu đựng. Không có từ ngữ nào có thể diễn tả hết nỗi đau. Ở Gaza, không chỉ những nhân viên y tế bị nhắm đến, mà các cuộc tấn công của Israel còn đi xa hơn, xóa sổ cả gia đình” – ông Munir al-Barsh, người đứng đầu cơ quan y tế Gaza, cho biết.
Phía Israel cho biết mục đích của cuộc không kích là tấn công "một số kẻ đáng ngờ" và họ đang xem xét các khiếu nại về việc khiến dân thường thiệt mạng.
Hy vọng dần tắt
Trong tháng 5, các chuyên gia an ninh lương thực được Liên Hợp Quốc hỗ trợ cho biết Gaza đang có nguy cơ chịu nạn đói nghiêm trọng khi các trường hợp suy dinh dưỡng tăng nhanh chóng.
Các kho hàng của Liên Hợp Quốc tại vùng lãnh thổ này đang trống rỗng và hầu hết các tiệm bánh miễn phí đã đóng cửa từ nhiều tuần trước. Thực phẩm được bán còn lại ở Gaza lại quá đắt đối với hầu hết mọi người, khi 1 kg cà chua hoặc hành tây có giá tương đương 13 USD.
“Mọi ngóc ngách trên mọi con phố đều đông nghẹt người. Họ đang sống trong bãi rác, nhà vệ sinh. Có ruồi, muỗi. Chúng tôi không có nước, không có thức ăn, không có lều, chăn hay bạt, không có gì cả. Mọi người rất, rất đói nhưng không có gì để cung cấp cho họ” – ông Amjad Shawa, giám đốc Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Gaza có trụ sở tại TP Gaza, cho biết.
Hôm 23-5, các quan chức Liên Hợp Quốc cho biết các phòng khám và hiệu thuốc của họ không còn có thể cung cấp 40% các phương pháp điều trị được Tổ chức Y tế Thế giới phân loại là thiết yếu. Các bác sĩ tại Gaza cũng báo cáo rằng họ thấy hình thành túi mủ và bệnh ngoài da ở bệnh nhân, cũng như các trường hợp tiêu chảy cấp tính và các bệnh về đường hô hấp.
“Chúng tôi thấy một số trẻ em bị suy dinh dưỡng. Chúng tôi thường thấy những bệnh nhân mệt mỏi hoặc chóng mặt vì họ không ăn đủ” – bác sĩ Iain Lennon, cố vấn y khoa cấp cứu người Anh tại Mawasi (phía nam Gaza), cho biết.

Người dân Gaza với tay lấy bánh mì được phân phát qua cửa sổ tiệm bánh ở trại tị nạn Nuseirat hôm 22-5. Ảnh: ANADOLU AGENCY
Trong những ngày gần đây, Israel đã nới lỏng lệnh phong tỏa Gaza được áp dụng vào đầu tháng 3. Hôm 23-5, 100 xe tải đã được phép vào Gaza nhưng nguồn phân phối viện trợ vẫn hạn chế.
"Ở đây, có 130.000 tấn viện trợ ngay bên kia các điểm vào Gaza, cách dải đất vài km nhưng không thể đi vào dải đất này" – một quan chức Liên Hợp Quốc cho biết.
Hy vọng của người dân Gaza của dần tắt. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn mới đã bị đình trệ và có khả năng phải mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần nữa mới có thể nhận được hàng cứu trợ ở phía bắc Gaza.
"Thế giới không quan tâm đến những gì đang xảy ra ở Gaza, ngay cả khi tất cả chúng tôi đều chết. Thế giới này thật dối trá và đạo đức giả. Họ tự nhận mình là văn minh và nhân đạo, nhưng họ chỉ nhìn một cách phiến diện” – bà Umm Ammar Jundiyea (65 tuổi) đang ở TP Gaza, cho biết.
Nguồn PLO: https://plo.vn/the-gioi-khong-quan-tam-nhung-gi-dang-xay-ra-o-gaza-post851681.html