Hy vọng mới cho bệnh nhân Alzheimer

Một loại xét nghiệm máu để tìm kiếm các dấu ấn sinh học của bệnh Alzheimer hứa hẹn đơn giản hóa quá trình chẩn đoán và điều trị căn bệnh này

Một nhóm nghiên cứu đến từ 13 đơn vị học thuật ở Thụy Điển, Mỹ, Hà Lan và Pháp cho thấy xét nghiệm máu dựa trên tỉ lệ p-tau217 trong huyết tương, kết hợp với tỉ lệ 2 loại amyloid-β42 và amiody-β40 (Aβ42:Aβ40) có thể giúp xác định bệnh Alzheimer với độ chính xác cao hơn nhiều so với các biện pháp chẩn đoán thông dụng và tốn kém khác.

Công bố chi tiết về nghiên cứu trên tạp chí y học JAMA Neurology hôm 28-7, các tác giả cho biết đã tuyển chọn 1.213 bệnh nhân đang được đánh giá nhận thức trong chăm sóc ban đầu hoặc đánh giá thứ cấp bởi các chuyên gia về chứng mất trí nhớ. Họ có độ tuổi trung bình là 74,2 và được theo dõi trung bình 8,3 năm. Các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh Alzheimer của bệnh nhân dựa vào những bước đánh giá tiêu chuẩn, gồm khám lâm sàng, kiểm tra nhận thức và chụp cắt lớp vi tính trước khi xem bất kỳ kết quả xét nghiệm sinh học nào liên quan đến căn bệnh.

Các kết quả cho thấy xét nghiệm kết hợp các dấu ấn sinh học nói trên, gọi tắt là APS2, cho độ chính xác lên tới 91%. Trong khi đó, các chuyên gia về chứng mất trí đã xác định bệnh Alzheimer lâm sàng chẩn đoán chính xác 73%, các bác sĩ chăm sóc ban đầu chẩn đoán với độ chính xác là 61%. Giải thích về lý do nghiên cứu các dấu ấn sinh học này, chuyên gia Sebastian Palmqvist từ Đại học Lund (Thụy Điển), đồng tác giả cuộc nghiên cứu, giải thích với đài CNN rằng protein tau217 sẽ gia tăng nồng độ lên đến 8 lần ở giai đoạn mất trí nhớ của bệnh Alzheimer, khi so sánh với người cao tuổi không mắc bệnh.

Một nhà khoa học xem xét các bản quét não tại Khoa Phục hồi chức năng và Lão khoa của Bệnh viện Đại học Geneva (Thụy Sĩ)Ảnh: Reuters

Một nhà khoa học xem xét các bản quét não tại Khoa Phục hồi chức năng và Lão khoa của Bệnh viện Đại học Geneva (Thụy Sĩ)Ảnh: Reuters

Tỉ lệ p-tau217 trong huyết tương gần đây đã được chứng minh là cung cấp độ chính xác cho các chẩn đoán lên đến 90%, tương đương như các dấu ấn sinh học dịch não tủy được chấp thuận trên lâm sàng, trong khi tỉ lệ Aβ42:Aβ40 riêng lẻ cung cấp độ chính xác khoảng 87%. Nghiên cứu mới nhất cho thấy việc xét nghiệm kết hợp các yếu tố trên đã nâng cao hiệu quả chẩn đoán.

Theo nhóm tác giả, xác nhận được độ chính xác của một xét nghiệm máu trong chẩn đoán Alzheimer có ý nghĩa rất lớn. Các thống kê cho thấy 1/5 phụ nữ và 1/10 nam giới sẽ mất trí nhớ do bệnh Alzheimer. Thế nhưng, bệnh Alzheimer có triệu chứng bị chẩn đoán sai ở 25% đến 35% bệnh nhân được điều trị tại các phòng khám chuyên khoa, thậm chí nhiều bệnh nhân hơn có thể đã bị bỏ sót ở các phòng khám chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Các biện pháp giúp chẩn đoán chính xác hơn như chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) hoặc thu thập dịch não tủy để đánh giá các dấu ấn sinh học của bệnh Alzheimer đều là những kỹ thuật cao, phức tạp, khó tiếp cận. Trong khi đó, các liệu pháp miễn dịch chống amyloid đã được chấp thuận ở một số quốc gia nhằm điều trị Alzheimer vốn chỉ dành cho những người đang ở giai đoạn sớm của bệnh. Do vậy, bệnh nhân bị bỏ sót khi bệnh còn ở giai đoạn đầu đã lỡ mất cơ hội.

Bà Maria Carrillo, Giám đốc khoa học của Hiệp hội Alzheimer (trụ sở tại Mỹ), cho biết các chuyên gia y tế kỳ vọng có một xét nghiệm máu giúp chẩn đoán bệnh Alzheimer mà bác sĩ có thể chỉ định rộng rãi và dễ dàng như xét nghiệm cholesterol hiện nay. Xét nghiệm máu dựa trên p-tau217 đang dần chứng minh giá trị và phương pháp kết hợp nói trên có thể là ứng viên sáng giá. Theo bà Carrillo, một khi đã được các nghiên cứu chứng minh hiệu quả, phương pháp xét nghiệm máu có độ chính xác cao có thể đẩy nhanh tốc độ tiến hành thử nghiệm bệnh Alzheimer và đưa ra loại thuốc mới tiếp theo.

ANH THƯ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hy-vong-moi-cho-benh-nhan-alzheimer-196240729203854859.htm