Ðiểm tựa của bản làng
Cần cù, nhẹ nhàng, mềm mỏng, khéo léo, kiên trì... là nét riêng có và rất đặc biệt của nữ giới khi nhận vai trò người có uy tín. Chính những ưu điểm đó cộng với cách làm riêng, sáng tạo, hiệu quả của người có uy tín là phụ nữ đã góp phần làm thay đổi đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng cũng như đóng góp vào thành tích của địa phương nơi mình sinh sống nói chung.
Huyện Bù Đốp hiện có 25 người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 3 người là nữ, gồm các bà: Cao Thị Sáu ở ấp 3, xã Hưng Phước; Lăng Thị Men ở ấp 5, xã Thanh Hòa và Hoàng Thị Sao ở ấp Tân Nghĩa, xã Tân Tiến.
Cầu nối gắn kết cộng đồng
Khoác 2-3 lớp áo chống nắng, nhanh chóng cột lồng sắt cố định lên chiếc xe máy cũ và di chuyển khắp nơi trong xã để mua ve chai - là hình ảnh một ngày mới của bà Cao Thị Sáu, người có uy tín ở ấp 3, xã Hưng Phước. Mua ve chai vừa là nghề mưu sinh vừa là cách để bà Sáu có thể “đi đây, đi đó”, dễ dàng tiếp cận, lắng nghe và có những đề xuất kịp thời để đời sống của đồng bào ấp 3 được tốt hơn.

Tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi của công việc mưu sinh, bà Cao Thị Sáu hỏi thăm tình hình cuộc sống của người dân trên địa bàn thôn
Như câu chuyện của chị Nông Thị Túc, dân tộc Nùng ở ấp 3. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Túc đã được Nhà nước hỗ trợ xây nhà. Nhưng 2 năm gần đây, chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo, nằm một chỗ, chị chỉ loanh quanh với công việc nhà và túc trực chăm sóc chồng. Cuộc sống gia đình chị đã khó nay càng thêm khó. Năm 2024, nhờ sự kết nối kịp thời của bà Sáu, gia đình chị đã được các cấp hỗ trợ 2 con bò giống để có thêm sinh kế phát triển kinh tế. Chị Túc xúc động: Chị Sáu đến hỏi thăm và thấy hoàn cảnh mình như vậy nên giúp đỡ nhiệt tình lắm. Được Nhà nước hỗ trợ kịp thời, cuộc sống gia đình tôi dần ổn định.
2025 là năm thứ 5 bà Sáu gắn bó với công việc người có uy tín. Vì kinh tế gia đình chưa thực sự khá giả nên bà Sáu vẫn bôn ba với nhiều nghề để mưu sinh như mua ve chai, bốc mủ đất. Thế nhưng, khi được bà con, các cấp tin tưởng và bầu chọn là người có uy tín, bà luôn cố gắng hết mình hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, bà vẫn dành thời gian để tham gia các lớp tập huấn dành cho người có uy tín, tham gia cùng lãnh đạo địa phương trong vận động bà con ấp 3 chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ấp 3 có đông đồng bào DTTS sinh sống, lại là khu vực biên giới, vì thế, vai trò của người có uy tín như bà Sáu được đánh giá rất cao. Thông qua tiếng nói và uy tín của mình, bà chính là cầu nối để đồng bào nơi đây gắn kết, thay đổi, chăm lo làm kinh tế và chấp hành các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chủ tịch UBND xã Hưng Phước HOÀNG THANH THIỆP
Ấp 3, xã Hưng Phước chỉ có hơn 16 hộ đồng bào DTTS, sống gần khu vực biên giới với nước bạn Campuchia. Từ khi đảm nhận vai trò người có uy tín, cùng với công việc đặc thù của mình, bà Sáu đã đi “tận ngõ, tận nhà” tuyên truyền, vận động để bà con cùng tốt hơn mỗi ngày. “Đã không nhận thì thôi, chứ nhận việc rồi thì phải làm tròn vai. Có trường hợp thuận tiện thì mình ghé mua ve chai rồi trò chuyện, khuyên nhủ thêm nhưng có những lúc phải đi 2-3 lần, đi ngày không gặp lại phải tranh thủ đi đêm. Nhưng tôi không nề hà vì đã góp một phần công sức để đồng bào có cuộc sống tốt hơn, địa phương nơi mình ở cũng phát triển hơn từng ngày” - bà Sáu vui vẻ chia sẻ.
Gương mẫu đi đầu
Từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp, hiện nay phần đông đời sống kinh tế của đồng bào Tày, Nùng ở ấp 5, xã Thanh Hòa đã khá giả. Với hơn 100 hộ, đồng bào DTTS nơi đây hăng say lao động nên đời sống kinh tế phát triển mạnh. Tuy nhiên, một số người vẫn chưa thay đổi các phong tục lạc hậu, trong đó có thói quen chôn cất người mất trong vườn nhà. Điều đó đặt ra nhiều suy nghĩ cho bà Lăng Thị Men, người có uy tín ở ấp 5. Bà cùng với bí thư chi bộ, trưởng ấp và các hội, đoàn thể đến tận nhà người dân để tuyên truyền, vận động xóa bỏ các hủ tục. Đến nay, người dân đã dần bỏ thói quen này, một số người chưa thông tư tưởng vẫn đang được bà tiếp tục “tuyên truyền” để họ hiểu và thay đổi. Bà Men chia sẻ: Mình có lợi thế về giọng nói, văn hóa nên khi nói với đồng bào, họ dễ nghe và làm theo. Phát huy ưu điểm đó, mình cùng với bí thư, trưởng ấp đi tận nhà người dân, nói “cái hay, lẽ phải” cho người ta nghe và thay đổi dần.

Bà Lăng Thị Men cùng đại diện bí thư, trưởng ấp 5, xã Thanh Hòa đến nhà tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước
Đến ấp Tân Nghĩa, xã Tân Tiến vào những ngày cuối tuần, âm thanh của tiếng đàn tính, hát then vang lên rộn ràng, tươi mới. Đó chính là những buổi sinh hoạt văn hóa của hội viên người cao tuổi trong ấp. Ngoài người cao tuổi, các bạn trẻ trong ấp cũng đến tham gia và được truyền đạt lại cách chơi đàn tính, ngân một điệu then. Hoạt động này được tổ chức thông qua sự tập hợp và vận động của bà Hoàng Thị Sao, người có uy tín của ấp. Sau những giờ lao động, đây chính là cách để họ duy trì và gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào mình.

Bà Hoàng Thị Sao (đứng) trao đổi với các thành viên Câu lạc bộ Những người yêu đàn tính, hát then ở ấp Tân Nghĩa, xã Tân Tiến
Đảm nhận nhiều công việc cùng một lúc, như Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn…, bà Sao đã trở thành “điểm tựa” của người dân trên địa bàn xã Tân Tiến. Những thông tin, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được bà trao đổi một cách cụ thể. Bằng cách đó, người dân đã hiểu rõ hơn và chung sức cùng Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển quê hương.
Cô Sao rất nhiệt tình trong công việc, cô gương mẫu thực hiện, rồi đi vận động, giải thích. Cô có uy tín, “miệng nói tay làm” nên đi tới đâu người dân cũng hưởng ứng”.
Chị Hà Thị Lơi, người dân ấp Tân Nghĩa
Năm 2024, bà Sao được vinh danh tại chương trình “Điểm tựa của bản làng”, do Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp tổ chức. Bà Sao phấn khởi: Có được vinh dự hay những danh hiệu cao quý đó, là do các hội viên, người dân thấy mình năng nổ nên bầu chọn. Từ đó mình không ngừng cống hiến, cái gì “tốt, đẹp, hiệu quả” cho đồng bào thì phải hết sức thực hiện, hoàn thành tốt vai trò của mình.

Bà Hoàng Thị Sao (phải) trao đổi với người dân trong thôn nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
Trong tổng số 331 người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS được UBND tỉnh công nhận, huyện Bù Đốp có 25 người, trong đó có 3 người là nữ. Tuy số lượng nữ đảm nhận vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS không nhiều nhưng tất cả đều làm rất tròn vai. Bà Sáu, bà Men hay bà Sao đều vận dụng sự nhẹ nhàng, khéo léo và luôn linh hoạt cách làm để hoàn thành nhiệm vụ. Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần được cải thiện, nâng cao... là những minh chứng rõ nhất cho sự thay đổi ở các khu vực đồng bào DTTS. Tất cả cùng hăng hái lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp sức xây dựng Bình Phước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/171937/diem-tua-cua-ban-lang