IMF cảnh báo triển vọng kinh tế châu Âu đang ngày một xấu đi

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Vienna, Áo. Ảnh: AFP/TTXVN

* Châu Âu đối mặt với hậu quả lâu dài của cuộc khủng hoảng năng lượng

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 23/10 cảnh báo sự suy yếu ở nhiều nền kinh tế châu Âu có thể sẽ dẫn đến tình trạng suy thoái sâu hơn trên toàn khu vực, trong khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng xã hội.

Cảnh báo trên được đưa ra trong Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực châu Âu mới được IMF công bố. Trong báo cáo, tổ chức này đánh giá rằng triển vọng kinh tế châu Âu đang trở nên u ám hơn rất nhiều, khi tốc độ tăng trưởng ngày một chậm lại và lạm phát tiếp tục tăng.

IMF nhận định những gói hỗ trợ mới mà các chính phủ đưa ra chỉ bù đắp phần nào những căng thẳng này. Cuộc xung đột tại Ukraine kéo dài suốt 8 tháng qua đã khiến lạm phát cũng như giá năng lượng cùng tăng vọt, buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tăng lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái.

IMF nhấn mạnh nguy cơ lớn nhất trước mắt là sự gián đoạn nguồn cung năng lượng trong mùa Đông. Điều đó có thể dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt, thiếu lương thực và gây ra những tổn thương kinh tế sâu sắc hơn cho châu Âu.

Theo dự báo của IMF, Đức và Ý sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới và trở thành những nền kinh tế phát triển đầu tiên ghi nhận tăng trưởng âm do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine. Cụ thể, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức sẽ giảm 0,3% trong năm 2023 do sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Tương tự, kinh tế Ý sẽ giảm 0,2% vào cùng giai đoạn.

Nhìn chung, các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu sẽ tăng trưởng chậm lại xuống mức 0,6% vào năm 2023. Tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi - không bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và các nước liên quan tới xung đột tại Ukraine, cũng sẽ chậm lại ở mức 1,7%.

IMF dự báo tình trạng lạm phát sẽ còn kéo dài và căng thẳng xã hội có thể trở nên tồi tệ hơn do chi phí sinh hoạt gia tăng. Do vậy, các ngân hàng trung ương (đặc biệt là tại các nền kinh tế tiên tiến) nên tiếp tục tăng lãi suất.

Các nhà hoạch định chính sách cần phải đi đúng hướng để vừa thành công trong nỗ lực chống lạm phát, đồng thời hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng.

Bản báo cáo được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia tại đây đang vật lộn với lạm phát leo thang và cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng. Giá năng lượng tăng vọt đã làm giảm sức mua của các hộ gia đình, trong khi đẩy chi phí sản xuất tăng cao.

* Cùng ngày, Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn năng lượng và hóa dầu Shell, ông Ben van Beurden cảnh báo châu Âu đối mặt với quá trình “hợp lý hóa công nghiệp” khó khăn do cuộc khủng hoảng năng lượng, tiềm ẩn rủi ro cho cả kinh tế và chính trị của khu vực.

Theo ông Van Beurden, ngành công nghiệp châu Âu chịu tác động lớn khi cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên trầm trọng. Quan chức Shell nhấn mạnh châu Âu đã giảm tiêu thụ khí đốt “khá nhiều, khá hiệu quả” sau khi mất nguồn cung 120 triệu tấn khí đốt/năm từ Nga, song chủ yếu giảm tiêu thụ nhờ cắt giảm hoạt động công nghiệp.

Châu Âu đang nỗ lực để nhanh chóng tìm nguồn cung thay khí đốt của Nga trong khi sẽ cần lượng lớn khí đốt trong nhiều thập kỷ. Theo CEO Van Beurden, Lục địa Già có thể giảm tiêu thụ khí đốt bằng cách giảm nhu cầu sử dụng, tuy nhiên “việc hợp lý hóa công nghiệp” này sẽ đem lại những rủi ro trong dài hạn.

Ông cảnh báo việc cắt giảm đột ngột nguồn cung trong ngành công nghiệp vào thời điểm kinh tế nhìn chung đang khó khăn như hiện nay sẽ gây ra khá nhiều sức ép đối với các nền kinh tế cũng như nhiều sức ép đối với hệ thống chính trị tại châu Âu.

Cảnh báo trên được đưa ra tại buổi lễ ký thỏa thuận Shell tham gia dự án khí đốt lớn tại Qatar. CEO Van Beurden đã ký thỏa thuận mua 9,3% cổ phần trong dự án North Field South của tập đoàn Qatar Energy.

Tập đoàn có trụ sở tại Anh là doanh nghiệp châu Âu thứ hai sau tập đoàn TotalEnergies (Pháp) có cổ phần trong North Field South. Tổng cộng 25% cổ phần dự án dành cho các “đại gia” năng lượng nước ngoài.

Dự án này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực của Qatar nhằm tăng 50% sản lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lên khoảng 127 triệu tấn/năm trong 5 năm tới.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/288430/imf-canh-bao-trien-vong-kinh-te-chau-au-dang-ngay-mot-xau-di.html