IMF đánh giá tích cực đà hồi phục kinh tế của Trung Quốc
Trong một báo cáo công bố ngày 28/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi tốt sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn cần sự hỗ trợ và những bước đi phù hợp nhằm đảm bảo tăng trưởng 'xanh' và toàn diện.
Trong báo cáo trên, IMF nhấn mạnh quá trình phục hồi của Trung Quốc sau cú sốc COVID-19 đang tiến triển tốt nhờ việc nước này triển khai những hành động chính sách nhanh chóng và mạnh mẽ, trong đó việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng. Tuy nhiên, IMF cho rằng đà phục hồi còn thiếu cân bằng và đã chững lại, một phần do lĩnh vực tiêu dùng bị ảnh hưởng do các đợt bùng phát COVID-19 vừa qua.
Theo đó, các giám đốc của IMF kêu gọi Trung Quốc cần tiếp tục triển khai các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ và tái cân bằng nền kinh tế, cũng như đạt những tiến bộ trong cải cách cơ cấu quan trọng nhằm chuyển đổi sang tăng trưởng "chất lượng cao" - tăng trưởng "xanh", cân bằng và toàn diện.
Cũng trong báo cáo, IMF nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ tài khóa cho quá trình phục hồi của Trung Quốc nhằm tăng cường hơn nữa bảo trợ xã hội. Điều này sẽ thúc đẩy tái cân bằng đối với hoạt động tiêu dùng và lĩnh vực dịch vụ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang tăng "trưởng chất lượng cao".
Tuy nhiên, IMF cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể sẽ tiếp tục cản trở nỗ lực phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc, trước khi giảm dần ảnh hưởng vào năm 2023. Điều này đòi hỏi tính hiệu quả của hoạt động tiêm chủng và sự nới lỏng trong chiến lược “zero COVID” của Trung Quốc.
Trong bối cảnh các công ty bất động sản tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng thanh khoản khi Bắc Kinh tìm cách kiềm chế tình trạng nợ quá cao và đầu cơ tiêu dùng tràn lan, báo cáo của IMF đã đưa ra cảnh báo cuộc khủng hoảng này có thể gây ảnh hưởng ở quy mô rộng hơn đối với nền kinh tế Trung Quốc và trên toàn cầu.
Theo các chuyên gia IMF, Trung Quốc cần thực hiện những cải cách sâu rộng hơn nhằm hạn chế hoàn toàn mối đe dọa này. Cơ quan này cho biết tài sản đóng vai trò lớn đối với toàn bộ nền kinh tế và hệ thống tài chính của Trung Quốc, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cố định và cho vay ngân hàng trong 5 năm qua trước đại dịch.
Trước đó, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới cập nhật ngày 25/1, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay xuống còn 4,8%, giảm 0,8 % so với dự báo trước đó.