IMF dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2019
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ giảm từ mức cao 10 năm là 7,1% vào năm 2018 xuống 6,5% trong cả năm 2019.
Cơ cấu thương mại đa dạng và các hiệp định thương mại tự do mới ký kết đang thúc đẩy quá trình cải cách tại Việt Nam. (Ảnh TL)
IMF cho biết căng thẳng thương mại và những biến động bên ngoài đã ảnh hưởng đến Việt Nam vào năm 2018, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững nhờ tăng trưởng lành mạnh về thu nhập cũng như hoạt động tiêu dùng của tầng lớp trung lưu, mùa màng nông nghiệp bội thu và sự phát triển nhanh của ngành chế tạo.
Những động lực kinh tế mạnh mẽ sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2019 với chi phí lao động khá cạnh tranh và các yếu tố cơ bản mạnh mẽ bao gồm cơ cấu thương mại đa dạng và các hiệp định thương mại tự do mới ký kết đang thúc đẩy quá trình cải cách tại Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam dự kiến sẽ “hạ nhiệt” và đạt mức tăng 6,5% vào năm 2019, duy trì tốc độ này trong năm 2020 cũng như trung hạn do sự suy yếu của các yếu tố bên ngoài.
IMF cũng dự báo tỷ lệ lạm phát của Việt Nam sẽ tăng nhẹ lên 3,6% trong năm 2019 và 3,8% trong năm 2020 nhưng vẫn duy trì ở dưới mức mục tiêu 4% của Chính phủ. Cơ quan này nhận định căng thẳng thương mại và bất ổn toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam trong năm 2018 nhưng nền kinh tế vẫn vững vàng nhờ thu nhập và tiêu dùng của nhóm trung lưu tăng ổn định, mùa màng thuận lợi cùng khu vực sản xuất phát triển mạnh.
Trong báo cáo, IMF đánh giá cao những chính sách thận trọng của Chính phủ Việt Nam, góp phần tích cực cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu và các yếu tố bất ổn bên ngoài. Cơ quan này hoan nghênh cam kết tiếp tục bình ổn kinh tế vĩ mô và cải cách trên diện rộng của chính phủ Việt Nam và đồng tình với ưu tiên tập trung tăng cường quản trị, thúc đẩy năng suất lao động và tăng trưởng dựa trên khu vực kinh tế tư nhân.
IMF kêu gọi Việt Nam tiếp tục cải cách nhằm giảm các rào cản vẫn còn tồn tại đối với đầu tư, bao gồm việc cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng và vốn của nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân và tăng năng suất lao động.
Trước đó, trong báo cáo Điểm lại công bố ngày 1/7, WB cũng nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh bất định cao với tác động của những yếu tố bất lợi bên ngoài lên các ngành kinh tế quan trọng. WB dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2019 theo giá so sánh của Việt Nam sẽ giảm còn 6,6%, do sức cầu bên ngoài yếu đi và chính sách tài khóa, tín dụng tiếp tục bị thắt chặt.
IMF lưu ý rằng Việt Nam nên tập trung hơn nữa vào chất lượng các biện pháp điều chỉnh để giữ nợ công giảm dần, tạo dư địa để ưu tiên phát triển cho cơ sở hạ tầng và chi tiêu xã hội, chuẩn bị cho giai đoạn già hóa dân số tiềm ẩn và đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu cũng như nền kinh tế chuyển dịch theo hướng số hóa.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra vài khuyến nghị cần ưu tiên để cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm giảm sự can thiệp, tăng cường giám sát doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát tham nhũng. Khuyến nghị những rào cản về hành chính đối với khu vực kinh tế tư nhân và nước ngoài cần phải tiếp tục cắt giảm hơn nữa nhằm thúc đẩy liên kết giữa khối doanh nghiệp tư nhân và FDI, tăng tính cạnh tranh và năng suất lao động, thúc đẩy đầu tư và chuyển giao công nghệ.
IMF cho rằng quy định sở hữu và cho thuê đất nên được thay đổi nhằm giảm sự tập trung vào các cơ quan nhà nước và các cuộc đấu giá đất cạnh tranh nên được đưa thành tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, IMF cho rằng khả năng tiếp cận tín dụng tại Việt Nam hiện bị ảnh hưởng với trần tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và thị phần lớn trong hệ thống ngân hàng vẫn thuộc về các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước. IMF khuyến nghị tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các ngân hàng nhà nước nên ở mức dưới 65%, đồng thời nâng trần sở hữu của nước ngoài.