IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 thêm 1/10 điểm phần trăm, với kỳ vọng kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn và bù đắp điều chỉnh tăng trưởng giảm ở Đức, Pháp và các nền kinh tế lớn khác.
Kỳ vọng tình trạng gián đoạn toàn cầu sẽ chấm dứt
Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu là 3,3% vào cả năm 2025 và 2026, và cho biết lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống còn 4,2% vào năm 2025 và 3,5% vào năm 2026, cho phép bình thường hóa chính sách tiền tệ hơn nữa và chấm dứt tình trạng gián đoạn toàn cầu trong những năm gần đây.
Nhưng IMF cho biết tăng trưởng toàn cầu vẫn thấp hơn mức trung bình lịch sử là 3,7% trong giai đoạn 2000 - 2019 và cảnh báo các nước về các biện pháp đơn phương như thuế quan, rào cản phi thuế quan hoặc trợ cấp có thể gây tổn hại cho các đối tác thương mại và thúc đẩy hành động trả đũa.
Các chính sách như vậy "hiếm khi cải thiện triển vọng trong nước một cách bền vững" và có thể khiến "mọi quốc gia trở nên tồi tệ hơn", nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định.
Dự báo mới của IMF được đưa ra chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã đề xuất mức thuế quan 10% đối với hàng nhập khẩu nói chung, mức thuế trừng phạt 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico cho đến khi họ siết chặt ma túy và người di cư vượt biên giới vào Mỹ, và mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.
"Việc tăng cường các chính sách bảo hộ, chẳng hạn như dưới hình thức một làn sóng thuế quan mới, có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại, kéo giảm đầu tư, làm giảm hiệu quả thị trường, bóp méo dòng chảy thương mại và một lần nữa phá vỡ chuỗi cung ứng", IMF cho biết, đồng thời lưu ý rằng tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng trong cả ngắn hạn và trung hạn.
Ông Gourinchas nói với Reuters rằng rõ ràng có "sự bất ổn lớn" về các chính sách tương lai của Mỹ vốn đã ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, nhưng IMF cần phải chờ đợi thông tin cụ thể để đưa ra kết luận rõ ràng hơn.
Niềm tin gia tăng và tâm lý tích cực ở Mỹ có thể thúc đẩy nhu cầu và thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng việc bãi bỏ quy định quá chặt chẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, có thể "tạo ra động lực bùng nổ rồi đến suy thoái cho Mỹ trong dài hạn, với những hậu quả đối với phần còn lại của thế giới", IMF viết.
Các xu hướng tăng trưởng khác nhau
IMF cho biết họ đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2025 của Mỹ lên 2,7% dựa trên thị trường lao động mạnh mẽ và đầu tư đang tăng tốc, tăng nửa phần trăm so với dự báo hồi tháng 10. Năm 2026, tăng trưởng kinh tế Mỹ ước tính sẽ giảm còn 2,1%.
Trong khi đó, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của khu vực Eurozone0,2 điểm phần trăm xuống còn 1,0% cho năm 2025 và 0,1 điểm phần trăm xuống còn 1,4% cho năm 2026, với lý do động lực trong lĩnh vực chế tạo trở nên yếu hơn còn sự bất ổn chính trị và chính sách gia tăng.
Ông Gourinchas cho biết sự khác biệt tăng trưởng giữa Mỹ và châu Âu là do các yếu tố cấu trúc, phản ánh sự tăng trưởng năng suất mạnh hơn của Mỹ, đặc biệt không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ. Vấn đề này sẽ kéo dài, trừ khi các vấn đề như môi trường kinh doanh và thị trường vốn sâu hơn được giải quyết.
Nền kinh tế Đức được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 0,3% vào năm 2025, thay vì mức 0,8% được dự báo 3 tháng trước. Sang năm 2026, kinh tế Đức ước đạt tăng trưởng tới 1,1%, điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm.
Pháp cũng bị cắt giảm dự báo tăng trưởng xuống còn 0,8% cho năm 2025 từ mức 1,1% được dự báo vào tháng 10 và xuống còn 1,1% cho năm 2026 từ mức 1,3%.
Trong khi đó, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc thêm 0,1 điểm phần trăm lên 4,6% và 0,4 điểm phần trăm lên mức 4,5% cho năm 2026 sau khi Bắc Kinh công bố một gói kích thích tài khóa vào tháng 11 năm ngoái.
Theo IMF, tiến trình hạ nhiệt lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục nhờ vào sự hạ nhiệt dần dần của thị trường lao động và dự kiến giá năng lượng sẽ giảm. Tuy nhiên, thế giới có thể đối mặt áp lực lạm phát mới do các biện pháp thương mại và điều này có thể dẫn đến lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn và khiến đồng đô la Mỹ mạnh lên.
Ông Gourinchas lưu ý rằng áp lực lạm phát mới có thể "làm giảm kỳ vọng lạm phát" nếu chúng xảy ra quá sớm sau đợt tăng đột biến gần đây, điều này có nghĩa là chính sách tiền tệ sẽ cần phải "linh hoạt và chủ động" hơn.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/imf-nang-du-bao-tang-truong-kinh-te-my-d241267.html